Trong giai đoạn 2023 - 2025, dự kiến có 12 đơn vị hành chính cấp huyện là thị xã, thành phố sắp xếp với toàn bộ hoặc một phần đơn vị hành chính cấp huyện liền kề. 3 thị xã, thành phố dự kiến thành lập mới trên cơ sở sắp xếp đơn vị hành chính; 4 thị xã, thành phố đã có quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu. 48 thị trấn thuộc 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dự kiến sắp xếp với toàn bộ hoặc một phần đơn vị hành chính xã liền kề.
Trong quá trình thực hiện, dù đã đạt được những kết quả nhất định nhưng việc triển khai thực hiện vẫn còn tồn tại một số vướng mắc, khó khăn liên quan đến quy hoạch đô thị và đánh giá phân loại đô thị khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là đô thị.
Những khó khăn, vướng mắc này, theo đại diện Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ, có nhiều nguyên nhân như đa dạng về điều kiện tự nhiên, địa hình, dân cư, phong tục tập quán và sự khác biệt về tốc độ đô thị hóa, trình độ phát triển kinh tế - xã hội giữa các đơn vị hành chính.
Bên cạnh đó, còn có những nguyên nhân khác như một số quy định, hướng dẫn còn thiếu, chưa cập nhật, chưa dự báo và bao quát đầy đủ các trường hợp phát sinh trong quá trình sắp xếp. Chưa có hướng dẫn về yêu cầu, quy trình, cách thức bàn giao, xử lý tài liệu, hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính đang lưu trữ.
Việc xây dựng hệ thống chính sách, chế độ cũng chưa tương xứng, phù hợp. Các văn bản pháp luật, các quy định liên quan đến bố trí, sắp xếp, giải quyết số cán bộ, công chức, viên chức dôi dư chưa thật đầy đủ; mức hỗ trợ chưa thỏa đáng để ổn định đời sống, tạo việc làm mới.
Hơn nữa, sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, quy mô dân số và diện tích tự nhiên tăng lên, phạm vi địa bàn quản lý mở rộng, khối lượng công việc, nhu cầu sử dụng dịch vụ công tăng… nhưng số cán bộ, công chức phải cắt giảm theo quy định, các khoản chi cho hoạt động thường xuyên giảm đã tác động không nhỏ đến hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý, nhất là tại các huyện, xã thuộc khu vực miền núi, nông thôn có diện tích lớn, địa hình chia cắt, dân cư sinh sống rải rác, giao thông đi lại khó khăn.
Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc này, mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 50/2024/UBTVQH15 quy định một số nội dung liên quan đến việc bảo đảm yêu cầu phân loại đô thị và tiêu chuẩn của đơn vị hành chính để thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025.
Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính. Tuy nhiên, điều quan trọng như ý kiến của một số chuyên gia thì mục tiêu dài hạn khi sắp xếp là nhằm tinh gọn bộ máy, tiết kiệm ngân sách.
Nhưng ngay trong giai đoạn sau sắp xếp, cần tập trung bố trí nguồn lực đầu tư để các đơn vị hành chính sớm ổn định tổ chức, hoạt động. Từ đó tạo nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, để người dân cảm thấy được ngay tác dụng, hiệu quả của việc sắp xếp.
Vấn đề nữa là phải thực hiện tốt công tác lập quy hoạch, bố trí, sắp xếp không gian phát triển phù hợp với đặc điểm, thế mạnh của vùng, miền, địa phương. Trên cơ sở đó tập trung ưu tiên các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội có trọng tâm, trọng điểm và tạo không gian phát triển mới với tư duy mới, giá trị mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Quá trình này cần thực hiện khoa học, khách quan, công khai, minh bạch. Công tác kiểm tra, giám sát cũng cần được tiến hành thường xuyên, liên tục để kịp thời tháo gỡ, giải quyết ngay các vướng mắc, khó khăn.