Cộng đồng trách nhiệm lo hoạt động hè

GD&TĐ - Kết thúc năm học, theo thông lệ, các trường phổ thông sẽ bàn giao học sinh về sinh hoạt hè tại địa phương.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong bối cảnh thiếu vắng sân chơi, lại sáp nhập phường, xã nhiều chộn rộn, năm nay ngành Giáo dục nhiều địa phương chủ trương tăng cường mở cửa trường học trong hè để học sinh vui chơi, trải nghiệm, học kỹ năng.

Đến nay, đa số trường có kế hoạch mở cửa thư viện miễn phí. Những trường có điều kiện sân bãi, thiết bị thì tổ chức thêm các câu lạc bộ sinh hoạt đội nhóm, kỹ năng, thể thao, tin học, âm nhạc, mỹ thuật… Học sinh tham gia có thể được miễn phí hoặc có thu phí tùy trường.

Chủ trương mở cửa ngày hè của các nhà trường được nhiều phụ huynh ủng hộ, nhất là ở khu vực đô thị, nơi các bậc cha mẹ khá bận rộn. Học sinh được sinh hoạt hè ở trường không chỉ giúp phụ huynh yên tâm làm việc mà các em có cơ hội vui chơi lành mạnh, qua đó tăng cường kỹ năng sống, định hướng nhân cách.

Đặc biệt, theo các chuyên gia, vui chơi ở trường có tác động tích cực đối với sức khỏe thể chất lẫn tinh thần; các em sẽ giữ được thói quen đến trường, các ý niệm về trường lớp, bạn bè và thầy cô duy trì củng cố. Vì vậy khi vào năm học, học sinh không phải vất vả để bứt ra trạng thái “nghỉ hè”, sẵn sàng cho một năm học mới.

Mặc dù mang lại nhiều lợi ích, nhưng hiện nay việc mở cửa trường cho học sinh sinh hoạt trong hè chưa đều khắp, còn không ít trường chưa có chương trình cụ thể. Với nhóm trường chậm vào cuộc, khó khăn lớn nhất là vấn đề kinh phí.

Tài chính các trường công khá hạn hẹp, ngân sách địa phương dành cho sinh hoạt hè chỉ vài chục nghìn đồng/em và hiện chưa có cơ chế nào cho phép địa phương linh động cấp thêm, nếu ở vùng khó khăn. Vậy tiền đâu để duy tu cơ sở vật chất và tổ chức nhân sự cho hoạt động hè?

Nếu mở cửa miễn phí, nhà trường phải huy động giáo viên tham gia trên tinh thần tự nguyện, mà vào dịp hè thầy cô cũng cần được nghỉ ngơi bên gia đình, đi bồi dưỡng, tập huấn hoặc làm thêm các công việc khác để tăng thu nhập. Tổ chức hoạt động hè theo hướng xã hội hóa thì phải bảo đảm thu bù chi, nếu số lượng học sinh đăng ký ít cũng khó triển khai.

Bên cạnh đó, đã tổ chức thu phí thì các hoạt động phải được thực hiện bài bản, đủ sức hấp dẫn, trong khi đội ngũ các trường lại chưa được đào tạo kỹ năng tổ chức hoạt động hè. Làm sao để hoạt động hè tại trường vừa bảo đảm an toàn, vừa mới mẻ hấp dẫn và phải cân đối tài chính là bài toán mà nhiều hiệu trưởng cân nhắc.

Việc các trường tranh thủ cơ sở vật chất, đội ngũ mở cửa trong hè đã góp phần bổ sung thêm những sân chơi bổ ích cho học sinh. Tinh thần trách nhiệm, sự chủ động, sáng tạo này rất đáng ghi nhận. Thế nhưng nếu chỉ dựa vào sự nỗ lực của thầy cô thì các sân chơi hè trong nhà trường chỉ dừng lại ở vài mô hình điểm hay phong trào ngắn hạn, khó có thể đi xa.

Để việc mở cửa trường hè phát triển đồng bộ, dài hơi và có tính bền vững, góp phần giáo dục toàn diện học sinh, bên cạnh nỗ lực, chủ động từ các trường, cần có sự quan tâm của phụ huynh, vai trò của các cấp lãnh đạo địa phương, đặc biệt về chủ trương và cơ chế phối hợp.

Thực tế cho thấy những nơi tổ chức hoạt động hè trong nhà trường hiệu quả thường có sự chung sức trách nhiệm của các ban ngành, đoàn thể ở cơ sở, và đặc biệt, phụ huynh không còn quan niệm “cho con đi học thêm trong hè tốt hơn sinh hoạt hè”. Chỉ khi có cộng đồng trách nhiệm của gia đình, nhà trường và địa phương, việc mở cửa trường hè mới thực sự được nhân rộng và hiệu quả, mang đến cho học sinh một kỳ nghỉ an toàn, bổ ích.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ