Có 108 dự án hoàn thành (73 nghìn căn) và 155 dự án đã khởi công xây dựng (hơn 132 nghìn căn). Dự kiến 22 tỉnh, thành phố sẽ hoàn thành chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội (gần 48 nghìn căn); 22 địa phương khó hoàn thành chỉ tiêu (hơn 23 nghìn căn); nhưng vẫn có 19 tỉnh chưa triển khai dự án nhà ở xã hội.
Còn theo Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội tại Kỳ họp thứ 9 đang diễn ra thì mặc dù đạt được một số kết quả quan trọng, việc phát triển nhà ở xã hội vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.
Cụ thể, nước ta chưa có Quỹ Nhà ở quốc gia hoặc mô hình định chế tài chính phù hợp để hỗ trợ nguồn lực tài chính cho các địa phương, doanh nghiệp triển khai các dự án nhà ở xã hội đảm bảo dài hạn, bền vững. Thủ tục lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân không sử dụng vốn đầu tư công còn phức tạp, kéo dài.
Bên cạnh đó, dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội phải thực hiện lần lượt các thủ tục quy hoạch; thủ tục về chuẩn bị đầu tư, đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội như dự án nhà ở thương mại. Quy trình thực hiện thủ tục thẩm định giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội còn kéo dài.
Doanh nghiệp, cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập không được thuê nhà ở xã hội của các chủ đầu tư để cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của mình ở. Các quy định để đa dạng hóa nguồn lực cho địa phương thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tạo quỹ đất phát triển nhà ở xã hội cũng chưa có…
Như vậy, những khó khăn, vướng mắc dẫn đến phát triển nhà ở xã hội không đạt như kỳ vọng vẫn là những nguyên nhân xưa cũ như tiếp cận đất đai, thủ tục đầu tư xây dựng, tín dụng, chính sách ưu đãi…
Để giải quyết tình trạng này, trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, Chính phủ đã đề xuất nhiều cơ chế, chính sách, trong đó đáng chú ý là đề xuất bỏ bước lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết; bỏ thủ tục thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi. Thành lập Quỹ Nhà ở quốc gia để có nguồn vốn dài hạn, bền vững cho phát triển nhà ở xã hội…
Đây có thể coi là những giải pháp cơ bản giúp thúc đẩy nhà ở xã hội phát triển. Tuy nhiên, theo một số đại biểu Quốc hội, bên cạnh các giải pháp mang tính vĩ mô, cần có giải pháp mang tính vi mô như xem xét bổ sung các cơ chế hỗ trợ để đảm bảo giá nhà, giá thuê tương xứng với thu nhập thực tế của người lao động. Đồng thời cần bảo đảm công khai, minh bạch trong phân bổ, xét duyệt để người lao động có cơ hội công bằng tiếp cận nhà ở xã hội.
Ý kiến khác thì cho rằng, dự thảo Nghị quyết còn thiếu một mảnh ghép cốt lõi đó là chính sách ưu tiên đặc biệt cho người dân mua nhà ở xã hội - là những người thụ hưởng trực tiếp và cũng là lực kéo quan trọng nhất cho thị trường nhà ở xã hội hiện nay.
Để nhà ở xã hội đến tận tay người có thu nhập thấp, vị đại biểu này đã chỉ ra những điểm nghẽn cần được tháo gỡ đó là nên cho vay ưu đãi dài hạn, đồng thời cấp bù lãi suất hoặc hỗ trợ giá thuê nhà, đơn giản hóa điều kiện cho vay...
Phát triển nhà ở xã hội không chỉ là chính sách mang tính chính trị, nhân văn mà còn là một trong những động lực phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tăng đầu tư, tiêu dùng, bảo đảm an sinh, tiến bộ và công bằng xã hội.
Cho nên, như ý kiến của một đại biểu Quốc hội, để phát triển được và phát triển bền vững, không chỉ kích cung mà phải kích cầu bằng chính sách thiết thực và khả thi dành cho người dân. Người dân không chỉ là đối tượng được phục vụ mà còn là người tạo nên thị trường, tạo nên niềm tin, tạo nên động lực cho cả hệ thống.