Tạo “khoảng trống” trong chương trình đào tạo sư phạm

GD&TĐ - Theo chiến lược "dạy ít, học nhiều", giáo dục Singapore tập trung nâng cao chất lượng học tập của sinh viên bằng cách tạo thêm nhiều "khoảng trống" trong chương trình học để giáo viên có thể thực hiện những kế hoạch giảng dạy riêng, cùng sinh viên định hình một môi trường giáo dục riêng và bồi dưỡng nghiệp vụ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nghiên cứu một số kinh nghiệm về đào tạo giáo viên ở Singapore, ThS. Dương Thị Thuý Hà – Viện Nghiên cứu sư phạm (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) – chia sẻ tại Hội thảo khoa học quốc tế “Kinh nghiệm của Malaysia và Singapore về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục phổ thông và giảng viên sư phạm": Với mô hình "dạy ít, học nhiều", kiểu học vẹt, học vì thành tích và phong cách giảng dạy "dành cho tất cả mọi người" sẽ bị loại bỏ.

Thay vào đó, sinh viên sẽ chủ động hơn trong học tập, khám phá tri thức thông qua các thí nghiệm, trải nghiệm thực tế, học các kỹ năng sống và xây dựng nhân cách nhờ chiến lược đào tạo hiệu quả và sáng tạo.

Ngoài ra, sinh viên cũng có thêm nhiều cơ hội học tập và rèn luyện toàn diện để phát triển tư duy, nhân cách và những tố" chất để thành công trong tương lai.

Theo ThS. Dương Thị Thuý Hà, để hỗ trợ việc đổi mới giáo dục, Bộ Giáo dục Singapore cam kết thực hiện những thay đổi về cấu trúc chương trình học và cung cấp những nguồn lực cần thiết. Bộ sẽ tăng cường tính linh hoạt, chủ động của các trường bằng cách rút gọn chương trình giảng dạy tới 10-20% để tạo "thời gian trống"; đồng thời, giảm 2 giờ làm mỗi tuần cho mỗi giáo viên để họ có thêm thời gian lên kế hoạch giảng dạy và trao đổi kinh nghiệm chuyên môn.

Trợ cấp cho giáo viên tiềm năng

Bộ Giáo dục Singapore rất thận trọng trong việc tuyển chọn những giáo viên tiềm năng từ số học sinh thuộc nhóm dẫn đầu về thành tích học tập sau khi tốt nghiệp THPT.

Chia sẻ điều này, theo nghiên cứu của ThS. Dương Thị Thuý Hà, mặc dù thành tích học tập là yếu tố thiết yếu, nhưng một điều quan trọng không kém ở những người được tuyển chọn là phải có sự yêu thích, cam kết gắn bó với công việc giảng dạy.

Các giáo viên tiềm năng này trong thời gian đào tạo sẽ được hưởng mức trợ cấp tương đương 60% lương của giáo viên chính thức. Tuy nhiên, vì được hưởng quyền lợi này nên họ cũng phải cam kết sẽ tham gia giảng dạy trong ít nhất 3 năm sau khi chính thức vào nghề.

Mọi giáo viên đều phải được đào tạo theo chương trình giảng dạy của Viện Giáo dục Quốc gia (NIE). Tại đây, tùy theo khởi điểm đầu vào, họ sẽ lấy bằng cử nhân hay các học vị cao hơn.

Viện Giáo dục Quốc gia cũng có mối liên hệ mật thiết với các trường, bởi chính tại các trường phổ thông, những giáo viên cao cấp (master teacher) sẽ đóng vai trò dẫn dắt, chỉ bảo thêm cho mọi giáo viên mới ra trường trong nhiều năm.

“Nhân tố quan trọng đem lại thành công cho các chương trình đào tạo giáo viên của NIE chính là sự hợp tác chặt chẽ "ba bên" giữa NIE, Bộ Giáo dục Singapore và các trường trong nước.

Bộ ba này cùng đồng thuận quan điểm trong sứ mệnh cũng như tầm nhìn về việc đào tạo thế" hệ giáo viên có tư duy sáng tạo. Điều này đảm bảo sự đồng thuận quan điểm về sứ mệnh, tầm nhìn, hệ thống giá trị của nhà trường cũng như quá trình thực thi nghề nghiệp của đội ngũ giáo viên sau đào tạo” - ThS. Dương Thị Thuý Hà chia sẻ.

Giáo viên có nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp

Mỗi năm, các giáo viên được hưởng 100 giờ dành cho phát triển nghề nghiệp. Họ sẽ tham gia các khoá học tại Viện Giáo dục Quốc gia tập trung vào một môn học nào đó hay kiến thức sư phạm, cũng có thể giúp giáo viên có cơ hội lấy được những bằng cấp cao hơn.

ThS. Dương Thị Thuý Hà cho biết: Phần lớn khoảng thời gian dành cho phát triển nghề nghiệp này được thực hiện ngay tại ngôi trường mà giáo viên đó đang giảng dạy, do chính các chuyên gia phát triển đội ngũ nhân lực của nhà trường đảm nhiệm.

Các chuyên gia đó có nhiệm vụ nhìn ra được những vấn đề tồn tại của trường, chẳng hạn vấn đề học toán của một nhóm học sinh, hay giới thiệu các phương pháp giảng dạy mới. từ đó phát triển nghề nghiệp cho các giáo viên.

Trường học nào cũng có một quỹ chuyên dùng để hỗ trợ phát triển nghề nghiệp giáo viên, trong đó cho giáo viên tiếp xúc với các vấn đề mới về giáo dục bằng cách tạo điều kiện tham quan các mô hình giáo dục hiệu quả của những nước khác.

Năm 2010, Trung tâm giáo viên Singapore bắt đầu đi vào hoạt động để khuyến khích các giáo viên tích cực chia sẻ những phương pháp giảng dạy tốt nhất.

Cũng giống như mọi ngành nghề khác ở Singapore, hàng năm ngành giáo dục nước này đều có những phần thưởng tôn vinh cụ thể với các thành tựu, đóng góp xuất sắc của các nhà giáo cho sự nghiệp giáo dục.

Sau ba năm tham gia giảng dạy, các giáo viên sẽ được đánh giá thường niên để xem họ có tiềm năng phát triển theo hướng nào trong số" ba lộ trình liên quan tới lĩnh vực của họ: trở thành giáo viên cao cấp (tức là có thể chỉ dẫn cho những nhà giáo non kinh nghiệm hơn), các chuyên gia về chương trình giảng dạy hay nghiên cứu hoặc trở thành nhà lãnh đạo trường học.

Những giáo viên có tiềm năng phát triển thành các lãnh đạo trường học sẽ được chuyển tới nhóm quản lý cấp trung và được đào tạo để có thể đảm nhiệm công việc trong vai trò mới. Người ta sẽ đánh giá hiệu quả của các nhà quản lý cấp trung này để xem họ có tiềm năng trở thành các hiệu phó và sau này là hiệu trưởng hay không.

Ở mỗi giai đoạn đều có một loạt những kinh nghiệm và chương trình đào tạo cần phải trang bị cho những người này để phục vụ cho công việc quản lý và thích ứng với sự chuyển đổi chuyên môn.

Bài học cho Việt Nam

Từ kinh nghiệm của Singapore, ThS. Dương Thị Thuý Hà cho rằng: Việt Nam cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tô cơ bản của giáo dục đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học; thực hiện phân tầng cơ sở giáo dục đại học theo định hướng nghiên cứu và ứng dụng, thực hành; chọn lọc kỹ các sinh viên thi vào ngành sư phạm và chỉ tiêu tuyển sinh tương đương với lượng giáo viên thiếu trong ngành, sát nhu cầu tuyển dụng khi tốt nghiệp.

Cùng với đó, đổi mới chính sách, chú trọng nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách, lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thông thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.

Cần phân bổ nguồn lực ngân sách nhà nước theo đúng địa chỉ, đúng hướng đối với các cơ sở đào tạo tốt, có chất lượng thì ưu tiên nguồn lực nhiều hơn những cơ sở không đảm bảo chất lượng.

Đối với những ngành nghề xã hội cần, nhà nước cần mà xã hội chưa đáp ứng đủ thì cũng phải có chính sách ưu tiên hơn. Với những ngành nghề các trường đã cung cấp đủ, xã hội đã tự cân đối nhu cầu, nhà nước không nên dùng ngân sách bổ sung cho các cơ sở đó nữa.

Ngoài ra, cần chọn người học là những học sinh giỏi, có thành tích xuất sắc tốt nghiệp THPT vào các trường sư phạm, là người tâm huyết, yêu nghề, cam kết gắn bó với công việc giảng dạy.

Có chế độ đãi ngộ xứng đáng đối với giáo viên, điều chỉnh mức lương dành cho giáo viên mới ra nghề để đảm bảo nghề giáo cũng có sức hấp dẫn tương đương các ngành nghề khác.

Hằng năm, Bộ giáo dục Singapore đều tiến hành kiểm tra mức lương khởi điểm của các ngành nghề khác nhau, theo đó sẽ có điều chỉnh mức lương dành cho các giáo viên mới ra nghề để đảm bảo trong mắt các tân cử nhân, nghề giáo cũng có sức hấp dẫn tương đương các ngành nghề khác.

Theo thời gian, mặc dù lương nhà giáo không tăng nhiều như lương các nghề khác, nhưng bù lại họ được tiếp cận với nhiều cơ hội khác nhau để có thể nắm giữ những vai trò khác ngoài cương vị một nhà giáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ