Người học thế kỉ 21 đòi hỏi giáo viên thế kỉ 21

GD&TĐ - Phân tích kinh nghiệm phát triển đội ngũ giáo viên của Singapore về các giải pháp xây dựng mô hình, chương trình đào tạo, chính sách tạo động lực cho giáo viên, GS Đinh Quang Báo – nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội làm nổi bật các kinh nghiệm có thể vận dụng ở Việt Nam trong bối cảnh triển khai chiến lược đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục.

Người học thế kỉ 21 đòi hỏi giáo viên thế kỉ 21

Tuyển chọn người giỏi nhất vào làm giáo viên

Theo GS Đinh Quang Báo, tại Singapore, Viện nghiên cứu giáo dục mới đây đã tiến hành một nghiên cứu có tính phức hợp để xây dựng mô hình đào tạo giáo viên cho thế kỷ 21. Bước sang thế kỷ 21, với việc thực hiện triết lý GD “nhà trường tư duy, quốc gia học tập”, giáo dục Singapore chuyển trọng tâm từ tri thức sang năng lực theo các quy định của Bộ Giáo dục. Người học của thế kỉ 21 được đặt vào trung tâm của mô hình đào tạo giáo viên.

“Người học thế kỉ 21 đòi hỏi giáo viên thế kỉ 21” và chương trình đào tạo giáo viên được phát triển xung quanh các đầu ra mong muốn đối với đào tạo ban đầu cùng với 3 giá trị cốt lõi:

Các giá trị về người học (tình yêu đối với trẻ em, lòng tin rằng mọi em đều học được, cam kết nuôi dưỡng tiềm năng ở mỗi em và coi trọng sự đa dạng của trẻ);

Các giá trị về giáo viên (tính chuyên nghiệp, hướng tới phát triển năng lực đáp ứng các mức chuẩn cao, ham học hỏi, hoàn thiện không ngừng, yêu nghề, có đạo đức, thích ứng và nhẫn nại);

Các giá trị phục vụ nghề và cộng đồng (cộng tác với đồng nghiệp, có trách nhiệm xã hội và hội nhập, có tinh thần học tập và giúp đỡ đồng nghiệp, có tác phong quản lý).

Từ việc xem xét nhiều khía cạnh khác nhau như nền tảng triết lí của giáo dục giáo viên, mô hình định hướng hình thành năng lực cho giáo sinh để họ có thể đáp ứng linh hoạt, sáng tạo với trách nhiệm dạy học và giáo dục ở lớp của mình và với nhà trường.

Chương trình đào tạo giáo viên với viết tắt VSK hướng tới phát triển nhân cách giáo viên chuyên nghiệp hóa, đòi hỏi giáo viên tương lai phải có các năng lực hồi cứu, khám phá, canh tân, cộng tác, làm việc với cộng đồng, trong đó các yếu tố thái độ, giá trị và toàn tâm toàn ý với nghề được nhấn mạnh hơn năng lực sư phạm và chuyên môn.

Để thu hút được người giỏi nhất, Chính phủ có nhiều chính sách đốt phá như tổ chức chặt chẽ thi tuyển đầu vào chương trình đào tạo giáo viên với ứng viên là những người trong tổng 30% người giỏi nhất tốt nghiệp THPT (với chương trình đào tạo cử nhân sư phạm) hoặc có bằng cử nhân giỏi nhất vào chương trình đâò tạo trình độ thạc sĩ. Lương giáo viên ở Singapore thuộc bậc cao nhất so với các ngành nghề khác có trình độ đào tạo tương đương.

“Ở Singapore, việc tổ chức sinh viên thực hành, thực tập sư phạm được liên kết chặt chẽ với các trường phổ thông. Quá trình thực hành được giám sát bởi những giáo viên cộng tác, các giảng viên của cơ sở đào tạo giáo viên được tuyển chọn đặc biệt.

Singapore không yêu cầu những tiêu chuẩn cấp chứng chỉ bổ sung, nghĩa là chứng chỉ giáo viên hay bằng tốt nghiệp sư phạm có giá trị suốt đời mà không cần cấp lại. Tuy nhiên, hàng năm giáo viên được dành khoảng 100 giờ để bồi dưỡng năng lực nghề nghiệp. Ở đây, cộng đồng phát triển nghề nghiệp mỗi nhà trường được tổ chức thực hiệu quả làm động lực phát triển nghề nghiệp thường xuyên cho giáo viên” – GS Đinh Quang Báo cho biết thêm.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cần đổi mới tuyển sinh vào sư phạm

Từ nghiệm phát triển đội ngũ giáo viên của Singapore, GS Đinh Quang Báo cho rằng, cần đổi mới tuyển sinh vào sư phạm. Cụ thể, đổi mới tổ chức thi tuyển, trong đó cần chú trọng kết hợp chất lượng kiến thức môn học với các năng khiếu sư phạm, các kỹ năng mềm cốt lõi.

Có giải pháp chọn được học sinh giỏi phổ thông tối thiểu trong tốp 30% học sinh giỏi. Giải pháp quan trọng trước mắt là trên cơ sở quy hoạch cung cầu đảm bảo sinh viên tốt nghiệp có việc làm và miễn học phí, tăng học bổng cho sinh viên sư phạm.

Cũng theo GS Đinh Quang Báo cho rằng, xu hướng chung và cấp thiết hiện nay vẫn là xác định mô hình đào tạo giáo viên theo hướng hình thành năng lực cho người học.

Trong đó, mô hình, nội dung và phương thức đào tạo phải được thiết kế một cách logic, tường minh, khả thi, đảm bảo cho sinh viên sau khi hoàn thành chương trình học, được trang bị hệ thống năng lực và giá trị nghề nghiệp, đảm bảo cho sinh viên tốt nghiệp có thể tham gia ngay vào hoạt động giảng dạy thực tế ở trường phổ thông.

Cùng với đó, chương trình đào tạo giáo viên cần được thiết kế dựa trên chuẩn đầu ra của sinh viên với hệ thống năng lực và giá trị nghề nghiệp cụ thể.

Theo đó, cũng cần lưu ý đến vấn đề tuyển sinh đầu vào trong các trường sư phạm cũng như công tác bồi dưỡng tình cảm và giá trị nghề cho sinh viên mới vào trường để đảm bảo sau khi được đào tạo, đội ngũ sinh viên tốt nghiệp “vừa hồng vừa chuyên”, đáp ứng tốt nhu cầu của hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay.

Nguyên hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội đồng thời nhấn mạnh: phương thức đào tạo giáo viên nguyên lý hoạt động trải nghiệm thực tiễn giáo dục ở nhà trường phổ thông. Thông qua các kỳ kiến tập, thực tập, tạo điều kiện cho sinh viên tiếp xúc tối đa với hoạt động dạy học ở trường phổ thông, qua đó sinh viên có thể quan sát, làm quen, củng cố kiến thức, hình thành năng lực cũng như bồi dưỡng tình cảm và giá trị nghề nghiệp cho tương lai.

Cuối cùng, thiết kế chương trình đào tạo giáo viên cần chú trọng đến vấn đề tổ chức liên kết trách nhiệm giữa các cơ sở đào tạo với các trường phổ thông thực hành.

Cùng các giải pháp trên, theo GS Định Quang Báo, cần tăng lương cho giáo viên theo chức danh và thành tích nổi bật trong phát triển nghề nghiệp; có chính sách, cơ chế tuyển dụng và sử dụng kích thích lao động sáng tạo của giáo viên; đặt yếu tố giáo viên vào vị trí cốt lõi của chiến lược phát triển hệ thống giáo dục quốc dân.

Đồng thời, xây dựng mỗi nhà trường thành một cộng đồng phát triển nghề nghiệp thường xuyên, liên tục; trong đó cần thiết phải có giải pháp xây dựng giáo viên chủ chốt.

Phát triển giáo viên trong quan hệ chặt chẽ với đổi mới giáo dục các cấp học, bậc học. Đào tạo, bồi dưỡng bảo đảm để giáo viên không chỉ đi sau đổi mới giáo dục phổ thông mà phải chủ động đi trước, tạo ra sự đổi mới giáo dục phổ thông. Muốn vậy, cần bồi dưỡng cho giáo viên năng lực nghiên cứu khoa học đặc biệt nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng.

“Quản lý đội ngũ giáo viên phải coi là lĩnh vực quản lý đặc thù cho nên cần được kế hoạch hoá cấp vĩ mô một cách chặt chẽ” – GS Đinh Quang Báo nhấn mạnh thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.