Để có đội ngũ giáo viên chất lượng

GD&TĐ - Từ kinh nghiệm của Singapore và Malaysia, chúng ta có thể rút ra bài học quý, vận dụng khả thi vào giáo dục Việt Nam trong bối cảnh hiện tại về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cũng như thu hút người giỏi vào ngành sư phạm.

Để có đội ngũ giáo viên chất lượng

Giải quyết khó khăn trong thu hút người giỏi vào sư phạm

Kinh nghiệm của Singapore được chia sẻ trong Hội thảo khoa học quốc tế “Kinh nghiệm của Singapore và Malaysia về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông, CBQL các cơ sở giáo dục phổ thông và giảng viên sư phạm” được Trường ĐHSP Hà Nội tổ chức sáng 20/12.

Cũng từng đứng trước khó khăn trong việc tuyển dụng người giỏi vào học sư phạm, tuy nhiên, đất nước đảo quốc đã giải quyết vấn đề trên bằng cách tạo các gói học bổng, tăng lương, tạo cơ hội thăng tiến cho giáo viên, thay đổi cách tuyển dụng. Tiêu chí để tuyển dụng không nhất thiết phát tập trung quá mức vào vấn đề dạy giỏi mà quan tâm nhiều hơn đến các phẩm chất nghề nghiệp.

Bộ Giáo dục Singapore đã nhấn mạnh tính liêm chính, sự tận tụy và phẩm chất của những giáo viên tương lai.

“Chúng ta yêu cầu các nhà giáo có niềm đam mêm, sự cống hiến và một tấm lòng yêu nghề. Chúng ta cần những nhà giáo có thể đốt lên ngọn lửa nhiệt huyết trong học tập, có tinh thần tìm tòi, đổi mới và cho giới trẻ một niềm tự hào rằng họ là người Singapore” – chia sẻ của PGS Chew Hung Chang (Viện Giáo dục quốc gia Singapore).

Trong khi đó, kinh nghiệm của Malaysia là các nhà lãnh đạo nước này luôn dành mối quan tâm thường trực tới việc mở rộng cơ hội học tập cho toàn dân, tạo bình đẳng về hưởng thụ giáo dục có chất lượng, củng cố các giá trị đạo đức và xã hội thông qua giáo dục.

Nét đặc sắc của giáo dục đất nước này là xây dựng được tầm nhìn giáo dục đến năm 2030 để phục vụ phát triển kinh tế, bỏ con đường truyền thống để chuyển sang con đường mới dựa vào tri thức, năng suất lao động, vào giáo dục… Tư tưởng sư phạm trong các nhà trường là khuyến khích người học tự tiếp cận, tự tiến bước, tự định hướng…

PGS Chew Hung Chang (Viện Giáo dục quốc gia Singapore).
PGS Chew Hung Chang (Viện Giáo dục quốc gia Singapore).

Không thể dạy học sinh hôm nay như chúng ta đã dạy ngày hôm qua

Triết lý giáo dục, đào tạo giáo viên “nhà trường tư duy, quốc gia học tập” của Singapore, hay “xây dựng nhà trường thông tuệ” của Malaysia đã định hướng cho hoạt động đào tạo giáo viên của 2 nước này và cho ra đời các thế hệ công dân năng động, độc lập, sáng tạo.

Theo GS Đinh Quang Báo – nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội – giáo dục Singapore đã chuyển trọng tâm từ tri thức sang năng lực theo các quy định của Bộ Giáo dục. Người học của thế kỷ 21 được đặt vào trung tâm của mô hình đào tạo giáo viên và chương trình đào tạo giáo viên được phát triển xung quanh các đầu ra mong muốn đố với đào tạo ban đầu cùng 3 giá trị cốt lõi: các giá trị về người học, các giá trị về giáo viên và các giá trị phục vụ nghề, cộng đồng.

PGS.TS Nguyễn Thu Tuấn (Trường ĐHSP Hà Nội) chia sẻ: Triết lý giáo dục phổ thông của Malaysia hướng tới sự tôn trọng và phát triển năng lực cá nhân người học ở mọi phương diện: trí tuệ, tinh thần, tình cảm, chuẩn mực, đạo đức… để cá nhân có thể cống hiến hết mình cho sự phát triển của gia đình, xã hội, quốc gia và quốc tế.

PGS Chew Hung Chang (Viện Giáo dục quốc gia Singapore) khi phân tích các nguyên tắc cũng như mô tả các phương pháp về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên ở đất nước đảo quốc đã nhấn mạnh: Trẻ em ở thế kỷ 21 cần nhiều kỹ năng từ giáo dục hơn là kiến thức giáo dục và chúng ta không thể giáo dục trẻ em theo cách mà chúng ta đã làm trong hầu hết những năm ở thế kỷ 20.

“Nếu chúng ta dạy học sinh hôm nay như chúng ta đã dạy ngày hôm qua, chúng ta sẽ cướp đi tương lai của chúng” - PGS Chew Hung Chang nêu quan điểm.

Đến từ ĐH Kebangsaan (Malaysia), GS Nor Aishah Buang chia sẻ kinh nghiệm của đất nước mình về mô hình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và lãnh đạo/ quản lý nhà trường. Điểm mấu chốt của mô hình này là chuyển đổi nghề dạy học thành 1 nghề được lựa chọn.

Lộ trình chuyển đổi gồm 3 giai đoạn, cùng với các giai đoạn này, những thay đổi trong mô hình phát triển trên thế giới như sử dụng vi tính, điện tử, CNTT.., được nhanh chóng điều chỉnh ứng dụng trong các chương trình đào tạo chính quy và tại chức, để mở đường cho việc chuyển đổi giáo dục ở Malaysia.

Những đổi mới giáo dục đúng hướng tại Malaysia góp phần quan trọng giúp đất nước này trở thành quốc gia có nền giáo dục tốt hàng đầu khu vực Asean và Châu Á; đồng thời là một trong những hồ sơ kinh tế tốt nhất Châu Á.

"Trong bồi cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, nhiều quốc gia trên thế giới đã coi giáo dục là chiến lược hàng đầu nên đã tiến hành đổi mới giáo dục và thu được những thành tựu đáng kể.

Singapore và Malaysia là 2 quốc gia trong cùng khu vực với Việt Nam. Trong những năm qua, giáo dục 2 nước đã có bước tiến nhảy vọt, là điểm đến của nhiều sinh viên quốc tế; đặc biệt là Singapore với tầm nhìn giáo dục xa, cùng với nhiều chiến lược giáo dục tiên tiến, hiện đại.

Giáo dục Việt Nam đang trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện đã đặt ra những yêu cầu mới với các trường đại học sư phạm; đòi hỏi các trường đại học sư phạm phải thực hiện nhiệm vụ chiến lược để đảm bảo nâng cao chất lượng đào tạo và bồi dưỡng giáo viên cho đất nước”.


GS.TS Đỗ Việt Hùng – Phó hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ