Tạo hứng thú với môn Địa lí để ôn thi đạt hiệu quả cao

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tạo niềm yêu thích môn học cho học sinh là điều quan trọng và cốt yếu nhất để nâng cao hiệu quả ôn thi tốt nghiệp THPT môn Địa lí.

Giờ ôn tập môn Địa lí tại Trường THPT Quế Lâm
Giờ ôn tập môn Địa lí tại Trường THPT Quế Lâm

Chắc kiến thức, vững kỹ năng

Là người có nhiều năm kinh nghiệm ôn thi tốt nghiệp THPT cho học sinh, cô giáo Nguyễn Thị Hồng Thắm - Giáo viên Trường THPT Tam Dương (Vĩnh Phúc) cho rằng: Mục đích của việc ôn tập là giúp học sinh hệ thống, củng cố, hoàn thiện kiến thức, kỹ năng, từ đó giúp học sinh đạt kết quả cao trong thi cử. Kinh nghiệm ôn thi hiệu quả là trước hết, người học nên dành thời gian đọc đi đọc lại các nội dung tài liệu, đánh dấu các nội dung cơ bản, số liệu cần chú ý.

Cô Thắm chia sẻ, giáo viên sẽ giúp học sinh ôn tập theo từng chủ đề. Ví dụ như chủ đề Tự nhiên, chủ đề Dân cư, chủ để Ngành kinh tế và chủ đề Vùng kinh tế. Điều này giúp học sinh khái quát hóa kiến thức theo từng chủ đề rất tốt, tránh nhầm lẫn.

Một phương pháp nữa là giúp học sinh ôn tập theo hệ thống các câu hỏi ngắn ứng với từng chủ đề. Kiểm tra học sinh theo hệ thống các câu hỏi này. Điều này giúp các em chủ động ôn tập và làm bài hiệu quả theo từng chủ đề ngắn.

Giờ ôn tập môn Địa lí tại Trường THPT Tam Dương

Giờ ôn tập môn Địa lí tại Trường THPT Tam Dương

Trong giai đoạn học sinh ôn tập nước rút chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sắp tới, cô Phùng Thị Vân – Giáo viên Trường THPT Quế Lâm, huyện Đoan Hùng (Phú Thọ) cũng có các phương pháp ôn tập cũng như làm bài thi môn Địa lí giúp học sinh hiệu quả, đạt điểm cao.

Cô Vân khẳng định: Đầu tiên là phải tạo niềm yêu thích môn Địa lí cho học sinh, đây là điều quan trọng và cốt yếu nhất để nâng cao hiệu quả ôn tập. Tiếp đến là giúp học sinh nắm rõ cấu trúc bài thi.

Để tăng hiệu quả ôn tập, giáo viên cũng sẽ tạo nhóm học tập (thực hiện nhóm học tập trên lớp, cũng như trao đổi học tập ở nhà thông qua zalo, học nhóm online...) để học sinh luyện tập thành thục các kỹ năng: Đọc bản đồ, xử lý bảng số liệu, nhận dạng biểu đồ...

Đặc biệt, giáo viên cần giúp học sinh vận dụng phương pháp sơ đồ tư duy nhằm hệ thống kiến thức, giúp cho việc ôn tập hiệu quả hơn. Giảm cường độ ôn tập trong những ngày thi cận kề. Giáo viên thường xuyên ra đề kiểm tra cho học sinh làm bài và chấm bài qua một số ứng dụng tin học như phần mềm Azota. Khuyến khích và hướng dẫn học sinh khai thác luyện thi miễn phí trên cổng luyện thi miễn phí.

Khai thác lợi thế Atlat

Đối với học sinh khi thi tốt nghiệp THPT, thì Atlat Địa lí Việt Nam có vai trò rất quan trọng vì đó là tài liệu được phép sử dụng trong phòng thi. Nếu học sinh biết sử dụng Atlat với chức năng nguồn tri thức (chức năng còn lại là minh họa) thì sẽ hết sức thuận lợi khi làm bài.

Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Thắm phân tích: Năm nay Bộ GD&ĐT yêu cầu học sinh phải tìm Atlat theo tên trang thay vì cho sẵn số trang, vì vậy học sinh cần chú ý giở trang Mục lục để tìm số trang theo tên trang, sau đó đọc kĩ câu hỏi xem trọng tâm câu hỏi hỏi về vấn đề nào trong trang Atlat đó, từ đó giúp học sinh tìm đáp án chính xác hơn. Học sinh cũng cần ôn tập thật tốt phần kĩ năng Atlat, bảng số liệu, biểu đồ qua hệ thống các câu hỏi trắc nghiệm bám sát đề minh họa của Bộ Giáo dục năm 2023.

Cô Phùng Thị Vân cùng học trò ôn tập
Cô Phùng Thị Vân cùng học trò ôn tập

Cô Phùng Thị Vân cũng lưu ý, đối với học sinh khi ôn tập thi môn Địa lí: Trắc nghiệm môn Địa lí có sử dụng Atlat địa lý Việt Nam, vì thế các em học sinh cần nắm vững kỹ năng đọc hiểu Atlat. Tránh mất nhiều thì giờ mà vẫn đọc sai. Các câu Atlat ta làm sau cùng và làm cùng lúc để khỏi phải mở, đóng Atlat nhiều lần, mất thời gian làm bài.

Phương pháp làm bài thi

Chia sẻ về phương pháp và kĩ năng làm bài thi để đạt kết quả cao trong môn Địa lí, cô Nguyễn Thị Hồng Thắm cho rằng, giáo viên cần rèn luyện cho học sinh trong quá trình ôn tập từng bài riêng lẻ và theo từng chủ đề hệ thống các câu đúng/sai.

“Điều này giúp ích rất lớn cho học trong quá trình làm bài thi với những câu hỏi thông hiểu chứa nhiều đáp án gây nhiễu. Với những dạng câu hỏi có nhiều phương án gây nhiễu, phải nắm chắc kiến thức cơ bản để loại trừ các phương án không đúng với câu hỏi”, cô Thắm khẳng định.

Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Thắm hướng dẫn học trò ôn tập
Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Thắm hướng dẫn học trò ôn tập

Đối với với các dạng câu hỏi nhận xét bảng số liệu hoặc nhận xét biểu đồ. GV lưu ý cho học sinh khi gặp các cụm từ “tăng nhanh/tăng chậm”, phải dùng phép chia; “tăng ít/tăng nhiều” phải dùng phép trừ. Như vậy, học sinh mới dễ dàng tìm ra được đáp án chính xác.

Với các dạng câu hỏi thông hiểu có chứa nhiều từ hoặc cụm từ thường không đúng như: “chỉ”, “luôn luôn”, “đồng đều”, “cố định”, “rất cao”, “rất hiện đại”…học sinh có thể đọc kĩ và loại trừ các từ hoặc cụm từ này để tìm ra phương án đúng nhất.

Điều cốt yếu là học sinh phải nắm chắc kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa. Bám sát cấu trúc đề thi minh họa. Rèn kỹ năng nhận xét, phân tích, nhận dạng biểu đồ và bảng số liệu. Giải đề bài thường xuyên để có từ đó được phản xạ tốt lúc làm bài.

Theo ý kiến của cô Nguyễn Thị Hồng Thắm: Để giảm căng thẳng trong quá trình ôn thi, các giáo viên cũng có thể linh hoạt tổ chức các trò chơi giúp học sinh thay đổi không khí lớp học, thay đổi trạng thái giúp ôn tập hiệu quả hơn.

Cụ thể, giáo viên sẽ chuẩn bị hệ thống các câu hỏi ngắn theo chủ đề hoặc theo học kì hoặc cả năm, chia lớp thành các tổ, tổ chức thi đua theo tổ bằng cách trong thời gian quy định, lần lượt từng học sinh lên bốc thăm câu hỏi và trả lời lên bảng. Đội nào trả lời được nhiều câu hỏi và đúng nhiều nhất đội đó sẽ giành chiến thắng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ