Tạo hành lang pháp lý cho mô hình trường phi lợi nhuận

GD&TĐ - Liên quan đến mô hình trường không vì lợi nhuận được quy định trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, TS Trần Đức Cảnh - Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực, Cố vấn Hội đồng tuyển sinh của Đại học Harvard cho rằng, mô hình này rất cần được đưa vào trong dự án Luật.

Cần tạo hành lang pháp lý để phát triển mô hình trường phi lợi nhuận
Cần tạo hành lang pháp lý để phát triển mô hình trường phi lợi nhuận

Hội đồng trường có quyền và trách nhiệm cao nhất

Theo TS Trần Đức Cảnh, không bắt buộc các trường tư thục hoặc dân lập phải chọn hay liên quan đến mô hình trường phi lợi nhuận này, nhưng để mở ra một loại mô hình trường mới, để xã hội quan tâm đầu tư trong tương lai. “Tôi tin là trong 5-10 năm tới sẽ có loại hình trường này xuất hiện tại Việt Nam, lúc đó nếu chúng ta còn loay hoay pháp lý thì có thể làm mất cơ hội” - TS Trần Đức Cảnh trao đổi.

TS Trần Đức Cảnh dẫn giải, ở Hoa Kỳ có trên 600 trường đại học lớn nhỏ theo mô hình phi lợi nhuận trên tổng số khoảng 4.500 trường. Mô hình này đóng vai trò rất lớn cho giáo dục Hoa Kỳ và thế giới. Điển hình là 20 trường hàng đầu của Mỹ và 90/100 trường hàng đầu của Mỹ theo mô hình này. Các nước Âu châu, Canada, Úc… cũng có mô hình và hướng phát triển tương tự.

Theo TS Trần Đức Cảnh, tiêu chí và điều kiện của trường phi lợi nhuận bao gồm: Không có tính chủ sở hữu (tất nhiên không có cổ đông và chia cổ tức) và tính giải trình cho xã hội rất cao (mỗi năm trường phải có báo cáo hoạt động và tài chính), công bố công chúng và nộp cho văn phòng Thư ký của bang.

TS Trần Đức Cảnh

Đặt câu hỏi ai chịu trách nhiệm khi trường phi lợi nhuận không có chủ sở hửu? TS Trần Đức Cảnh cho rằng, Hội đồng quản trị (Hội đồng trường) là bộ phận có quyền hành và trách nhiệm cao nhất, quyết định các chính sách, công việc lớn của trường. Hội đồng quản trị (HĐQT) thuê hiệu trưởng điều hành và quản lý trường. HĐQT phân chia công việc và trách nhiệm cho các tiểu bang chuyên môn, nên công việc thường nhẹ và nhịp nhàng.

Một số trường có thêm Hội đồng Tín thác (Board of Trustee) để kiểm soát và giám sát tài sản của tổ chức trường. Họ làm việc thường xuyên với HĐQT, nhưng không xen vào các quyết định, chính sách, quản lý trường, ngoại trừ liên quan đến tài sản của trường.

Trả lời cho câu hỏi HĐQT trường được tổ chức như thế nào? TS Trần Đức Cảnh cho biết: Hầu hết các đại học phi lợi của Hoa Kỳ đã có ít nhất 50 năm tuổi, nên HĐQT trường mang tính thừa kế nhiều hơn là sáng lập ban đầu. Người/nhóm sáng lập trường thường là HĐQT đầu tiên, sau đó chuyển giao qua nhiều thế hệ.

HĐQT tự chịu trách nhiệm, có nội quy hoạt động và các quy định khá chặt chẽ cho chính họ và cho hoạt động trường nói chung. Mỗi trường có thể khác nhau ít nhiều trong quy chế hoạt động. Vi phạm các quy định có thể xem như là phạm luật (có thể toà án xử).

“Ví dụ: HĐQT trường có 20 người, nhiệm kỳ 4 năm, mỗi năm bầu lại 5 người cũ/mới. Tính thừa kế và liên tục rất cao. Ứng viên vào HĐQT có thể tự ứng cử hay được đề cử, gồm những người có uy tín lớn trong cộng đồng giáo dục và chính trị, xã hội. Ngoài Chủ tịch HĐQT, thành viên của HĐQT thường chỉ nhận chi phí công tác, chứ không nhận lương. Xung đột/mâu thuẫn quyền lợi cá nhân với tổ chức trường là điều cấm kỵ” - TS Trần Đức Cảnh dẫn giải, đồng thời cho biết: Trường càng danh giá thì việc chọn lựa ứng viên HĐQT càng khó và gắt gao. Vì họ sẽ giúp cho trường rất nhiều về uy tín và liên hệ. HĐQT họp mỗi tháng 1 lần, các tiểu bang có thể hơn (tùy theo công việc).

Làm tăng giá trị và hoạt động của nhà trường

“Mô hình trường phi lợi nhuận phát triển rất tốt ở các nước, riêng ở nước ta thì còn xa lạ với loại hình này. Vài năm trước cũng có trường đề xuất trường không vì lợi nhuận. Chúng ta nên trân trọng tinh thần trường không vì lợi nhuận này. Nhưng nếu không giải quyết được tính sở hữu và cấu trúc pháp lý của loại hình trường này thì không vì lợi nhuận chỉ mang tính “nửa mùa”, thiếu bền vững và lâu dài”. 

TS Trần Đức Cảnh

Về nguồn tài chính cho nhà trường bao gồm: học phí; đóng góp của xã hội; hợp đồng với chính phủ và các doanh nghiệp; nguồn thu từ đầu tư… Đa phần nguồn thu chính của trường là học phí. Trường tự cân đối chi thu. Tài sản được quyền thế chấp như doanh nghiệp, nhưng không dính đến cá nhân.

Cũng theo TS Trần Đức Cảnh, các trường phi lợi nhuận ở Mỹ được xem là có lợi thế về tài chính và điều kiện phát triển hơn các loại trường khác. Cụ thể, trường phi lợi nhuận có quy chế được miễn thuế. Không có thuế doanh nghiệp và các loại thuế khác vì hoạt động xã hội, không có cổ đông hay chia cổ tức. Tuy nhiên, nếu tổ chức trường hoạt động kinh doanh ngoài mục đích giáo dục của trường, phần lợi nhuận có thể phải trả thuế, cho dù nguồn thu cũng sẽ đổ về cho hoạt động trường.

Các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đóng góp cho trường, thì phần đóng sẽ được miễn trừ thuế. Thường thì các cựu sinh viên thành danh của trường, đóng góp rất nhiều cho trường và hỗ trợ công việc, tinh thần cho lớp đàn em. Các trường nổi tiếng thường nhận nhiều hợp đồng lớn từ chính phủ, doanh nghiệp, nghiên cứu, tư vấn, dự án... làm tăng giá trị và hoạt động của trường và tính cộng đồng, gắn kết với xã hội.

“Học phí thu ở các trường đại học phi lợi nhuận cao hơn trường công và trường lợi nhuận rất nhiều, vì xã hội đánh giá phần lớn loại trường này chất lượng và đẳng cấp hơn. Họ cũng có khả năng cấp học bổng nhiều cho sinh viên nghèo, học giỏi. Đồng thời, họ được miễn thuế, nhận được sự đóng góp từ cá nhân, xã hội vì xem tổ chức trường phi lợi nhuận là đóng góp cho xã hội, thay vì lợi nhuận cá nhân. Ngược lại các trường theo mô hình lợi nhuần, không được miễn thuế, không nhận được đóng góp từ các cá nhân và xã hội, mà còn bị áp lực lợi nhuận từ các nhà đầu tư, cổ đông. Hiện nay không có trường “lợi nhuận” nào nằm trong 500 trường hàng đầu của Mỹ” - TS Trần Đức Cảnh cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ