Tạo động lực từ chính sách

GD&TĐ - Ông Nguyễn Minh Tường - Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ - cho biết: Sở GD&ĐT đã chỉ đạo, triển khai lấy ý kiến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, phụ huynh, HS về dự thảo Luật GD (sửa đổi). Cơ bản các ý kiến đều nhất trí cao với nội dung dự thảo. Trong đó, vấn đề được quan tâm đặc biệt là về nhà giáo và chính sách nhà giáo.

Trong giờ học tại Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (Việt Trì, Phú Thọ). Ảnh: Trung Toàn
Trong giờ học tại Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (Việt Trì, Phú Thọ). Ảnh: Trung Toàn

Tăng hiệu quả tuyển dụng, sử dụng

Dù bất cứ hoàn cảnh nào, nhà giáo vẫn luôn giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng GD. Do vậy, việc đào tạo, bồi dưỡng và quy định chính sách về sử dụng, đãi ngộ, bảo đảm các điều kiện cần thiết về vật chất và tinh thần cho nhà giáo là quan trọng và cần thiết, giúp nhà giáo yên tâm công tác, thực hiện đầy đủ vai trò và trách nhiệm của mình, góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống quý trọng nhà giáo, tôn vinh nghề dạy học.

Nhấn mạnh điều này, ông Nguyễn Minh Tường cho rằng, dự thảo Luật đã nêu rõ vị trí, vai trò và tiêu chuẩn nhà giáo (Điều 65 và Điều 66). Đồng thời, cụ thể hóa được nhiều nội dung quan trọng liên quan đến chính sách nhà giáo như: Tuyển dụng, bố trí sử dụng; chính sách về tiền lương và phụ cấp; đào tạo, bồi dưỡng và tôn vinh khen thưởng.

Khẳng định Sở GD&ĐT Phú Thọ đồng tình và nhất trí cao với nội dung văn bản Dự thảo về nội dung này, ông Nguyễn Minh Tường cho rằng, công tác tuyển dụng, bố trí sử dụng viên chức giáo viên được thực hiện theo quy định của chung của Luật Lao động, Luật Viên chức. Những điều kiện, tiêu chuẩn được quy định chung cho tất cả các ngành, nghề, các vị trí việc làm ở nhiều lĩnh vực khác nhau, không có tính đặc thù cho ngành GD.

Trong dự thảo Luật sửa đổi đã quy định cụ thể nội dung quản lý Nhà nước của Bộ GD&ĐT. “Với quy định này, trên cơ sở các chuẩn, tiêu chuẩn do Bộ GD&ĐT quy định, việc tuyển dụng, bố trí sử dụng sẽ bảo đảm chất lượng, hiệu quả, sát với thực tiễn về yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể của nhà giáo” - Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ cho hay.

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

Quan tâm chính sách tiền lương và phụ cấp

Lương nhà giáo đang được xếp theo thang, bậc lương chung như cán bộ công chức, viên chức ở tất cả các ngành (theo quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP), ngoài ra được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề; phụ cấp thâm niên và một số phụ cấp khác với mức độ khác nhau theo từng vị trí và vùng, miền khác nhau.

Những quy định này đã cải thiện đáng kể đời sống nhà giáo, ghi nhận được vị trí, vai trò của nhà giáo trong bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước hiện nay. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh Tường, chính sách tiền lương chưa thực sự tạo động lực để nhà giáo yên tâm công tác, phấn đấu vươn lên trong bối cảnh có nhiều áp lực như hiện nay.

Trên thực tế, chúng ta đã thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức theo vị trí việc làm và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp (từ năm 2012) nhưng chế độ lương của viên chức về cơ bản vẫn trả theo trình độ đào tạo. Đối với ngành GD, giáo viên mầm non, tiểu học trình độ đào tạo yêu cầu ở mức trung cấp nhưng công việc đặc thù rất vất vả, thời gian làm việc nhiều lại tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong khi đó lại đang hưởng lương trung cấp nên mặt bằng chung thu nhập rất thấp.

Dự thảo Luật GD sửa đổi đã quy định: Nhà giáo được ưu tiên sắp xếp thang, bậc lương và phụ cấp phù hợp với lao động của nghề nghiệp theo quy định của Chính phủ. Ngoài ra, dự thảo Luật còn quy định chính sách đối với nhà giáo công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ cho rằng, điều này tạo điều kiện để cụ thể hóa chủ trương của Đảng (Nghị quyết số 29/NQ-TW, Nghị quyết số 27/NQ-TW), góp phần nâng cao đời sống, tạo động lực giúp nhà giáo yên tâm công tác, cống hiến, đồng thời thu hút được người có trình độ cao vào ngành.

Cũng quan tâm đến chính sách lương đối với nhà giáo, thầy Nguyễn Đức Hải - giáo viên Trường THPT Hùng Vương (Phú Thọ). Nhận định Luật GD hiện hành có những hạn chế, bất cập: Trên thực tế, hoạt động lao động của nhà giáo có tính chất đặc thù. Ngoài việc lên lớp hằng ngày, giáo viên còn phải chuẩn bị bài giảng, chấm trả bài, thực hiện công tác phổ cập và nhiều hoạt động GD khác đối với HS.

Tuy nhiên, chính sách lương nhà giáo hiện nay được xếp theo hệ số trong thang bảng lương chung, ngoài lương theo hệ số là một số khoản phụ cấp (ưu đãi, thu hút...), về bản chất thì phụ cấp không phải là lương, nhà giáo chỉ được hưởng khi đang công tác như vậy chưa có sự ổn định. Nhìn chung, hiện nay lương giáo viên còn thấp, chưa đảm bảo cuộc sống, chưa thật sự tạo động lực giúp nhà giáo yên tâm công tác, chưa thu hút được nhiều nguồn nhân lực chất lượng cao vào ngành, như vậy vẫn chưa thể hiện được quan điểm của Đảng, Nhà nước về “GD là quốc sách hàng đầu”.

“Trong dự thảo Luật GD (sửa đổi) chính sách tiền lương đối với nhà giáo được thể hiện khá rõ ràng, cụ thể. Điều đó tạo điều kiện thúc đẩy cho nhà giáo tâm huyết hơn với sự nghiệp GD và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhất là những yêu cầu của việc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT” - thầy Nguyễn Đức Hải nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Kịch càng dài càng nhạt

GD&TĐ - Tòa án ở Anh lại một lần nữa kéo dài màn kịch được dàn dựng rất công phu giữa nước này, Mỹ và Thụy Điển, về số phận Julian Assange.