Trong đó việc chủ động đẩy mạnh sắp xếp lại lao động, quản lý lao động theo hợp đồng hiệu quả để các trường ĐH, trường phổ thông tự chủ trong tuyển dụng lao động, tự đánh giá cán bộ... GS.TS Phạm Hồng Quang - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên) - đã có cuộc trao đổi với báo GD&TĐ xung quanh các vấn đề này, đặc biệt là việc ban hành chính sách mới nhiều giáo viên hợp đồng, ít biên chế để tạo được động lực mới trong môi trường GD phổ thông.
Tạo môi trường cạnh tranh để phát triển
Ông có thể phân tích những xu hướng dẫn đến việc tới đây, ngành GD có thể được vận hành theo cơ chế giảm biên chế, tăng hợp đồng giáo viên trong các đơn vị trường học công lập?
- Việc ngành được vận hành theo cơ chế định biên, biên chế giáo viên hiện nay có mặt thuận lợi là tạo sự yên tâm trong người lao động, trong đội ngũ giáo viên.
Chủ trương giảm biên chế, tăng hợp đồng lao động của các đơn vị hành chính sự nghiệp công lập của ngành nằm trong lộ trình cải cách hành chính của Chính phủ, với mục tiêu là tạo động lực, nâng cao hiệu suất lao động, đóng góp nhiều hơn nữa vào tăng trưởng kinh tế đất nước;
Việt Nam đã trải qua thời gian dài tuyển dụng giáo viên theo tiêu chí, tiêu chuẩn cứng; khi người lao động vượt qua kỳ tuyển dụng dễ rơi vào sự thỏa mãn.
Trên thực tế người giáo viên với hoạt động giảng dạy kéo dài vài chục năm, nếu tạo ra cơ chế hợp đồng sẽ tạo môi trường cạnh tranh, sẽ buộc giáo viên phải có sự thay đổi, nỗ lực, cố gắng thường xuyên.
Đồng thời, họ luôn có ý thức rằng nếu mình không cố gắng sẽ có người khác thay thế. Nhìn từ phía tuyển dụng, những sinh viên học lực giỏi sẽ nhìn thấy nhiều cơ hội khi thi tuyển, khác với cách làm hiện nay là chỉ khi nào có chỗ trống từ các giáo viên nghỉ hưu, thì người tốt nghiệp mới có cơ hội.
Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới có cơ chế này đã tạo ra chính sách lương cho người có năng lực phải khác với người không có năng lực.
Đặc biệt, là chính sách với giáo viên không cào bằng để tạo động lực sáng tạo. Ở trong nước, trong các trường quốc tế, trường tư thục đã có những giải pháp này.
Hiệu trưởng các trường này có quyền đánh giá giáo viên, quyền sa thải giáo viên. Có một điều chắc chắn là môi trường làm việc ở đây sẽ đòi hỏi giáo viên phải nỗ lực hơn rất nhiều các trường công lập.
Trong bối cảnh thí điểm triển khai chủ trương này, mối quan hệ tương hỗ giữa các trường phổ thông và hệ thống trường sư phạm sẽ như thế nào, thưa ông?
- Nếu đánh giá chất lượng giáo viên, phải xem xét ở các khâu đào tạo, sử dụng và bồi dưỡng. Chính khâu sử dụng (gồm sử dụng, đánh giá, thăng tiến hoặc sa thải) có tác động ngược trở lại và rất tích cực đến trường sư phạm.
Nếu xem xét đào tạo giáo viên theo chuỗi, sinh viên kết thúc chương trình đào tạo với chất lượng đánh giá ở trường đại học và giáo viên đang thực hành giảng dạy ở các trường phổ thông phải thành một chuỗi.
Thậm chí người hiệu trưởng được quyền đánh giá để tiếp tục sử dụng giáo viên hay không có tác động rất mạnh trở lại đối với trường đại học đào tạo.
Với vai trò chịu trách nhiệm đến cùng chất lượng giáo viên, trường sư phạm phải bám sát quá trình này để bổ khuyết những nội dung giáo viên còn thiếu, để thúc đẩy và hỗ trợ những vấn đề giáo viên đang tìm kiếm.
Khi khâu đào tạo, bồi dưỡng giáo viên được gắn kết một cách chặt chẽ, kết quả là chất lượng giáo viên sẽ được nâng lên. Chính sách tuyển dụng, đánh giá, sa thải giáo viên ở phổ thông ảnh hưởng trực tiếp đến chương trình đào tạo của trường sư phạm. Từ đây, các trường sẽ nghiên cứu nhu cầu đích thực của trường phổ thông để bám sát đào tạo và bồi dưỡng.
Với những giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu, hoặc có nguy cơ bị sa thải, sẽ cố gắng tự đào tạo lại, tự nâng cao trình độ hoặc quay lại trường đại học để học tập, làm mới mình để có cơ hội tiếp tục cống hiến.
Mối quan hệ này sẽ rất bền chặt, các trường sư phạm sẽ mở ra các lớp bồi dưỡng, tăng cường phát triển đội ngũ giảng viên, giúp cho các trường phổ thông luôn có đội ngũ tốt nhất.
Vấn đề đặt ra - khi cơ chế này được vận hành - không phải là sẽ có bao nhiêu người bị sa thải, mà phải đặt vấn đề là có bao nhiêu người được đánh giá đúng, những ai sẽ cần thay đổi.
Nếu không sử dụng cơ chế hợp đồng, người giáo viên sẽ cơ bản yên tâm, tự hài lòng với hiện tại. Cơ chế hợp đồng giáo viên được vận hành sẽ là yếu tố giúp người giáo viên sẽ được cảnh báo thường xuyên, biết tự tìm đường tự học, tự nâng cao trình độ, năng lực.
Tạo động lực mới cho giáo viên chủ động, sáng tạo
Vậy nhìn vào hệ thống GD hiện nay, theo ông, cần phải tiếp cận vấn đề này từ những góc độ nào?
- Tôi cho rằng, với các trường sư phạm phải trở lại vấn đề căn cốt là chất lượng, đào tạo giáo viên thời điểm này cần với số lượng ít, nhưng chất lượng, tất nhiên chất lượng và hiệu quả theo vùng.
Bản thân giáo viên sẽ tự biết những địa chỉ đào tạo, nơi nào giúp họ nâng cao trình độ, những trường nào có uy tín để theo học. Chính sách hợp đồng khi áp dụng cho các vùng miền cũng phải được phân tầng rõ ràng: GD vùng đô thị phát triển cao, vùng phát triển và vùng chậm phát triển (vùng sâu, vùng xa, vùng núi).
Theo tôi nên áp dụng ở vùng GD phát triển, nơi có điều kiện trường, lớp tốt, có số lượng giáo viên nhiều, có môi trường cạnh tranh mạnh mẽ để thí điểm thực hiện trước.
Với những vùng chất lượng GD còn chưa phát triển mạnh, nên áp dụng cơ chế vận hành theo tỷ lệ 50/50; Nghĩa là 1/2 biên chế cứng, 1/2 giáo viên hợp đồng theo cơ chế này.
Với những vùng chậm phát triển, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, Nhà nước và ngành vẫn phải vận hành đội ngũ theo cơ chế bổ nhiệm, giao nhiệm vụ để tạo tâm lý cho giáo viên yên tâm công tác, bám trường, bám lớp giảng dạy. Tất cả ba khu này đều chuyển động dần theo lộ trình, chắc chắn sẽ có được sự đồng thuận.
Tôi có thể khẳng định một điều rằng: Chính sách mới, dù đúng bao giờ cũng vấp phải sự kháng cự, nhưng bao giờ cũng có nhiều ý kiến đồng thuận.
Nếu đặt vấn đề này ở góc độ khoa học quản lý thì đây là một chủ trương tốt, có nhiều điểm ưu việt, tạo được động lực mới cho người lao động, góp phần giải quyết được vấn đề trì trệ trong hệ thống công chức, viên chức hiện nay, đối với ngành sẽ tạo luồng gió mới đẩy nhanh công cuộc đổi mới đi đến thành công.
Xin cảm ơn ông!