Nhu cầu ngày càng cao
Năm học 2022 - 2023, trên toàn quốc cấp học giáo dục mầm non (GDMN) có 15.334 trường, có 3.224 trường mầm non ngoài công lập (tỉ lệ 21.1%). Số lượng và tỉ lệ huy động trẻ em đến trường đều tăng mạnh so với năm học trước cho thấy nỗ lực đáng ghi nhận của toàn ngành và các địa phương trong việc khắc phục khó khăn sau đại dịch Covid-19 để thực hiện nhiệm vụ.
Đáp ứng yêu cầu giáo viên mầm non, các địa phương tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng đội ngũ, rà soát, ban hành các giải pháp bổ sung đội ngũ đáp ứng yêu cầu nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ. Tổng số đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên có 537.953 người. Trong đó có 38.334 cán bộ quản lý, 378.381 giáo viên, 121.082 nhân viên; giáo viên/lớp đạt 1.86 (tăng 0,02).
Đảm bảo hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ an toàn, chất lượng, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng chuẩn trình độ đào tạo cho giáo viên được các đơn vị thực hiện hiệu quả. Tỉ lệ giáo viên mầm non đạt trình độ chuẩn đào tạo trở lên theo Luật Giáo dục 2019 là 87.3% (tăng 10.6%), trên chuẩn 65.1% (tăng 7.2%), tỉ lệ giáo viên có trình độ đào tạo chưa đạt chuẩn còn 12.7% (giảm 10.6%).
Nỗ lực đáp ứng
TS Nguyễn Ngọc Hiển, thành viên Tiểu ban Giáo dục mầm non, Hội đồng Quốc gia phát triển nhân lực cho biết: Bộ GD&ĐT đã có những kiến nghị, đề xuất tăng biên chế giáo viên, cải thiện lương, chế độ làm việc đối với giáo viên mầm non. Đây không chỉ là niềm động viên lớn đối với thầy cô giáo mà còn là tinh thần sẻ chia, trách nhiệm của các cấp quản lý, chính quyền khi tham mưu những chính sách bảo đảm chất lượng giáo dục mầm non phát triển ổn định và chất lượng.
Về phía các địa phương, đã tích cực tham mưu chính quyền các cấp quan tâm bảo đảm đủ số lượng giáo viên theo quy định, bố trí bảo đảm ít nhất 02 giáo viên/lớp; tuyển dụng kịp thời đối với GVMN còn thiếu nhằm đảm bảo tốt công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em theo Chương trình GDMN và bảo đảm an toàn tuyệt đối cho trẻ ở trường. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách đối với GVMN theo quy định hiện hành.
Các cơ sở giáo dục mầm non trong nỗ lực chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ chất lượng. |
Như ở Phú Thọ, tính đến đầu năm 2023, toàn tỉnh có 4.383 giáo viên mầm non biên chế, đạt tỷ lệ 1,38 giáo viên/lớp. Trong khi quy định của Bộ GD&ĐT là đảm bảo tỷ lệ 2,2 giáo viên/lớp mẫu giáo và 2,5 giáo viên/nhóm trẻ, tức là 7.154 giáo viên. Như vậy, Phú Thọ đang thiếu hơn 2.700 giáo viên ở bậc học này. Tỉnh này đang có kế hoạch tuyển dụng 808 giáo viên mầm non (Giáo viên hưởng lương từ ngân sách nhà nước: 808; giáo viên hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp: 08).
Năm học 2022-2023, tỉnh Hưng Yên có gần 2.500 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, với hơn 61.000 học sinh bậc Mầm non, được giao là hơn 4.300 biên chế (đạt tỷ lệ 1.74 giáo viên/lớp). Như vậy, để đảm bảo định mức giáo viên theo quy định của Bộ GD&ĐT, tỉnh Hưng Yên còn thiếu hơn hơn 1.400 biên chế giáo viên Mầm non. Hiện Hưng Yên có 816/4.821 biên chế giáo viên Mầm non chưa sử dụng, tỉnh đang triển khai kế hoạch tuyển dụng để sớm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở cấp học này.
Thời gian tới, cần có các giải pháp phù hợp, kịp thời để bảo đảm đủ về số lượng, bố trí bảo đảm ít nhất 2 giáo viên/lớp, bảo đảm đạt chuẩn về trình độ đào tạo, phát triển chuyên môn, nghiệp vụ vững trong tổ chức hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục phát triển toàn diện trẻ em theo Chương trình GDMN.
Tăng cường các hoạt động bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ đáp ứng yêu cầu thực hiện thí điểm Chương trình GDMN mới; kịp thời thực hiện quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non. - PGS.TS Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ GD Mầm non