Tăng tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên: Không nên dàn đều

GD&TĐ - Ông Nguyễn Minh Tường - Bí thư Huyện ủy huyện Thanh Thủy (Phú Thọ), nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ - thể hiện nhiều trăn trở trước đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, trong đó đội ngũ nhà giáo là đối tượng đông đảo chịu sự tác động.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của nam từ 60 lên 62 tuổi; nữ từ 55 lên 60 tuổi trong Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi mà Chính phủ trình ra Quốc hội tiếp tục nhận được nhiều ý kiến. Ông Nguyễn Minh Tường cho rằng, việc tăng độ tuổi nghỉ hưu đối với người lao động cần có lộ trình và phân loại đối tượng áp dụng phù hợp điều kiện làm việc; đặc biệt là đối với giáo viên dạy bậc học mầm non, phổ thông.

Giáo viên là nghề “trồng người”, khác với các ngành nghề khác vì nhiều yếu tố đặc biệt: Liên quan lứa tuổi học sinh từng cấp học; các kỹ năng mềm trong tổ chức các hoạt động giảng dạy và giáo dục; vấn đề cập nhật kiến thức để đáp ứng đổi mới phương pháp dạy học. Giáo viên phải thường xuyên giao tiếp với học sinh; tạo ấn tượng trong nhận thức của học sinh là người thầy còn phù hợp với lứa tuổi, suy nghĩ của học sinh; nhất là đối với giáo viên cấp học mầm non, tiểu học. Do đó, độ tuổi nghỉ hưu với giáo viên cần phân loại đối tượng đặc thù, không nên dàn đều.

“Qua nhiều năm làm công tác quản lý ngành, tôi đã nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh và số học sinh. Đó là, học sinh càng nhỏ tuổi thì càng thích giáo viên trẻ, mềm mại. Tỉ lệ giáo viên mầm non trong cả nước hiện nay chiếm trên 98% giáo viên là nữ, vậy có đáp ứng được nguyện vọng của trẻ và học sinh mẫu giáo nếu tăng tuổi nữ giáo viên lên 60 hay không?” - ông Nguyễn Minh Tường đặt câu hỏi.

Một vấn đề khác cũng được nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ nêu ra: Trước yêu cầu đổi mới hiện nay đòi hỏi người giáo viên không ngừng cập nhật thông tin, đổi mới phương pháp dạy học chuyển mạnh từ “quá trình chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học”, thì càng cần phải trẻ hóa đội ngũ giáo viên.

Rất cần những thầy cô hoạt bát, nhanh nhẹn, có khả năng tiếp thu, chịu học hỏi kiến thức để nâng cao sự hiểu biết của mình, để cập nhật những kiến thức mới phù hợp với những đòi hỏi hiện tại. Người giáo viên để đáp ứng được yêu cầu phải thường xuyên tự thân đổi mới, cập nhật kiến thức, điều này khác với giai đoạn trước kia chưa có sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin - người thầy chủ yếu dạy học phụ thuộc vào kinh nghiệm và kiến thức được tích lũy từ thời đi học sư phạm.

“Thực tế hiện nay đòi hỏi để nâng cao được chất lượng GD-ĐT, nhất là chuẩn bị cho triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, rất cần có một đội ngũ giáo viên trẻ có năng lực, tâm huyết, đạo đức trong sáng, được đào tạo trong các trường sư phạm có chất lượng, có uy tín, tiếp thu được nhiều tri thức hiện đại hơn, có khả năng để tiếp cận và triển khai những nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục mới một cách hiệu quả để thay thế một bộ phận giáo viên còn năng lực hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu đổi mới.

Từ những vấn đề như trên, tôi đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét kỹ lưỡng khi tăng tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên cấp mầm non và phổ thông để thực hiện phát triển giáo dục thực sự là quốc sách hàng đầu” - ông Nguyễn Minh Tường kiến nghị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ