Tăng tuổi nghỉ hưu - rào cản đối với sự phát triển GD?

GD&TĐ -  Tăng tuổi hưu đối với giáo viên là vấn đề vô cùng nhạy cảm liên quan đến chất lượng dạy và học. Nhiều nhà quản lý giáo dục cho rằng, tăng tuổi hưu đối với các thầy cô giáo sẽ là rào cản đối với sự phát triển của giáo dục. 

Cô giáo Bùi Thị Kiêu và học sinh Trường Mầm non Vạn Yên (Vân Đồn, Quảng Ninh).  Ảnh: T.G
Cô giáo Bùi Thị Kiêu và học sinh Trường Mầm non Vạn Yên (Vân Đồn, Quảng Ninh). Ảnh: T.G

NGƯT.TS Đặng Lộc Thọ, chuyên gia mầm non đến từ Trường Đại học Thủ đô, chia sẻ: Đặc thù của giáo dục mầm non là hình thành ý thức thẩm mỹ sớm cho học sinh. Các cô giáo phải dạy múa, hát, vẽ, đàn ca cho các cháu, tuổi 40 là đã chậm lắm rồi, giờ nếu tăng thêm là đi ngược với sự tiến bộ, phát triển của thế giới.

Áp lực lớn cho nhà giáo

Nhà giáo Nguyễn Thị Thanh - Hiệu trưởng Trường Mầm non thực hành Hoa Sen, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, bày tỏ: Chúng tôi rất băn khoăn với quy định này vì với giáo viên mầm non tuổi tác có ảnh hưởng rất lớn tới khả năng, nhiệt huyết với công việc. Như ở trường tôi, các cô giáo trẻ tuổi luôn ở trong nhóm năng động và sáng tạo, được học sinh yêu thích nhất. Còn đối với các giáo viên lớn tuổi, các cô có bề dày kinh nghiệm, nhưng do tuổi tác nên các hoạt động liên quan đến tổ chức vui chơi cho trẻ hạn chế nhiều.

Cô Nguyễn Thị Thanh Hương – Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hướng Dương, quận Ba Đình – TP Hà Nội, nhấn mạnh: Với bậc học mầm non, việc tăng tuổi hưu cho giáo viên càng không phù hợp và tạo ra áp lực rất lớn đối với các cô giáo. Ở lứa tuổi này, học sinh luôn tỏ ra hào hứng khi được học với các cô giáo trẻ, được các cô giáo xinh xắn và năng động dạy múa, dạy hát. Nhưng với giáo viên lớn tuổi, nhiều em tỏ ra không thích. Đó còn là hạn chế của những giáo viên lớn tuổi dạy mẫu giáo khi phải luôn hát múa, kể chuyện, đóng hoạt cảnh cùng các em. Sẽ là làm khó cho cả giáo viên và học sinh nếu tăng tuổi nghỉ hưu, giáo viên thì thêm áp lực còn học sinh rõ ràng là không thích.

Cô Bùi Thị Kiêu, giáo viên Trường Mầm non xã Vạn Yên (Vân Đồn, Quảng Ninh) có 34 năm gắn bó với nghề nuôi dạy trẻ, đi dạy với cô là một cố gắng rất lớn. Trước thông tin nâng tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên trong đó có mình, cô Kiêu và các đồng nghiệp đều tâm tư. Lo không chỉ là chuyện nuôi dạy, tổ chức vui chơi cho trẻ mà còn là gánh nặng bệnh tật và tuổi tác. Cô tâm sự: Đến tuổi xế chiều, bệnh nghề nghiệp rồi sức khỏe yếu kém nhiều lắm. Nữ đến 55 tuổi đều đã đi dạy được trên 30 năm cả. Mắt đã mờ, chân đã yếu, tay đã run, cũng mong cống hiến hơn nữa nếu có sức khỏe. Giờ tăng tuổi nghỉ hưu thì chắc chắn không còn đủ sức mà theo.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa 

Đừng làm giảm nhiệt huyết của các cô

Nhiều nhà giáo dục cho rằng, nghề giáo là nghề đặc thù, cần nhiều sức khỏe như đối với giáo viên mầm non ngày ngày phải làm việc từ 7 giờ 30 sáng đến 5 giờ chiều. Công việc hết sức vất vả, chăm nuôi lứa tuổi hiếu động, nghịch ngợm nên rất mệt. Nếu tăng tuổi hưu lên đến 60 đối với nữ, chắc chắn không ai có sức mà làm. Chưa kể là hiện nay ở nhiều địa phương tình trạng thiếu giáo viên mầm non khá phổ biến, các cô phải dạy thêm giờ thì điều này càng không thể. Còn với những tỉnh miền núi, có nhiều điểm trường lẻ tới tận các thôn, bản, việc đi lại rất khó khăn. Sức khỏe kém, tuổi tác cao thì tình yêu nghề lớn đến đâu cũng khó giữ được chân họ.

Tăng tuổi nghỉ hưu đồng nghĩa với tăng thời gian làm việc là điều rất khó cho các thầy cô. Đơn cử như đối với giáo viên mầm non, các cô giáo ra trường ở tuổi trung bình là 22, đến 30 tuổi là độ chín nhất của nghề. Say mê nghề, yêu mến trường, chăm nuôi các con ngày ngày đàn ca múa hát thì đến 40 tuổi cũng oải lắm rồi. Tôi cho rằng, nên giữ nguyên như hiện nay, chỉ là khuyến khích nếu giáo viên có nguyện vọng tiếp tục       công tác thì cho kéo dài  thời gian.
NGƯT. TS ĐẶNG LỘC THỌ

Trường Mầm non Hoa Hồng 2, nằm cạnh chung cư Bảo Quân được xây cho công nhân làm việc tại các KCN khu vực TP Vĩnh Yên.

Cô Nguyễn Thị Thanh Hoa ở cơ sở 2, cho biết: Chúng tôi luôn đề cao tình yêu nghề, dành hết tình thương để nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ... bởi, mầm non là lứa tuổi hiếu động, tinh nghịch và rất dễ bắt chước người lớn. Tuổi càng cao việc dạy dỗ các cháu càng vất vả hơn. Yêu trường, yêu lớp, mến trẻ, các cô cũng không ai muốn rời xa trường lớp và các cháu. Nhưng đến ngày nào đó tuổi cao, sức yếu nhu cầu nghỉ hưu là chính đáng. Nhưng tuổi nghỉ hưu lại kéo dài hơn là điều mà chúng tôi hết sức lo lắng. Tôi mong rằng, các cấp quản lý hãy tính đến đặc thù của ngành để đưa ra quyết sách hợp lý, chứ đừng để làm giảm nhiệt huyết của chúng tôi.

Bà Nguyễn Thị Thúy – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh, cho rằng: Việc tăng tuổi nghỉ hưu cần có ưu tiên đặc thù cho những đối tượng đặc biệt như nhà giáo. Luật Lao động đã có quy định ưu tiên nghỉ hưu trước tuổi cho những người làm công việc nặng nhọc, hay trong môi trường độc hại, nghề giáo cũng cần phải tính đến yếu tố đặc thù như vậy.

Như ở Quảng Ninh, thiệt thòi nhất là những giáo viên vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt giáo viên mầm non còn thiệt hơn nữa do đồng lương thấp, áp lực với việc nuôi dạy trẻ lại vô cùng lớn. “Tăng tuổi hưu là điều cần tính đến, tuy nhiên cần phải tính toán sao cho việc áp dụng tăng tuổi nghỉ hưu một cách linh hoạt, có tính đến đặc thù ngành nghề. Đặc biệt trong giáo dục, tăng tuổi hưu đừng trở thành rào cản của phát triển”, bà Thúy chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ