Tăng sức khoẻ học đường nhờ dinh dưỡng

GD&TĐ - Gánh nặng kép về dinh dưỡng ở tuổi học đường và tiền học đường gồm thiếu và thừa dinh dưỡng.

Có 2 nguồn cung cấp chất đạm cho cơ thể là chất đạm động vật và thực vật.
Có 2 nguồn cung cấp chất đạm cho cơ thể là chất đạm động vật và thực vật.

Đây là “cửa ngõ” của nhiều bệnh mãn tính không lây nguy hiểm, ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất và trí tuệ của trẻ em, học sinh. Báo Giáo dục và Thời đại đã có cuộc trò chuyện với TS.BS Nguyễn Trọng Hưng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia về vấn đề này.


- Thưa bác sĩ, ngày nay, tình trạng thừa cân cũng như suy dinh dưỡng ở trẻ em Việt ngày càng đáng báo động. Thậm chí, một số trẻ thừa cân cũng suy dinh dưỡng. Bác sĩ có thể chia sẻ về nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng này ở trẻ?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này ở trẻ. Trong đó, đa số những trẻ béo phì là do ăn quá nhiều và luyện tập quá ít. Vẫn biết trẻ cần ăn đủ thức ăn để hỗ trợ sự tăng trưởng và phát triển khỏe mạnh. Tuy nhiên, khi trẻ nạp nhiều năng lượng hơn so với lượng tiêu thụ trong ngày thì sẽ bị tăng cân. Nếu kéo dài, trẻ có thể bị thừa cân - béo phì.

Nguyên nhân của các vấn đề cân nặng ở trẻ gồm:

+ Công việc bận rộn nên gia đình ít nấu ăn ở nhà hơn, ăn ở nhà hàng nhiều hơn.

+ Thức ăn nhanh rẻ, dễ kiếm, bán tràn lan ở khu vực quanh trường học… Song, các thức ăn này lại giàu năng lượng, an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát…

+ Thói quen khuyến khích hoặc chiều con trẻ. Do đó, trẻ thường ăn các phần lớn hơn, cả ở nhà hàng và ở nhà.

+ Trẻ tiêu thụ lượng lớn đường trong nước ngọt hay nước ép, hoa quả….

+ Trẻ ít hoạt động ngoài trời và dành nhiều thời gian xem tivi, chơi game, sử dụng máy tính.

+ Một số nhà trường chưa có các chương trình giáo dục thể chất để khuyến khích các trẻ tham gia.

Trong khi đó, suy dinh dưỡng là một vấn đề sức khỏe phổ biến. Tình trạng này xảy ra khi chế độ ăn uống không chứa đủ chất dinh dưỡng hoặc khi cơ thể gặp vấn đề về hấp thụ chất dinh dưỡng từ thức ăn. Có nhiều lý do khác có thể xảy ra như:

+ Trong sinh hoạt thường ngày, trẻ không được bú sữa mẹ đầy đủ, ăn dặm sớm (trước 6 tháng tuổi, thậm chí trước 4 tháng tuổi).

+ Bữa ăn nghèo nàn, không đa dạng thực phẩm, thiếu chất dinh dưỡng cần thiết.

+ Khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng kém do các bệnh lý ở đường tiêu hóa.

+ Thức ăn không hợp khẩu vị hoặc trẻ không được ăn đa dạng các loại thực phẩm khác nhau.

+ Do trẻ thường xuyên mắc các bệnh lý nhiễm trùng (tiêu chảy, viêm phổi, giun sán…) phải sử dụng thuốc có hiệu quả diệt vi trùng gây bệnh, cùng lúc sẽ diệt bớt các vi khuẩn có lợi cho cơ thể tại đường ruột. Từ đó, làm giảm quá trình lên men thức ăn dẫn đến việc kém hấp thu và biếng ăn.

+ Trẻ gặp phải vấn đề tâm lý khi gia đình có những hành động ép buộc quá mức để cho trẻ ăn. Điều đó khiến trẻ dễ nảy sinh tâm lý sợ hãi, lâu ngày sẽ gây ra bệnh chán ăn.

- Tình trạng béo phì hoặc suy dinh dưỡng có thể ảnh hưởng thế nào đến sức khoẻ trẻ, thưa bác sĩ? Liệu, tình trạng đó có tác động đến khả năng vận động, tập trung, suy nghĩ và học tập của trẻ?

- Không chỉ riêng ngoại hình, “béo phì” còn gây ra rất nhiều hậu quả nghiêm trọng khác cho trẻ, như: Nguy cơ bị tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành… khi trưởng thành; Ảnh hưởng lên hệ nội tiết - chuyển hóa; Dễ gặp chứng ngưng thở khi ngủ và hội chứng giảm thông khí; Ảnh hưởng hệ tiêu hóa.

Ngoài ra, trẻ dễ bị thoái hóa khớp, loãng xương, đau nhức liên miên, tăng nguy cơ mắc bệnh gout. Đồng thời, có thể ảnh hưởng tâm lý do bị tự ti về ngoại hình. Bên cạnh đó, béo phì cùng là một trong những nguyên nhân gây dậy thì sớm ở bé gái.

Trong khi đó, trẻ suy dinh dưỡng rất dễ mắc phải các bệnh nhiễm trùng về đường hô hấp và đường ruột. Đáng quan tâm nhất là việc trẻ bị phát triển chậm cả về thể chất lẫn tinh thần. Suy dinh dưỡng khiến tất cả các cơ quan giảm phát triển, trước hết là hệ cơ xương, ảnh hưởng trực tiếp đến chiều cao và tầm vóc của trẻ. Tiếp theo là giảm phát triển trí não, chậm chạp, giảm học hỏi, tiếp thu, giao tiếp xã hội kém và khả năng làm việc thấp hơn khi trưởng thành.


- Dinh dưỡng đóng vai trò như thế nào trong việc nâng cao sức khoẻ tinh thần và thể chất trẻ, thưa bác sĩ?

Chỉ số IQ của trẻ có liên quan mật thiết đến chất lượng của nguồn dinh dưỡng mà trẻ nhận được trong những năm tháng đầu đời. Theo nhiều nghiên cứu, trẻ em suy dinh dưỡng có khả năng học hỏi kém hơn so với những trẻ được nuôi với chế độ dinh dưỡng đầy đủ cân bằng.

Dinh dưỡng không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ, trí tuệ mà còn tác động trực tiếp đến chỉ số cảm xúc EQ. Những trẻ không được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, đặc biệt trong giai đoạn 1.000 ngày vàng thường có dấu hiệu nhút nhát, ít hoạt động, ít giao tiếp và thường không biết chia sẻ với người khác.

Chất lượng nuôi dưỡng, bao gồm cả chất lượng dinh dưỡng trong các bữa ăn và sữa trong những năm tháng đầu đời sẽ ảnh hưởng đến khả năng học tập của trẻ sau này. Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy, trẻ được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng trong quá trình phát triển thai nhi và giai đoạn đầu đời thường có chỉ số IQ cao hơn.

Bên cạnh đó, khoa học cũng chứng minh rằng, những trẻ được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng thường thích vận động, có khả năng tương tác xã hội, ham học hỏi và có khả năng nhận thức tốt hơn. Vì vậy, cha mẹ nên lưu ý cung cấp đủ dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất và dưỡng chất cho sự phát triển não bộ và cơ thể của trẻ.

- Để nâng cao sức khoẻ học đường, bác sĩ có thể chia sẻ về những tiêu chuẩn cần có trong các bữa ăn cho trẻ?

Bữa ăn của học sinh cần có đủ 4 nhóm thực phẩm và đa dạng nhiều loại thực phẩm. Từ đó, bảo đảm nhu cầu cả về số lượng, chất lượng và tỉ lệ cân đối của các thành phần dinh dưỡng.

Cơ thể chúng ta hằng ngày cần rất nhiều chất dinh dưỡng. Không có loại thức ăn nào là toàn diện và chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Mỗi loại thức ăn có chứa một số chất dinh dưỡng với tỷ lệ khác nhau. Vì vậy, bữa ăn hàng ngày cần đa dạng, phối hợp nhiều loại thực phẩm (tốt nhất là có trên 10 - 15 loại thực phẩm). Khi đó, các chất dinh dưỡng sẽ bổ sung từ những loại thức ăn khác nhau.

Bữa ăn có thành phần dinh dưỡng hợp lý có đủ từ 4 nhóm thực phẩm cung cấp các chất dinh dưỡng và ở tỷ lệ thích hợp như sau: Nhóm thức ăn cung cấp chất bột (đường); Nhóm cung cấp chất đạm; Nhóm thức ăn cung cấp chất béo; Nhóm thức ăn cung cấp vitamin và chất khoáng.

Ngoài ra, bữa ăn của học sinh nên có sự phối hợp nguồn chất đạm động vật và thực vật, chất béo động vật và thực vật. Có 2 nguồn cung cấp chất đạm cho cơ thể là chất đạm động vật (thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua, hải sản)... và chất đạm thực vật (đậu, đỗ...). Bữa ăn nên có sự cân đối giữa đạm động vật và đạm thực vật. Tỷ lệ đạm động vật tối thiểu là 1/3 hoặc tốt hơn là 1/2 tổng số lượng đạm trong bữa ăn.

Chất béo là dung môi cho các vitamin tan trong dầu như A, D, E, K. Chất béo tham gia trong cấu trúc màng tế bào và điều hòa các hoạt động chức phận của cơ thể. Trong khẩu phần ăn nên có sự phối hợp cả dầu thực vật và mỡ động vật ở tỷ lệ cân đối. Nên ăn vừng, lạc.

Ngoài ra, cần bảo đảm sự phân bố hợp lý giữa các bữa ăn ở nhà và trường. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bữa ăn bán trú của trường mẫu giáo cung cấp khoảng 55 - 60% nhu cầu năng lượng của cơ thể trẻ trong một ngày.

Đối với những trường tiểu học không ăn bán trú hoặc ăn bán trú không có bữa phụ, cha mẹ cần đảm bảo cung cấp tối thiểu cho trẻ đủ 3 bữa chính, không để trẻ nhịn ăn sáng đi học; Bữa sáng và bữa trưa cung cấp 35% và bữa tối là 30% nhu cầu năng lượng của cả ngày.

Đối với những trường tiểu học ăn bán trú có bữa phụ, có thể phân bố thành 4 bữa: Bữa sáng năng lượng từ 25 - 30%, bữa trưa từ 30 - 40%, bữa xế chiều từ 5 - 10%, bữa tối từ 25 - 30% nhu cầu năng lượng cả ngày.

Cần lưu ý, sử dụng muối iod trong chế biến thức ăn và không nên ăn mặn. Đồng thời, sử dụng nguồn thực phẩm địa phương cho bữa ăn của học sinh.

Để cơ thể khỏe mạnh và chuyển hóa tốt, cần uống đủ lượng nước. Mỗi ngày uống khoảng 1 - 1,5 lít nước tuỳ theo cân nặng và mức độ hoạt động của trẻ. Để đảm bảo vệ sinh và phòng tiêu chảy, trẻ phải được ăn chín, uống chín, không uống nước lã.

Vì thế, các trường học cần có đủ nước uống bảo đảm vệ sinh cho học sinh trong thời gian học tập và sinh hoạt tại trường. Hạn chế uống nước ngọt đóng chai, nước có ga vì các loại nước này không có lợi cho sức khoẻ.

- Trân trọng cảm ơn TS.BS Nguyễn Trọng Hưng!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thái Nguyên khai mạc Mùa du lịch năm 2024.

Thái Nguyên khai mạc năm du lịch 2024

GD&TĐ - Ngày 25/4, tại Khu du lịch Hồ Núi Cốc, UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Khai mạc du lịch năm 2024 với chủ đề “Từ trải nghiệm tới trái tim”.