Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh chia sẻ điều này tại lễ công bố Chương trình “Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025” diễn ra chiều 10/2.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho biết: Mục tiêu của giáo dục phổ thông được quy định trong Luật Giáo dục 2019 là nhằm phát triển toàn diện cho người học về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ, kỹ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo cho người học... Việc chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho trẻ em, học sinh phổ thông luôn đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần của các em.
Được sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua hoạt động chăm sóc bảo vệ sức khỏe trẻ em, học sinh phổ thông đã dần đi vào nề nếp và từng bước được cải thiện hơn về chất lượng. Điều kiện học tập và chăm sóc sức khỏe cho các em đã được cải thiện đáng kể tại nhiều địa phương; các dịch bệnh thường gặp ở trẻ em và ngộ độc thực phẩm trong các nhà trường đã giảm mạnh.
Hiện nay, cả nước có trên 40.493 cơ sở giáo dục phổ thông và mầm non với hơn 23 triệu trẻ em, học sinh chiếm khoảng 25% tổng dân số. Bên cạnh sự quan tâm về giáo dục, trẻ em, học sinh vẫn cần và rất cần được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh tật thường gặp và các bệnh do chính yếu tố học đường gây ra. Vì vậy, cần phải chăm sóc cho các em ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.
Các Bộ, ngành địa phương đã triển khai một số chương trình, dự án nhằm chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho các em như phòng chống dịch bệnh, tiêm chủng mở rộng, phòng chống suy dinh dưỡng, vệ sinh thực phẩm... Tuy nhiên, sức khỏe học đường vẫn đang là vấn đề nhức nhối, cần được quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa để bảo đảm thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện đức, trí, thể, mỹ cho các em, trong đó bao gồm dinh dưỡng và bữa ăn học đường, nước sạch và vệ sinh trường học, bệnh học đường, giáo dục thể chất và thể thao trường học.
Dựa trên kinh nghiệm quốc tế và thực trạng tình hình sức khỏe, bệnh tật của trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục tại Việt Nam; những khó khăn, hạn chế trong việc phối hợp triển khai lồng ghép các Chương trình, Đề án về cải thiện sức khỏe, thể lực và tầm vóc cho trẻ em, học sinh, Chính phủ đã giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng đề án tổng thể về Sức khỏe học đường, giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó có chương trình bữa ăn học đường thay thế chương trình sữa học đường do Bộ Y tế thực hiện, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý III năm 2021”.
Theo Thứ trưởng, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan xây dựng và trình Chính phủ Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 – 2025. Ngày 2/10/2021, Chính phủ đã ban hành quyết định số 1660/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Sức khoẻ học đường giai đoạn 2021 - 2025 nhằm bảo đảm chăm sóc toàn diện về thể chất, tinh thần cho trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông.
Đây là dấu mốc quan trọng thể hiện quyết tâm hành động của Đảng, Nhà nước và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan trong việc xây dựng nền tảng phát triển bền vững, góp phần mang đến những thay đổi tốt đẹp cho thế hệ tương lai. Như vậy, Chương trình này sẽ được triển khai đồng thời với Đề án “Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên để nâng cao sức khỏe, phòng ngừa bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản giai đoạn 2018 - 2025” của Chính phủ.
Mục tiêu Chương trình Sức khoẻ học đường giai đoạn 2021 - 2025 hướng đến là duy trì, đẩy mạnh hoạt động giáo dục, chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông, nhằm bảo đảm sự phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần cho học sinh. Chương trình đề ra 5 nhóm nội dung quan trọng, tương ứng với đó là các chỉ tiêu cụ thể và 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp tích cực.
Với việc đưa ra 5 nhóm nội dung và 7 nhóm giải pháp, Chương trình Sức khoẻ học đường giai đoạn 2021-2025 có sự tham gia của 9 Bộ và các ban ngành, cơ quan liên quan; Uỷ ban nhân dân 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Sở giáo dục và đào tạo các tỉnh, thành phố, sự hưởng ứng của hơn 22 triệu học sinh, hàng chục triệu phụ huynh và giáo viên tại gần 41.950 trường học trên phạm vi cả nước cùng các lực lượng xã hội đã chung tay hỗ trợ triển khai các giải pháp cơ bản nêu trong Chương trình.