Tuy nhiên, tại không ít địa phương, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học còn thiếu, lạc hậu; việc phát triển hệ thống trường, lớp ở miền núi, vùng sâu, vùng xa vẫn gặp nhiều khó khăn...
Nguồn lực đầu tư chưa theo kịp yêu cầu phát triển
Đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục phải đồng bộ, đáp ứng yêu cầu đổi mới (trong ảnh: Giờ học tại Trường TH Tân Phượng, Đoan Hùng, Phú Thọ) |
Bên cạnh kết quả đạt được, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học ở một số đơn vị trên địa bàn tỉnh chưa đồng bộ, còn thiếu so với yêu cầu; nhiều trường học thiếu diện tích đất, thiếu phòng học, các phòng chức năng, thiết bị đồ dùng dạy học theo chuẩn quốc gia. Mặc dù ngành rất tích cực phối hợp thực hiện các giải pháp để giải quyết tình trạng quá tải mầm non, song, ở một số địa phương vẫn rất khó khăn về cơ sở vật chất, cùng với loại hình tư thục chưa phát triển mạnh; một số trường mầm non vẫn còn thiếu diện tích đất, thiếu phòng học, phòng chức năng, thiết bị đồ dùng, đồ chơi theo chuẩn quốc gia...
Nguyên nhân là do sự gia tăng dân số nhanh trong những năm gần đây, nhất là ở các khu công nghiệp, nên cơ sở vật chất ở một số địa phương không đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ của nhân dân.
Mặt khác, do điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn, ngân sách Nhà nước chi cho GD-ĐT đã được tăng cường, song chủ yếu chi cho con người, ngân sách đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học còn có hạn, nhiều chương trình, kế hoạch đề ra trong giai đoạn, song, không đủ nguồn lực để tổ chức thực hiện.
Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho GD
Đây là nội dung trong nhóm giải pháp về những điều kiện đảm bảo chất lượng dạy học của Sở GD&ĐT Hải Dương trong năm học mới. Công việc để cụ thể hóa giải pháp này là đẩy mạnh xã hội hóa, huy động tổng hợp các nguồn lực của xã hội để phát triển GD-ĐT.
Lồng ghép kinh phí các chương trình mục tiêu, dự án, ngân sách để tăng hiệu quả đầu tư trong đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học. Đồng thời, đa dạng hoá các nguồn vốn đầu tư: Ngân sách Nhà nước, ngân sách địa phương, các khoản đóng góp tự nguyện, từ thiện, mở rộng các quỹ khuyến học, khuyến khích cá nhân và tổ chức đóng góp cho GD-ĐT...
Để tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động GD, Sở GD&ĐT Bắc Giang cũng đặt ra nhiệm vụ tăng cường kỷ cương trong sử dụng ngân sách và quản lý có hiệu quả các nguồn đầu tư cho GD, ưu tiên các nguồn lực phát triển GD mầm non và GD phổ thông.
Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch đã được phê duyệt. Rà soát mạng lưới các cơ sở GD nhằm tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng, hiệu quả đầu tư, phù hợp với nhu cầu xã hội, với điều kiện của từng địa phương. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển GD-ĐT, xây dựng cơ sở vật chất trường học và trường chuẩn quốc gia.
Quy hoạch mạng lưới trường lớp gắn với các điều kiện đảm bảo chất lượng phải được ưu tiên hàng đầu |
Từ kinh nghiệm quản lý GD địa phương, ông Nguyễn Minh Tường - Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ - cho rằng, trong điều kiện ngân sách Nhà nước khó khăn hiện nay, việc phụ thuộc quá nhiều vào ngân sách Nhà nước sẽ không thể tạo đột phá phát triển GD trong thời gian tới. Cần đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư cho GD, trong đó hết sức coi trọng nguồn lực của tư nhân và các tổ chức.
Bên cạnh đó, công tác phối hợp là một yêu cầu quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ. Các nhiệm vụ của ngành GD chỉ có thể hoàn thành tốt khi có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên của các ngành, cơ quan, đơn vị khác. Vì vậy, công tác phối hợp cần phải được quán triệt sâu rộng trong toàn ngành, trở thành một công việc thường xuyên.