Tăng hiệu quả, sức hấp dẫn môn Đạo đức ở tiểu học

GD&TĐ - Môn Đạo đức trong trường Tiểu học nhiều năm qua đã được đổi mới một cách tích cực cả về nội dung chương trình lẫn phương pháp dạy học, mang lại hiệu quả thiết thực và đã góp phần không nhỏ vào quá trình giáo dục toàn diện.

Tăng hiệu quả, sức hấp dẫn môn Đạo đức ở tiểu học

Tuy nhiên, theo thầy Tô Ngọc Sơn (Trường Tiểu học Chu Văn An, Cao Lãnh, Đồng Tháp), thực tế hiện nay, không ít học sinh chưa thể hiện được đúng chuẩn mực hành vi đạo đức mà các em đã được rèn luyện trong nhà trường.

Nguyên nhân, bởi hành vi đạo đức của con người có được không phải chỉ rèn luyện trong một môi trường là đủ và cũng không phải chỉ một ngày mà nên. Những hành vi đạo đức luôn chịu sự tác động của sự phát triển thể chất, tâm lí, gia đình, môi trường và xã hội,…

Bên cạnh những yếu tố đó, theo thầy Sơn, phải kể đến vai trò rất lớn của người thầy trong quá trình rèn luyện và hình thành nhân cách con người mới.

Tất cả những đặc điểm trên, quan hệ trực tiếp đến nội dung, phương pháp, cách ứng xử của giáo viên (GV) với học sinh (HS) trong quá trình giáo dục nói chung, dạy môn đạo đức nói riêng.

Lựa chọn phương pháp phù hợp

Để đạt hiệu quả tốt trong việc dạy và học môn đạo đức cho HS tiểu học, GV cần quán triệt quan điểm, dạy môn Đạo đức là quá trình truyền thụ những giá trị, chuẩn mực đạo đức của xã hội thành niềm tin, tình cảm, hành vi đạo đức của mỗi HS.

Điều đó chỉ có kết quả tốt khi HS hứng thú, tích cực, chủ động tham gia vào quá trình dạy học.

Thầy Tô Ngọc Sơn

Chia sẻ của thầy Tô Ngọc Sơn, GV cần tận dụng mọi phương pháp, hình thức dạy học sao cho HS được bày tỏ ý kiến, biểu hiện thái độ, hành vi của bản thân đối với các tình huống, chuẩn mực đạo đức được học tập.

Nội dung đạo đức (các tình huống, chuẩn mực, câu chuyện, ví dụ…) phải gần gũi với cuộc sống thực của HS, phù hợp với tâm lí lứa tuổi của các em.

GV cũng cần sử dụng phối hợp nhiều hình thức, phương pháp phong phú, đa dạng trong dạy đạo đức. Mỗi phương pháp đều có những lợi thế và hạn chế nhất định.

Do vậy GV cần phải biết lựa chọn những hình thức, phương pháp phù hợp với nội dung mỗi bài dạy và điều kiện thực tế cho phép.

Bên cạnh đó, dạy môn Đạo đức là bộ phận hữu cơ của gíáo dục đạo đức, do vậy cần phải kết hợp giáo dục đạo đức thông qua dạy học các môn học khác, các sinh hoạt tập thể khác nhau, cũng như sự phối hợp giáo dục giữa nhà trường, gia đình, cộng đồng.

Thầy Sơn cho rằng, đây cũng là một trong những giải pháp hiệu quả nhất nhằm giúp học sinh được rèn luyện và thực hành những hành vi đạo đức một cách lâu bền và hiệu quả.

Chẳng hạn, khi dạy bài thể hiện mối quan hệ đạo đức: “Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên” , nếu chỉ gói gọn trong môn đạo đức chắc chắn hiệu quả không cao.

Nhưng nếu biết lòng ghép nội dung này vào những môn học khác có nội dung liên quan; như môn khoa học với bài “Sự sinh sản ở thực vật có hoa”.

Khi trả lời câu hỏi: Thấy được lợi ích của các loài hoa, vậy các em cần làm gì trước những lợi ích đó? Câu trả lời của học sinh là một chuẩn mực của hành vi đạo đức.

Hay ở môn Toán, dạy bài “Tỉ số phần trăm”, giáo viên thử yêu cầu học sinh tính xem lượng khí các-bon-nic có trong môi trường không khí chiếm bao nhiêu phần trăm.

Từ đó, học sinh nêu nguyên nhân dẫn đến ô nhiểm môi trường không khí là do diện tích rừng bị thu hẹp, để có ý thức, biện pháp bảo vệ môi trường,…

Một số hình thức tổ chức dạy học hiệu quả

Theo thầy Tô Ngọc Sơn, các phương pháp và hình thức dạy học môn Đạo đức rất đa dạng và phong phú, luôn được áp dụng từ lớp 1 đến lớp 5 như: Kể chuyện, đàm thoại, thảo luận nhóm, xử lý tình huống, đóng vai, trò chơi, thực hiện dự án,…

Tuy nhiên, khi giảng dạy, giáo viên cần lựa chọn và sử dụng phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và nhận thức của từng đối tượng HS.

Ví dụ đối với HS lớp 5, cũng là phương pháp đàm thoại, trình bày ý kiến của nhóm, chọn phương án xử lý tình huống, đưa ra cách giải quyết vấn đề…, nhưng HS lớp 5 cần phải giải thích: Tại sao lại là như vậy; ý nghĩa, giá trị của những giải pháp được nêu ra?…

Giáo viên phải chú ý đến những ý kiến khác nhau của HS về một vấn đề với thái độ khuyến khích, tôn trọng và khéo léo gợi ý cho các em trao đổi để tìm ra những giá trị chung…

Đồng thời, chú ý cho HS liên hệ những điều đang học với những trải nghiệm đạo đức của bản thân và thực tế cuộc sống mà các em biết được.

Phương pháp dự án, cho các nhóm HS tập lập dự án, tự tổ chức thực hiện, báo cáo kết quả… cũng rất hiệu quả.

Các dự án này có thể chỉ là kế hoạch chăm sóc một hàng cây, giữ gìn trật tự vệ sinh của lớp, đỡ đầu một lớp mẫu giáo hay lớp 1, giúp đỡ một bạn có hoàn cảnh khó khăn, quyên góp sách cho thư viện của trường,…

"Một nội dung khác đáng chú ý là sử dụng phương pháp rèn luyện thực hành đạo đức trong cuộc sống thực tế của HS ở trường, lớp, gia đình, cộng đồng.

Cùng với đó, phát huy khả năng và nhiệt tình của HS trong việc chủ động tự làm các đồ dùng học tập phục vụ cho việc dạy học môn đạo đức hơn là thụ động chờ cấp phát" - thầy Sơn cho biết thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ