Học sinh đọc kĩ tác phẩm và soạn bài trước khi đến lớp
Nhiều học sinh có thói quen chưa đọc tác phẩm đã soạn bài. Nội dung bài soạn sẽ được chép ở sách Để học tốt Ngữ văn, vốn bày bán trên thị trường rất phổ biến.
Làm vậy tiết kiệm thời gian soạn bài nhưng tác hại là rất lớn: Không tiếp xúc với tác phẩm, không thực sự đọc hiểu văn bản, từ đó học sinh sẽ không thể hiểu bài cô giáo giảng.
Vì vậy, học sinh phải từ bỏ thói quen này và soạn bài đầy đủ trước khi đến lớp. Giáo viên kiểm tra đôn đốc thường xuyên, học sinh dần dần sẽ đi vào nề nếp.
Tạo tinh thần hăng hái phát biểu xây dựng bài trên lớp
Nhiều học sinh càng lớn càng rụt rè trong giờ học. Nhiều khi các em biết nhưng vẫn không xung phong trả lời câu hỏi, sợ rằng nhỡ sai, các bạn sẽ cười chê.
Tuy nhiên, đó cũng là một quan niệm sai lầm. Nếu học sinh tích cực xây dựng bài, các em sẽ thấy hiểu bài ngay tại lớp, tiết kiệm thời gian học bài ở nhà, hiểu bài nhanh hơn.
Khi ấy, bạn sẽ thấy yêu thích hơn môn học của mình. Giáo viên cần biết động viên học sinh học tập để các em nhiệt tình hăng hái tham gia vào bài giảng của minh.
Tìm ý nghĩa từ đọc hiểu tác phẩm văn học
Học Văn để ứng dụng vào cuộc sống, muốn làm được điều đó trước tiên học sinh phải hiểu sâu về tác phẩm để nắm rõ nội dung, ý nghĩa, tư tưởng của tác phẩm.
Trước đây, nhiều học sinh thường lầm tưởng học Văn là học thuộc vẹt những điều thầy cô giảng và những điều tài liệu tham khảo đã viết để trình bày lại trong bài của mình. Lối học vẹt như vậy khiến nhiều người thấy mệt mỏi, chán nản.
Chương trình Ngữ văn đổi mới nhấn mạnh việc đọc hiểu văn bản văn học, coi kĩ năng đọc hiểu văn bản là một trong những kĩ năng cơ bản của con người trong cuộc sống hiện đại.
Khi dạy học sinh đọc hiểu văn bản văn học, người giáo viên cần chú ý những đặc trưng sau của văn bản văn học:
Thứ nhất, văn bản văn học là văn bản đa nghĩa. Đọc hiểu văn bản văn học phải tìm được nhiều lớp nghĩa khác nhau của chúng.
Thứ hai, trong quá trình đọc hiểu các lớp nghĩa phải đi từ lớp nghĩa bề mặt, từ đó mới khơi gợi dần đi tìm những lớp nghĩa bề sâu. Nếu học sinh càng tìm được nhiều các lớp nghĩa của văn bản văn học, học sinh đó càng thành công.
Thứ ba, các lớp nghĩa của văn bản văn học tìm được có thể không hoàn toàn giống với những điều học sinh được đọc, được học. Điều đó hoàn toàn có thể chấp nhận.
Tuy nhiên, những đều bạn tìm được phải được suy ra từ câu chữ, hình tượng văn học cụ thể, không phải là những điều suy diễn tùy tiện.
Nếu tuân thủ đúng qui trình đó, dù văn bản khó hiểu đến đâu, học sinh cũng có thể khám phá được.
Bài học suy ngẫm từ ý nghĩa tác phẩm
Dạy xong mỗi tác phẩm văn học, giáo viên hướng dẫn học sinh tự rút ra được những bài học cho mình.
Điều quan trọng là các em suy ngẫm về những bài học ấy, đặt mình trong hoàn cảnh của các nhân vật, từ đó suy ngẫm về cách ứng xử của mình trong những tình huống tương tự của cuộc sống.
Mỗi tác phẩm, dù nói về con người hay thiên nhiên đều cho ta những bài học làm người.
Giúp học sinh tìm tình huống đời sống đặt ra trong những tác phẩm Có những tác phẩm thoạt tiên tiếp xúc tưởng như nó không còn liên quan gì đến đời sống, chỉ thuần túy chỉ là những truyện trong sách vở. Nhưng thực ra không phải như vậy.
Văn chương chính là chuyện cuộc đời, bất kì những vấn đề nào đặt ra trong những tác phẩm cũng là những vấn đề của đời sống.
Có thể lấy tác phẩm Bài ca ngất ngưởng của nhà nho Nguyễn Công Trứ trong chương trình Ngữ văn 11 làm minh chứng.
Bài thơ viết về Nguyễn Công Trứ, một nhà nho tài tử của thế kỉ XVIII, không chỉ đặt ra những vấn đề của quá khứ mà còn để lại bài học về cách ứng xử của con người trong xã hội hiện đại.
Nguyễn Công Trứ tuy chán ghét công danh nhưng vì lí tưởng cao cả, ông sẵn sàng vào lồng công danh. Nguyễn Công Trứ không ưa gì các bậc phương diện quốc gia nhưng ông dù ngất ngưởng nhưng vẫn là một trung thần, hết lòng trung với vua, trung với nước.
Từ tác phẩm này có thể đặt ra một tình huống của đời sống: Trong cuộc sống, có phải lúc nào con người cũng được hành động theo sở thích, các tính riêng của mình?
Từ cách hành xử của Nguyễn Công Trứ, học sinh có thể học được cách ứng xử của người xưa: Dù không muốn nhưng nhiều lúc con người phải ép mình vào khuôn khổ.
Xã hội hiện đại chấp nhận cá tính con người. Tuy nhiên, không thể lấy ý thích cá nhân của mình làm trung tâm của xã hội mà nhiều lúc cái cá nhân phải đặt dưới quy định của cộng đồng.
Trong cách ứng xử, không phải lúc nào cũng ưu tiên cho cá tính, cá tính trong nhiều trường hợp phải lui xuống hàng thứ yếu để con người thực hiện các bổn phận của bản thân.
Cho học sinh giải quyết tình huống đời sống đặt ra trong tác phẩm
Vào cuối tiết học, giáo viên có thể tổ chức một cách học Văn hiệu quả và thú vị bằng cách đặt ra những tình huống đời sống trong các tác phẩm văn học và yêu cầu học sinh trả lời.
Nếu được mọi người hưởng ứng, đây sẽ là một hình thức học Văn gắn với thực tế đời sống một cách đặc biệt hấp dẫn.
Chẳng hạn, từ tác phẩm “Nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm trong chương trình Ngữ Văn 10, có thể đặt ra những tình huống ứng xử dưới dạng những câu hỏi cho học sinh chọn lựa:
Em có tán đồng quan điểm sống nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm hay không? Tại sao? Nếu được lựa chọn, em chọn cuộc sống ở “nơi vắng vẻ” hay “chốn lao xao”? Lí giải vì sao em lựa chọn như vậy?
Khi đó sẽ có một sự tranh luận rất sôi nổi. Chủ tọa có thể kết lại bằng một sự đánh giá: Cách hành xử của Nguyễn Bỉnh Khiêm là cách hành xử bất đắc dĩ của một nhà nho sinh ra gặp thời nhiễu nhương loạn lạc, thể hiện trí tuệ uyên thâm và vẻ đẹp nhân cách của kẻ sĩ với hành động lánh đục về trong.
Cách hành xử đó trong cuộc sống thời bình hôm nay có những nét không hợp thời vì những người tuổi trẻ ngày hôm nay cần đem hết tài năng, tâm huyết của mình ra giúp đời, giúp nước.
Tuy nhiên, vẫn có thể học tập nhà nho Nguyễn Bỉnh Khiêm ở lối sống thanh cao, không màng danh lợi, ở cách kết hợp giữa lao động chân tay và giải trí, ở lối sống hòa hợp , trở về giữa lòng thiên nhiên để di dưỡng sức khỏe và tâm hồn.
Giúp học sinh tổng kết những bài học ứng xử
Dưới sự hướng dẫn của các thầy cô giáo, học sinh có thể tổng kết và rút ra những bài học như sau :
Về ứng xử trong gia đình: Văn học dạy chúng ta hãy biết thương yêu : thương yêu, kính trọng cha mẹ, yêu quí anh chị em ruột thịt, biết nhường nhịn, biết hi sinh.
Về ứng xử ngoài xã hội: Văn học dạy chúng ta hãy biết yêu quí mọi người, biết cởi mở, thân thiện với mọi người, dù người đó ta chỉ gặp một lần trong cuộc đời.
Những điều mình không mong muốn thì không làm cho mọi người, những gì mình mong muốn thì cố gắng làm cho mọi người, sống vì mọi người cũng là một hạnh phúc vì bàn tay tặng hoa hồng cũng được lưu giữ mùi hương.
Về ứng xử với thế giới tự nhiên: Đặt trong thách thức chung của thời đại, trước nguy cơ biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng hoành hành, có sức công phá mạnh mẽ, mỗi con người cần biết ứng xử hài hòa với tự nhiên.
Hãy biết yêu quí những cánh rừng, hãy biết yêu quí những dòng sông, hãy làm tất cả để có một môi trường sống trong lành.
Nhưng bên cạnh những quan hệ ứng xử trên, mỗi con người cần phải ứng xử ngay với chính bản thân mình. Hãy yêu quí và chăm sóc tốt cho chính bản thân mình nhưng đừng nuông chiều nó.
Hãy nghiêm khắc với chính mình, hãy cố gắng phấn đấu cho tương lai bản thân nhưng khi cần, bạn phải biết hi sinh bản thân mình cho người khác. Đó là lẽ sống cao cả mà chúng ta rút ra được từ những tác phẩm văn học.
Các bước chuẩn bị cho dạy Văn hướng tới điều chỉnh hành vi:
1. Yêu cầu học sinh đọc kĩ tác phẩm và soạn bài trước khi đến lớp:
2. Trên lớp, tạo tinh thần hăng hái phát biểu xây dựng bài cho học sinh.
3. Hướng dẫn học sinh đọc hiểu tác phẩm văn học để tìm ra ý nghĩa của nó.
4. Hướng dẫn học sinh từ ý nghĩa tác phẩm văn học đã hiểu được, suy ngẫm về những bài học cuộc sống được đặt ra trong mỗi tác phẩm và hãy cố gắng làm theo những bài học bổ ích đó:
5. Giúp học sinh đi tìm những tình huống đời sống đặt ra trong những tác phẩm văn học
6. Hướng dẫn học sinh giải quyết những tình huống đời sống được đặt ra trong những tác phẩm văn học.
7. Giúp học sinh tổng kết những bài học ứng xử được đặt ra trong tác phẩm theo những chủ đề khác nhau. Nhắc nhở học sinh thường xuyên ghi nhớ chúng để biến những bài học trong sách vở thành chính phương châm ứng xử của mình.
Cô giáo Tô Thị Hồng Vân