Hội thảo khoa học quốc gia khu vực miền Bắc với chủ đề ‘Rà soát, xác định vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi; khuyến nghị, đề xuất nội dung, giải pháp vận động, hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số giai đoạn tiếp theo" diễn ra ngày 4/10 tại Học viện Phụ nữ Việt Nam (Hà Nội).
Hội thảo nhận được 70 bài viết của các chuyên gia. Trải qua quá trình chọn lọc, phản biện độc lập, Ban tổ chức chọn lựa được 33 bài viết giới thiệu trong kỷ yếu hội thảo. Sự kiện là là một trong những hoạt động thuộc khuôn khổ của Dự án 8.
Đây là dự án thành phần thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Theo đó, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025, được Chính phủ giao cho Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam làm đầu mối chủ trì, quản lý và chỉ đạo thực hiện.
Theo PGS.TS Trần Quang Tiến - Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam nhấn mạnh, hội thảo là cầu nối để các nhà nghiên cứu, nhà quản lý và những người làm công tác thực tiễn tìm ra hướng phát triển cho giai đoạn tiếp theo của Dự án 8.
Nội dung thảo luận tại hội thảo tập trung vào nhiều vấn đề xã hội cấp thiết như: Kết quả triển khai Dự án 8 tại khu vực miền Bắc giai đoạn 2022–2024; Những vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số miền núi.
Tại hội thảo, các đại biểu phân tích vấn đề cấp thiết như: tình trạng bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em, tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết còn cao… Một số ý kiến nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường giáo dục giới tính và chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là trẻ vị thành niên.
Đưa ra các giải pháp cho giai đoạn tiếp theo của Dự án 8, các đại biểu đề xuất tăng cường đào tạo, hỗ trợ sinh kế, cải thiện chính sách và xây dựng các mô hình phát triển phù hợp với đặc thù của từng vùng miền. Qua đó, nhằm đảm bảo cuộc sống tốt đẹp hơn cho phụ nữ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Theo Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền, sau gần ba năm triển khai, Dự án 8 đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận. Với sự tham gia của 40 tỉnh được cấp ngân sách Trung ương và 11 tỉnh tự chủ, Dự án đã có tác động tích cực đến đời sống phụ nữ và trẻ em tại các khu vực này.