Nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em khuyết tật

GD&TĐ - Ngày 21/3 tại Hà Nội đã diễn ra Lễ khởi động Dự án "nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em khuyết tật tại Việt Nam".

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi phát biểu.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi phát biểu.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi khẳng định, đây là sự kiện rất có ý nghĩa đối với giáo dục Việt Nam, đặc biệt là đối với trẻ em ở vùng dân tộc thiểu số, trẻ em thiệt thòi. Thứ trưởng đồng thời bày tỏ vui mừng, gửi lời cảm ơn trân trọng tới các đối tác tham gia dự án này.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi chia sẻ, Việt Nam là đất nước đang phát triển, đang trong quá trình thay đổi. Thời gian qua, giáo dục Việt Nam đã có bước phát triển, giáo dục từ mầm non đến đại học có sự thay đổi cơ bản, qua đó đảm bảo nhu cầu học tập, quyền được học tập của trẻ em, học sinh.

Bên cạnh sự thay đổi và nỗ lực, theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi, giáo dục Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là ở những khu vực vùng sâu, vùng xa. Tuy đã có những thay đổi về chính sách, về y tế nhưng trẻ em khuyết tật vẫn còn chiếm tỷ lệ không nhỏ và đang rất cần sự quan tâm, chung sức của gia đình, nhà trường, xã hội.

Quang cảnh lễ khởi động.

Quang cảnh lễ khởi động.

“Hôm nay, chúng tôi rất vui mừng khi Tổ chức Đối tác toàn cầu về giáo dục (GPE), Quỹ Nippon (TNF) và Tổ chức Cứu trợ trẻ em (SC) đã hướng tới những đối tượng hỗ trợ mà Việt Nam đang rất cần là trẻ em vùng dân tộc thiểu số và trẻ em khuyết tật. Đó không chỉ là hướng tới phổ cập giáo dục, đảm bảo sự công bằng trong giáo dục mà còn là hướng đến sự nhân văn cao cả của giáo dục”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi nói.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi cam kết, Bộ GD&ĐT sẽ giao nhiệm vụ cho các Vụ, Cục, các đơn vị liên quan để phối hợp triển khai hiệu quả nguồn quỹ. Trong quá trình thực hiện sẽ tiếp tục đồng hành, cùng trao đổi thông tin, nếu có khó khăn, vướng mắc sẽ cùng tháo gỡ. “Quan trọng là hiệu quả và chất lượng”, Thứ trưởng khẳng định.

Chia sẻ tại buổi lễ, ông Yohei Sasakawa, Chủ tịch Quỹ Nippon của Nhật Bản, cho biết: “Hôm nay, chúng ta cùng nhau tham gia sự kiện này để khởi động dự án và tôi rất vinh dự khi được tham gia dự án. Quỹ NIPPON với triết lý “một thế giới, một gia đình” theo đó tất cả các hoạt động của chúng tôi hướng đến xã hội hoà nhập.

Hi vọng rằng, các mô hình của Quỹ sẽ hỗ trợ trẻ khuyết tật cũng như tập trung vào giải quyết các vấn đề tồn tại để giúp trẻ em khuyết tật, trẻ em là người DTTS được tiếp cận giáo dục tốt nhất”.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi cắt băng tại lễ khởi động.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi cắt băng tại lễ khởi động.

Dự án Nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em khuyết tật tại Việt Nam được Tổ chức Đối tác toàn cầu về giáo dục (GPE) và NIPPON viện trợ 100% với tổng kinh phí là 121 tỷ đồng, tương đương 5,15 triệu USD. Trong đó, chủ dự án là Bộ GD&ĐT giải ngân 96 tỷ đồng.

Bà Lê Thị Thanh Nhàn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục dân tộc, Bộ GD&ĐT cho biết, dự án được khởi động từ tháng 3/2024 đến hết tháng 12/2026. Dự án góp phần thu hẹp khoảng cách trong tiếp cận giáo dục của trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em khuyết tật tại Việt Nam.

Dự án gồm ba cấu phần gồm: đảm bảo trẻ em dân tộc thiểu số lứa tuổi mầm non được tiếp cận tăng cường Tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ; tăng cường sử dụng tiếng mẹ đẻ và bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số trong trường tiểu học; tăng cường giáo dục hòa nhập cho trẻ em khuyết tật và trẻ em dân tộc thiểu số.

Đối tượng thụ hưởng trực tiếp của dự án là trẻ em mầm non của 6 dân tộc Mông, Ê đê, Khmer, J'rai, Bahnar, Thái được tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ, giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, tham gia tốt các hoạt động tại trường mầm non và sẵn sàng vào lớp 1;

Học sinh tiểu học của 8 dân tộc Bahnar, Chăm, Êđê, Khmer, Jrai, Mnông, Mông, Thái được tăng cơ hội học và sử dụng tiếng mẹ đẻ, tiếp cận với các tài liệu về văn hóa của dân tộc mình;

Trẻ em khuyết tật được hỗ trợ về giáo dục hòa nhập, các kỹ năng đặc thù để từng bước hòa nhập và học tập có hiệu quả hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.