Bếp ăn của tình yêu nghề
Cô Vũ Thị Luyến, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Đắk Wil (xã Đắk Wil) cho biết, mô hình “Bếp ăn bán trú dân nuôi” được tổ chức ở 2 điểm lẻ thuộc những vùng đặc biệt khó khăn của địa phương.
“Trường chúng tôi có 5 điểm với gần 400 trẻ và 28 giáo viên. Điểm xa nhất là thôn 4 và 18, cũng là nơi khó khăn nhất của trường. Ở đây, trẻ em thường theo bố mẹ lên nương rẫy và đã xảy ra không ít tai nạn thương tâm. Từ thực tế đó, nhà trường đã phối hợp chính quyền địa phương vận động gia đình đưa con ra lớp. Đồng thời tổ chức ‘Bếp ăn bán trú dân nuôi’ để phụ huynh yên tâm khi gửi con cho các cô”, cô Luyến chia sẻ.
Các lớp học điểm lẻ, trẻ thường có nhiều độ tuổi khác nhau, giáo viên mất rất nhiều thời gian, công sức giúp các em hòa nhập, bắt nhịp cùng các bạn. Theo lời cô Luyến, thương trò thiệt thòi, thiếu thốn đủ bề, các cô giáo luôn cố gắng làm nhiều việc, vừa đứng lớp, nấu ăn, chăm sóc trẻ.
Nói thêm về điều này, cô Phạm Thị Ánh Tuyết, Phó Hiệu trưởng, phụ trách 2 điểm có bếp ăn bán trú thông tin, trường mẫu giáo chỉ được tuyển sinh 3 lớp học: 3 tuổi, 4 tuổi và 5 tuổi, không có lớp nhà trẻ.
“Ở điểm thôn 4 và 18, chủ yếu là con em người Mông. Chúng tôi phải đi từng nhà vận động gia đình cho học sinh ra lớp, các cô tự trích 1 phần lương, huy động xã hội để tổ chức ăn bán trú. Ban đầu, mỗi phụ huynh chỉ đóng 1.000 đồng/1 ngày.
Đến nay, vì điều kiện xin hỗ trợ kinh phí không được, nhà trường đã thống nhất với phụ huynh, gia đình có gì cho con ăn được thì mang theo. Các cô vẫn tự trích lương ra mua thịt, mua rau... về nấu cho các cháu ăn”, cô Tuyết thông tin.
Bà Dương Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Wil nói: “Việc tổ chức, duy trì mô hình bếp ăn bán trú dân nuôi cho học sinh ở các điểm trường thuộc vùng đặc biệt khó khăn là điều hết sức ý nghĩa.
Vừa tăng tỷ lệ huy động trẻ ra lớp trên địa bàn. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi để các em được vui chơi, học tập, phát triển thể chất và trí tuệ, giảm thiểu những rủi ro về tại nạn, thương tích. Chúng tôi được biết, gia đình các cô giáo cũng không mấy khá giả về kinh tế. Thế nên, chỉ có tình yêu nghề, yêu trò các cô mới làm được việc này”.
“Mua” việc - thêm niềm vui
Đều đặn, 5 ngày/tuần, các cô giáo ở 2 điểm trường lại dậy từ sớm tinh mơ, vượt hàng chục km để đến trường. Tại đây, các cô sẽ phân chia, người đi chợ, người đón trẻ kiêm luôn việc tiếp nhận những hộp cơm trắng, gói khoai... do phụ huynh chuẩn bị cho con khi đến lớp.
Cô giáo Vũ Thị Lan, điểm trường thôn 18 chia sẻ: “Mấy năm trước, phụ huynh đóng 1.000 đồng, nay chúng tôi đã thống nhất là gia đình có gì cho con ăn cứ mang theo. Hai cô tại đây tự nguyện trích lương ra mua thêm rau, thịt để nấu canh. Ngoài bữa chính, chúng tôi nấu thêm 3 bữa xế, nhưng thực tế, tôi và cô Nguyễn Thị Toàn tự thống nhất, nấu đủ bữa xế tất cả các ngày. Biết là thêm việc, nhưng khi thấy trò vui chơi, khỏe mạnh, chúng tôi cũng vui lây và cố gắng hơn mỗi ngày”.
Cũng theo lời cô Lan, khó khăn nhất là việc tổ chức vui chơi, học tập, sinh hoạt cho cùng lúc 3 độ tuổi trong lớp học.
“Ở đây, việc tuyển sinh không như ở vùng thuận lợi. Có khi vào học vài tuần phụ huynh mới chịu đưa con đến lớp. Nhiều khi bố mẹ tự ý cho con nghỉ học cũng không thông báo, khiến các cô phải đi tìm.
Năm học này, sau khai giảng chúng tôi đã có 26 cháu sinh các năm: 2018, 2019 và 2020. Từ khi các cháu đến lớp, các cô tập trung hướng dẫn vệ sinh, nền nếp sinh hoạt, vui chơi cho từng trẻ, nhóm trẻ. Điều này có khi mất cả tuần các cháu mới quen dần. Sắp tới, hai cô sẽ làm thêm một số đồ chơi, đồ dùng học tập tự tạo nhằm bù đắp thiếu thốn cho trẻ ở đây”, cô Lan chia sẻ thêm.
Có hơn 20 năm cống hiến cho ngành Giáo dục, cô giáo Nguyễn Thị Hường, điểm trường thôn 4 tâm sự, ở đây lâu mới thấy thương cho hoàn cảnh khó khăn của các bậc phụ huynh. “Mặc dù bản thân còn nhiều khó khăn, nhưng tôi tự nguyện xin đến điểm trường thôn 4 để dạy học cho các cháu. Tôi cảm thấy thật hạnh phúc khi nhìn các cháu được ăn ngon, được chăm sóc tốt hơn”.
Gia đình chị Dương Thị Sìa, dân tộc Mông (xã Đắk Wil) phải đi làm thuê từ sáng sớm nên không có thời gian chăm sóc 2 con nhỏ. Từ khi có bếp ăn của các cô, gia đình chị cũng đỡ đi một phần chuyện đón con đi học, cho con ăn vào buổi trưa. “Mỗi buổi sáng, tôi chỉ cần gói phần cơm trưa cho con. Hôm thì chỉ cơm trắng, có hôm đi chợ được thì có thêm miếng thịt, miếng đậu… Chiều tối về đón con về, các con khoe được cô cho ăn ngon, bản thân tôi mừng lắm”, chị Sìa phấn khởi nói.
Gia đình anh Thào Mí Dình ở cùng xã cũng gửi lời biết ơn tới các cô giáo ở điểm thôn 18. “Cảm ơn các cô, nếu không có các cô động viên, vợ chồng tôi phải cho con đi lên rẫy cùng thôi. Giờ yên tâm gửi con đến lớp, tối về còn được nghe con hát. Vui lắm”.
Nói về vai trò của bếp ăn bán trú dân nuôi đối với sự nghiệp giáo dục của địa phương, bà Phạm Thị Thẩm, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Cư Jút cho biết: “Đắk Wil là xã vùng sâu, vùng biên giới, điều kiện người dân còn gặp nhiều khó khăn, nhất là vùng dân tộc thiểu số. Để cuộc sống no đủ đã vất vả chứ chưa nói đến ăn ngon, mặc đẹp.
Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, thành tích học tập mà nó còn khiến cho một số gia đình phải cho con bỏ học giữa chừng. Khi Ban Giám hiệu Trường Mẫu giáo Đắk Wil có ý tưởng xây dựng bếp ăn bán trú thì Phòng đồng ý ngay”.
Việc các cô giáo động viên nhau trích tiền lương để cùng phụ huynh lo bữa ăn, giấc ngủ cho trẻ vừa thể hiện tính nhân văn vừa khẳng định vai trò của nhà giáo với xã hội, nhất là tại các khu vực đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, giúp tăng tỷ lệ huy động trẻ ra lớp trên địa bàn. - Bà Phạm Thị Thẩm