Nội dung chất vấn:
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo rất quan tâm đến chất lượng đội ngũ thầy cô giáo giảng dạy bậc đại học và đã có kế hoạch đào tạo 2 vạn tiến sĩ. Xin Bộ trưởng cho biết hiện nay có bao nhiêu giảng viên giảng dạy đại học và cao đẳng mà chưa có trình độ trên đại học, chiếm tỷ lệ bao nhiêu phần trăm.
2. Cuộc đối thoại về phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục vừa qua đã có nhiều cảnh báo mạnh mẽ, ông Jairo Acuno (UNDP) cho biết: “Những hành vi tham nhũng tồn tại trong giáo dục làm xói mòn chất lượng giáo dục, gây ra nhiều hậu quả nguy hại”. Đại diện Thanh tra Chính phủ xác định sai phạm phổ biến ở các khâu dự toán đầu tư xây dựng trường học, mua trang thiết bị dạy học, đã tăng so với yêu cầu, áp dụng đơn giá vật liệu khác với vật liệu được chỉ định, sử dụng sai mục đích nguồn kinh phí đầu tư.
Xin Bộ trưởng cho biết Bộ có điều tra cụ thể về các hiện tượng tham nhũng (và các khoản thu từ phụ huynh trái quy định) hay không và biện pháp nào để khắc phục?
Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:
1. Về trình độ giảng viên của các trường đại học, cao đẳng
Trong Báo cáo số 51/BC-CP ngày 08 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đảm bảo chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học đã báo cáo: Trong 10 năm qua, ngành Giáo dục đã rất chú trọng phát triển, chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục về số lượng và chất lượng, đặc biệt là từ khi có Chỉ thị 40-CT/TW ngày 15/6/2004 của Ban Bí thư về việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục và Quyết định số 09/2005/QĐ-TTg ngày 11/01/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2005 - 2010".
- Về số lượng: số giảng viên đại học, cao đẳng đã tăng từ 20.112 người năm 1997 lên 61.190 người năm 2009 (gấp 3 lần).
- Về trình độ: số giảng viên có trình độ tiến sĩ tăng từ 2.041 người năm 1997 lên 6.217 người năm 2009 (gấp 3 lần). Số giảng viên có trình độ thạc sĩ tăng từ 3.802 người lên 24.831 người (gấp 6 lần).
- Về chức danh: số giảng viên có chức danh Giáo sư, Phó giáo sư tăng từ 526 người năm 1997 lên 2.286 người năm 2009 (gấp 4,5 lần).
Trong tổng số 61.190 giảng viên giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng, có 2.286 người có chức danh Giáo sư, Phó giáo sư, chiếm tỷ lệ 3,7%; có 6.217 người có trình độ tiến sĩ, chiếm tỷ lệ 10,2%; cú 24.831 người có trình độ thạc sĩ, chiếm tỷ lệ 40,6%.
Như vậy, số giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên đang trực tiếp giảng dạy tại các trường cao đẳng, đại học là 31.048 người, chiếm tỷ lệ 50,7%. Số giảng viên chưa có trình độ trên đại học là 49,3% so với tổng số giảng viên.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện kế hoạch đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ cho giảng viên các trường đại học, cao đẳng với quy mô ngày càng tăng. Trong 10 năm, từ năm 2000 đến 2009 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cử 8.371 lưu học sinh đi học nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước và Hiệp định (trong đó đi học tiến sĩ là 2.364 người, thạc sĩ là 1.645 người, thực tập sinh là 899 người và đại học là 3.463 người); bình quân 1 năm cử trên 830 lưu học sinh đi học nước ngoài. Riêng năm 2009 đó cử được gần 1.300 người đi học nước ngoài, trong đó 857 người học tiến sĩ, thạc sĩ, thực tập sinh bằng nguồn ngân sách nhà nước, không kể các nguồn khác.
2. Về vấn đề phòng, chống tham nhũng trong giáo dục
Ngay sau khi Luật phòng, chống tham nhũng (PCTN) được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 29 thỏng 11 năm 2005, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Chương trình hành động của Bộ thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng, trong đó xác định rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, cách thức và phương pháp tổ chức thực hiện; có văn bản hư¬ớng dẫn toàn ngành thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến Luật phòng, chống tham nhũng; đồng thời thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Luật PCTN do Bộ trưởng làm trưởng ban.
Công tác thanh tra phòng, chống tham nhũng ở Bộ Giáo dục và Đào tạo được giao cho Thanh tra Bộ chủ trì. Hàng năm, Thanh tra Bộ đã xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra công tác phòng chống tham nhũng trên cơ sở hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ và lồng ghép một số nội dung khác như: thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật Khiếu nại tố cáo; thực hiện “Quy chế công khai đối với cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân”. Chỉ đạo các Sở giáo dục và đào tạo và các cơ sở giáo dục trực thuộc chủ động xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra công tác PCTN tại cơ sở mình.
Để tăng cường công tác thanh tra PCTN, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập Phòng thanh tra Hành chính - Phòng chống tham nhũng (HC-PCTN) của Thanh tra Bộ. Phòng thanh tra HC-PCTN đã tập trung thanh tra công tác triển khai thực hiện Luật PCTN, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật Khiếu nại tố cáo và thực hiện công khai ở các đơn vị trực thuộc Bộ.
Chỉ tính từ đầu năm 2009 đến nay, Bộ đã tiến hành thanh tra hành chính phòng, chống tham nhũng 35 đơn vị và hàng chục cuộc thanh tra chuyên ngành khác. Nhìn chung các cuộc thanh tra đã góp phần giúp các cơ sở giáo dục thấy rõ được những ưu điểm và những hạn chế, thiếu sót trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ; chấn chỉnh các hoạt động ở tất cả các khâu, kịp thời khắc phục những sai sót và xử lý những hành vi vi phạm pháp luật.
Một số hạn chế, tồn tạị:
- Trong dạy thêm, học thêm: Quản lý về dạy thêm, học thêm trước đây chưa được chặt chẽ, dẫn đến dạy thêm, học thêm tràn lan ở nhiều địa phương, nhất là ở khu vực thành phố, thị xã. Cá biệt, có một số nhà giáo đã cắt giảm chương trình chính khóa theo quy định để đưa vào dạy thêm, bắt ép học sinh phải học thêm để vụ lợi. Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản Quy định dạy thêm, học thêm, trong đó quy định rõ nguyên tắc tổ chức, trách nhiệm quản lý của UBND các cấp, của các cơ quan quản lý và của người đứng đầu các cơ sở giáo dục, công tác quản lý về dạy thêm, học thêm đó có nhiều tiến bộ, tuy nhiên, vẫn cần phải tiếp tục chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của Bộ.
- Trong việc tuyển sinh đầu cấp thường xảy ra vi phạm ở các khâu: gian lận về hồ sơ; tiêu cực trong việc tuyển sinh trái tuyến ở khu vực thành phố, thị xã; gian lận về các điều kiện xét tuyển, đặc biệt trong công tác cử tuyển; tổ chức ôn luyện thi vào đại học, vào các lớp đầu cấp trái phép, thu học phí cao tạo ra tâm lý lo âu đối với các bậc cha mẹ học sinh và học sinh.
- Trong việc thực hiện các khoản thu, vi phạm chủ yếu là: một số trường tự đặt ra các khoản thu đầu năm, đầu cấp ngoài quy định; mượn danh nghĩa Hội cha mẹ học sinh và gây quỹ các đoàn thể để ép các bậc cha mẹ học sinh và học sinh đóng góp; thực hiện thu học phí của các lớp không chính quy, trong đó việc quản lý và sử dụng các nguồn kinh phí này còn tồn tại những bất hợp lý.
- Trong đầu tư xây dựng trường học, mua sắm trang thiết bị dạy học cũng có những sai phạm trong khâu lập dự toán đầu tư, trong đấu thầu mua sắm, trong việc áp dụng đơn giá vật liệu... Ngoài ra một bộ phận nhà giáo, cán bộ trong ngành vì vụ lợi cá nhân nên đã có hành vi mua bằng, bán điểm; cho lên lớp không đủ điều kiện.
Một số hành vi tham nhũng xảy ra trong lĩnh vực giáo dục tuy không phổ biến, thiệt hại về kinh tế không nhiều, song đó gây nên hậu quả xấu về nhiều mặt, phần nào làm giảm uy tín của ngành, cũng như uy tín và danh dự của các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, giảm sút lòng tin của nhân dân.
Những vụ vi phạm liên quan đến tham nhũng trong ngành được phát hiện đều đã bị xử lý (có phụ lục kèm theo).
Nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế: Việc triển khai thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng và Chương trình phòng, chống tham nhũng ở một số cơ sở giáo dục còn chưa đáp ứng yêu cầu. Một bộ phận nhà giáo, cán bộ trong ngành ý thức tự học, tự bồi dưỡng và rèn luyện chưa cao; Do ảnh hưởng mặt trái của cơ chế thị trường. Hệ thống chính sách, pháp luật về giáo dục chưa đầy đủ, chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được những đòi hỏi đang đặt ra đối với giáo dục; thiếu phối hợp, phân công chặt chẽ giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố.
Để khắc phục các hành vi tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục, ngoài tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra Bộ Giáo dục và Đào tạo còn tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp khác. Cụ thể:
- Đi đôi với công tác PCTN, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; thực hiện Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg ngày 8/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục; cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”; phát động cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Các cuộc vận động và phong trào thi đua đó làm chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của mỗi thầy cô giáo và học sinh, nhằm phát huy tích cực, hạn chế tiêu cực.
- Ban hành hệ thống các văn bản quy định: Quy định dạy thêm, học thêm; Quy định về đạo đức nhà giáo; Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân; Chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học, giáo viên trung học; Chuẩn hiệu trưởng các trường phổ thông.
- Đặc biệt để thực hiện công khai minh bạch, tăng cường trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục góp phần hạn chế và đẩy lùi tham nhũng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư về Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân, với các nội dung: (1) Công khai cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng thực tế (2) Công khai điều kiện đảm bảo chất lượng cơ sở giáo dục (3) Công khai thu, chi tài chính. Đồng thời, các cơ sở giáo dục tổ chức thực hiện 4 kiểm tra (kiểm tra mức chi cho giáo dục từ ngân sách địa phương, kiểm tra việc thu và sử dụng học phí, kiểm tra sử dụng ngân sách cho giáo dục, kiểm tra việc thực hiện kiên cố hóa trường, lớp và xây nhà công vụ) góp phần tạo điều kiện cho đổi mới quá trình phát triển giáo dục, đặc biệt là giáo dục phổ thông và mầm non. Đến nay, 100% các cơ sở giáo dục đã thực hiện công khai theo quy định, trong đó có 376 trường đại học, cao đẳng đã thực hiện 3 công khai trên mạng thông tin của đơn vị và của Bộ. Đây là những thông tin rất thiết thực cung cấp cho học sinh và các bậc cha mẹ học sinh biết, đồng thời cũng là kênh quan trọng để các cơ sở giáo dục chịu sự giám sát của xã hội.
Bộ GD&ĐT