Với nội dung này, Bộ GD&ĐT cho biết, tiếp thu ý kiến của đại biểu, đồng thời nỗ lực phối hợp với các bộ, ngành nhằm tiếp tục hỗ trợ các địa phương để đầu tư về cơ sở vật chất, cụ thể như sau:
Bộ GD&ĐT đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển GD&ĐT giai đoạn 2019 - 2025. Ban hành Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT thay thế Thông tư số 29/2018/TT-BGDĐT, quy định cụ thể nguyên tắc, nội dung, hình thức, quy trình vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng tài trợ; quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, bảo đảm đúng mục tiêu, ý nghĩa và việc quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực tài trợ trong lĩnh vực giáo dục. Đây là cơ sở pháp lý để địa phương, cơ sở đào tạo huy động nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước, đầu tư phát triển cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học cho nhà trường.
Để hỗ trợ các địa phương tăng cường cơ sở vật chất trường lớp học, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc kéo dài một số chương trình, đề án hỗ trợ trang thiết bị, cơ sở vật chất trường lớp học như: Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên; Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, dân tộc thiểu số và vùng khó khăn giai đoạn 2016 - 2020; Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 - 2025.
Về công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục: Chính phủ đã quan tâm, bố trí ngân sách để triển khai thực hiện theo các quy định tại Nghị định số 101/NĐ-CP của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; Thông tư số 01/2018/TT-BNV của Bộ Nội vụ hướng dẫn một số điều của Nghị định số 101. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 732/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025” và Quyết định số 33/QĐ- TTg phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non giai đoạn 2018 - 2025”. Đây là cơ sở pháp lý để bố trí ngân sách và huy động các nguồn lực từ Trung ương, địa phương để thực hiện công tác đào tạo giáo viên.
Bộ GD&ĐT kính đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi có ý kiến đề nghị UBND tỉnh căn cứ vào các văn bản trên, xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí thực hiện. Đồng thời bố trí ngân sách địa phương, lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia, trái phiếu Chính phủ và huy động nguồn lực xã hội hóa để phát triển GD&ĐT, tăng mức đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học cho nhà trường, bố trí ngân sách cho công tác bồi dưỡng giáo viên nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kĩ năng nghề đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.