"3 cứng" ở vùng khó
Không kể đến những trường học thuận lợi, chuẩn bị CSVC ở các trường học vùng khó đang phải đối mặt với không ít khó khăn. Theo ông Phạm Hùng Anh (Cục trưởng Cục CSVC, Bộ GD&ĐT), việc mua sắm trang thiết bị dạy học không khó bằng bố trí phòng học, đầu tư CSVC cho trường học. Bởi vấn đề này cần nhiều tiền, thời gian triển khai lâu hơn.
Thống kê của Cục CSVC cho thấy, tỷ lệ phòng học/lớp ở cấp tiểu học trong mặt bằng chung của cả nước đã đạt khoảng 95% (tương đương 0,95 phòng học/lớp), nghĩa là còn thiếu khoảng 5% phòng học nữa. Khó khăn về phòng học hiện nay rơi chủ yếu ở 2 vùng: Nơi điều kiện kinh tế khó khăn và thành phố lớn (thiếu quỹ đất mở rộng trường học, xây thêm lớp học).
Trong tổng số 95% phòng học hiện có, chỉ 75% là kiên cố, còn lại là dạng nhà cấp 4 và tranh tre nứa lá, tập trung chủ yếu ở các vùng khó khăn. Trước mắt những phòng học này tạm thời vẫn sử dụng được dù chưa bảo đảm các tiêu chuẩn.
Để khắc phục tình trạng trên, Bộ GD&ĐT đã trình Chính phủ phê duyệt đề án bảo đảm CSVC cho trường học, trong đó có hỗ trợ nguồn kinh phí từ trái phiếu Chính phủ, để giúp các địa phương xóa bỏ phòng học tranh tre nứa lá. Ví dụ, giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ đã chi 6.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2021 - 2025, Bộ tiếp tục kiến nghị Chính phủ và Quốc hội hỗ trợ kinh phí để các địa phương thực hiện công việc này.
Về cơ bản khi triển khai Chương trình và SGK mới, cả nước có đủ phòng học cho học sinh lớp 1. Những trường còn thiếu phòng học, do học sinh lớp 2 chưa bắt buộc học 2 buổi/ngày nên ưu tiên phòng học cho lớp 1. “Tuy nhiên, các địa phương cần có kế hoạch bổ sung, để đến năm 2021 khi lớp 2 bước vào bắt buộc thực hiện học 2 buổi/ngày là phải đủ phòng học. Các địa phương sẽ còn 3 - 4 năm để chuẩn bị hoàn thiện phòng học cho cấp tiểu học. Theo tôi, nếu không vào cuộc quyết liệt thì nguy cơ không đủ phòng học cho cấp tiểu học ở những nơi còn thiếu là thấy rõ”, ông Phạm Hùng Anh nhận định.
Qua công tác chuẩn bị CSVC cho Chương trình GD phổ thông mới, lãnh đạo Cục CSVC cho biết, nhiều địa phương đã có những cách làm rất tốt. Chẳng hạn, ở các tỉnh miền núi, khi suất đầu tư để xây dựng phòng học cao, kinh phí dành cho đầu tư lại thấp, có địa phương đã dùng giải pháp “xây dựng phòng học đạt 3 cứng” (nền cứng, tường cứng và mái cứng). “Năm 2019, khi đi thực tế lên một huyện rất khó khăn thuộc tỉnh Điện Biên, trao đổi về vấn đề này, đồng chí chủ tịch huyện khẳng định: “Chúng tôi đủ phòng học cho cấp tiểu học”. Ở đó, huyện đã đầu tư phòng học “3 cứng” và có thể sử dụng trong vòng 15 - 20 năm với suất đầu tư khoảng 40 - 50 triệu đồng/phòng học”, ông Phạm Hùng Anh chia sẻ.
Để giảm chi phí kiên cố hóa trường học “3 cứng”, địa phương và nhà trường đã huy động GV, phụ huynh HS... cùng tham gia xây dựng lớp học. Số tiền 40 - 50 triệu đồng đó chủ yếu để mua nguyên vật liệu xây dựng.
Ưu tiên cho lớp 1
Để giải quyết vấn đề thiếu phòng học cho việc triển khai lớp 1 theo chương trình mới, trong tình hình dịch bệnh Covid-19, Cục trưởng Cục CSVC cho rằng cần thiết là sự linh hoạt, sáng tạo của địa phương. “Ở góc độ quản lý lĩnh vực CSVC cho trường học, Bộ khuyến nghị địa phương cần ưu tiên hoàn thành công trình phòng học cho lớp 1, những công trình khác trong trường học có thể giãn tiến độ, sau đợt dịch bệnh có thể tính toán triển khai tiếp”, ông Phạm Hùng Anh nhấn mạnh. Nếu việc đầu tư CSVC cho trường học không tính đến một cách linh hoạt, cứ theo kế hoạch, rất có thể công trình xây dựng cần hoàn thành trước lại hoàn thành sau.
“Chuẩn bị cho năm học sắp tới, công tác rà soát lại đầu tư CSVC trường học cho việc triển khai Chương trình GD phổ thông mới phải ưu tiên cho lớp 1 trước, bảo đảm mỗi lớp có một phòng học”.
Ông Phạm Hùng Anh
Chẳng hạn, trường học lên kế hoạch cải tạo sửa chữa nâng cấp CSVC, trong đó có sửa chữa phòng học, phòng thực hành, khu hiệu bộ, tường rào... Thời gian được phê duyệt thực hiện các công trình như vậy có thể khác nhau. Theo lộ trình sẽ thực hiện đúng thời gian đã vạch ra, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh nên nhiều nội dung, phần việc có thể thay đổi. “Trên thực tế, các địa phương đã nắm được tinh thần triển khai đầu tư CSVC cho trường học. Đã có quy định phân cấp, phân trách nhiệm rất rõ ràng trong vấn đề này. Do đó, đến nay địa phương không thể kêu “chương trình như thế làm sao thực hiện được”, hay “CSVC thiếu thốn làm sao tiến hành được”... Nhìn chung, theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, cho tới thời điểm này các địa phương đều vào cuộc rất tốt để chuẩn bị tinh thần triển khai Chương trình GD phổ thông mới theo đúng kế hoạch, lộ trình” - Cục trưởng Cục CSVC nêu.