Tăng cường chính sách đặc thù cho cơ sở giáo dục mầm non độc lập

GD&TĐ - Còn nhiều bất cập cần tháo gỡ cho hệ thốngHệ thống các cơ sở giáo dục mầm non độc lập...

Học mà chơi của trẻ cơ sở GDMN tư thục ở Hà Nội.
Học mà chơi của trẻ cơ sở GDMN tư thục ở Hà Nội.

Hệ thống các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) độc lập đã chia sẻ gánh nặng cho các trường công lập, giúp giảm tải sĩ số học sinh/trường trên toàn hệ thống. Tuy nhiên còn nhiều bất cập cần tháo gỡ để hệ thống này đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực tiễn.

Nhiều khó khăn, bất cập

Theo thống kê của Vụ Giáo dục Mầm non, Bộ GD&ĐT, toàn quốc hiện có hơn 16 nghìn cơ sở GDMN độc lập dân lập và tư thục, trong đó hơn 1.200 nhóm trẻ độc lập có tối đa 7 trẻ... Thực tế cho thấy, hoạt động của nhóm trẻ, cơ sở GDMN độc lập đã tháo gỡ khó khăn cho những nơi mạng lưới cơ sở GDMN không đáp ứng được nhu cầu đưa trẻ đến trường.

Ngoài hỗ trợ lớn cho lực lượng lao động, nhất là lao động nữ tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, cơ sở GDMN độc lập còn gách vác trách nhiệm cùng xã hội trong việc đảm bảo quyền được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục của trẻ em. Tuy nhiên, cơ sở GDMN độc lập đang tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế từ công tác quản lý đến tổ chức hoạt động.

PGS.TS Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ GDMN (Bộ GD&ĐT) cho rằng đó là những khó khăn khách quan và chủ quan cần khắc phục. Cụ thể, việc phát triển hệ thống chưa được quan tâm sâu sát, tính toán đến phát triển trong tổng thể quy mô phát triển của GDMN từng địa phương.

Mặt khác, cơ sở GDMN độc lập nhiều nơi được thành lập với quy mô nhỏ không đảm bảo các điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục... Ở một số địa phương, cơ sở GDMN độc lập hoạt động không ổn định, thường xuyên có sự thay đổi địa điểm, cơ sở vật chất, đội ngũ... nên ảnh hưởng đến công tác quản lý và chất lượng hoạt động.

Đa số nhóm trẻ có quy mô nhỏ dưới 7 trẻ vẫn tổ chức và hoạt động tự phát, nằm rải rác trong các khu dân cư rất khó quản lý và chưa được quan tâm về chất lượng chăm sóc giáo dục. Nhân lực quản lý, hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn cho nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, mầm non độc lập tư thục chưa đảm bảo dẫn đến công tác chỉ đạo, hướng dẫn, thanh/kiểm tra, giám sát hoạt động chưa hiệu quả.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc, ông Phạm Khương Duy cho biết: Qua khảo sát thực tế địa phương, nhiều nơi cán bộ UBND xã (phường) phụ trách quản lý nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, mầm non độc lập tư thục là cán bộ văn hóa, phải kiêm nhiệm nhiều công việc và không có chuyên môn giáo dục nên khó khăn trong công tác chỉ đạo, kiểm tra. Bên cạnh đó, nhân lực Phòng GD&ĐT còn mỏng so với số lượng cơ sở GDMN trên địa bàn huyện (quận) nên không thể sát sao trong công tác quản lý.

Ông Vũ Đức Thọ, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định chia sẻ: Trường mầm non công lập trên địa bàn xã/phường có trách nhiệm hỗ trợ chuyên môn cho nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, mầm non độc lập tư thục. Song khối lượng công việc của cán bộ quản lý tại trường mầm non công lập rất lớn khó để bố trí quỹ thời gian dành cho việc hỗ trợ chuyên môn bên ngoài. Vì thế, trách nhiệm hỗ trợ của trường công lập cho cơ sở GDMN độc lập tồn tại những vướng mắc, hạn chế về nguồn lực.

Một cơ sở GDMN tư thục tại TP Vinh (Nghệ An).

Một cơ sở GDMN tư thục tại TP Vinh (Nghệ An).

Nâng “chất” bằng cách nào?

PGS.TS Nguyễn Bá Minh cho rằng không thể phủ nhận những đóng góp to lớn của hệ thống cơ sở GDMN độc lập, đặc biệt ở vùng Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Đông Nam Bộ. Các cơ sở GDMN độc lập đã giảm bớt gánh nặng và tình trạng quá tải cho cơ sở GDMN công lập nhiều địa phương, đóng góp vai trò lớn cho cấp học mầm non để huy động trẻ em ra lớp, mang lại tác động tích cực cho sự phát triển GDMN nói chung.

Nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở GDMN độc lập phát triển, những năm qua, Bộ GD&ĐT đã tham mưu Chính phủ, phối hợp cùng các bộ, ban, ngành ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quản lý tổ chức và hoạt động. Việc này nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý theo hướng cải cách thủ tục hành chính; sửa đổi một số quy định về tổ chức, hoạt động của cơ sở giáo GDMN để phù hợp hơn với thực tế, quan tâm đến thực hiện chương trình, nâng cao chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng giáo dục trẻ.

Tuy nhiên, để tạo sự đổi thay tích cực, giúp hệ thống các cơ sở GDMN độc lập phát triển lành mạnh, đáp ứng yêu cầu chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ tốt hơn nữa vẫn cần tăng cường các giải pháp phù hợp.

PGS Nguyễn Bá Minh đưa ra kiến nghị: Cần xây dựng, ban hành các chính sách hỗ trợ các cơ sở GDMN độc lập gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 để duy trì hoạt động, đảm bảo đời sống cho người lao động, giảm áp lực bỏ nghề của giáo viên mầm non. Điều đó cũng góp phần đảm bảo các điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ khi cơ sở hoạt động trở lại (hỗ trợ tín dụng, thuê mặt bằng, cơ sở vật chất, lương cơ bản cho giáo viên mầm non…).

Việc xây dựng, ban hành các chính sách đặc thù về loại hình cơ sở GDMN độc lập sẽ góp phần đảm bảo công bằng quyền lợi trong các chính sách về xã hội hóa như ưu đãi đất, cho thuê đất và tài sản công. Thêm nữa, cũng nên xem xét bổ sung phạm vi áp dụng bao gồm cả cơ sở GDMN độc lập trong Nghị định số 69/2008/NĐ-CP.

TS Nguyễn Ngọc Hiền - thành viên Tiểu ban GDMN, Hội đồng quốc gia GD&PT nguồn nhân lực cũng cho rằng cần có biện pháp khuyến khích một số tỉnh, thành phố (nơi có nhiều KCN, KCX, đông dân cư, vùng khó kinh tế đặc biệt khó khăn, mạng lưới cơ sở GDMN công lập không đáp ứng đủ) thí điểm triển khai cấp ngân sách hỗ trợ hoạt động chi thường xuyên cho cơ sở GDMN độc lập...

“Các địa phương cần thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với cơ sở GDMN độc lập tại khu vực có khu công nghiệp, khu vực đông dân cư, vùng khó khăn, dân tộc thiểu số... để đáp ứng tốt hơn công tác chăm sóc, nuôi dạy trẻ chất lượng...” - TS Nguyễn Ngọc Hiền cho biết.

Phó Vụ trưởng Vụ GDMN (Bộ GD&ĐT) Hoàng Thị Dinh cho biết: Chủ cơ sở GDMN độc lập hiện nay phần lớn không có chuyên môn về GDMN. Về cơ sở vật chất, có nơi được đầu tư tốt, nhưng nhiều nơi do nguồn lực hạn chế nên chưa đảm bảo các phòng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ theo quy định. Nhiều cơ sở GDMN độc lập chưa đảm bảo việc thực hiện Chương trình GDMN, nhu cầu nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ của cha mẹ trẻ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho trẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ