Nhiều khó khăn ở các cơ sở giáo dục mầm non độc lập tại Đồng Nai và Bình Dương

GD&TĐ - Ủy ban Văn hóa, Giáo dục giám sát hoạt động các cở sở GDMN độc lập tại Đồng Nai và Bình Dương, đoàn đã ghi nhận khó khăn ở các địa phương này.

Quang cảnh buổi làm việc.
Quang cảnh buổi làm việc.

Trong các ngày 22-23/9, Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với giáo dục mầm non (GDMN) tại khu công nghiệp, khu chế xuất” trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương. Những vấn đề đoàn giám sát quan tâm là việc xây dựng nhà trẻ đủ chuẩn, nguồn dự tuyển giáo viên, quy hoạch đất cho trường mầm non.

Đồng Nai mong được hỗ trợ.

Những năm qua trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư kinh phí, xây dựng cơ sở GDMN. Nhiều doanh nghiệp chủ động xây dựng trường mầm non có quy mô lớn, hoạt động phục vụ học sinh là con em công nhân lao động của công ty. Trẻ học tại các trường mầm non này, phụ huynh chỉ đóng một phần tiền ăn, còn lại công ty hỗ trợ 100% học phí và các khoản phụ thu khác.

Số lượng cơ sở GDMN ở khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện nay là 1.227 cơ sở, gồm: 201 trường mầm non công lập, 153 trường mầm non tư thục và 873 cơ sở GDMN độc lập. Tổng số trẻ mầm non ra lớp tại các cơ sở GDMN khu công nghiệp là: 142.531 trẻ, trong đó 25.171 trẻ nhà trẻ, 117.360 trẻ mẫu giáo, riêng trẻ mẫu giáo 5 tuổi là 42.554 trẻ. Tổng số giáo viên tại các cơ sở GDMN khu công nghiệp là 10.751 giáo viên, trong đó 4.394 giáo viên công lập, 2.517 giáo viên tư thục, 3.840 giáo viên tại các cơ sở GDMN độc lập.

Tuy nhiên hiện nay, ở những địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp như thành phố Biên Hòa, huyện Trảng Bom, Nhơn Trạch... số lượng cơ sở GDMN độc lập phát triển mạnh do nhu cầu trẻ mầm non ra lớp tăng nhanh hàng năm.

Trẻ tại các khu vực này đa phần là con công nhân lao động, mức thu học phí thường không cao, dao động từ 1.200.000 - 1.800.000 đồng/tháng. Kinh phí huy động từ nguồn xã hội hóa hạn chế, kinh phí đầu tư, cải tạo cơ sở vật chất hàng năm không nhiều, vì thế vẫn còn nhiều cơ sở xuống cấp chưa kịp thời khắc phục, trang thiết bị dạy học, đồ dùng đồ chơi chưa đủ theo quy định.

Tại một cơ sở GDMN độc lập tư thục khu công nghiệp ở Đồng Nai.

Tại một cơ sở GDMN độc lập tư thục khu công nghiệp ở Đồng Nai.

Đặc biệt, tác động của sự suy thoái kinh tế/dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến đầu tư nguồn lực bảo đảm cho giáo dục đào tạo nói chung và GDMN ngoài công lập, khu công nghiệp nói riêng. Do thời gian ngừng hoạt động kéo dài, các cơ sở GDMN ngoài công lập không có nguồn thu ổn định, vì thế kinh phí đầu tư, bảo dưỡng cơ sở vật chất, bổ sung đồ dùng dạy học, đồ chơi hạn chế, dẫn đến một số đơn vị chưa bảo đảm tốt môi trường giáo dục cho trẻ. Hiện toàn tỉnh thiếu 712 giáo viên theo quy định, số giáo viên đăng ký tuyển dụng hàng năm không đáp ứng đủ nhu cầu thực tế còn thiếu, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng tổ chức hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ.

Đồng Nai kiến nghị Chính phủ tiếp tục ban hành chính sách đặc thù xây dựng trường, lớp mầm non ở khu công nghiệp, khu chế xuất, để giải quyết các vấn đề về quỹ đất cho GDMN và các vấn đề liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của doanh nghiệp khi đầu tư xây dựng và hỗ trợ kinh phí cho con em công nhân đang làm việc trong khu công nghiệp, khu chế xuất và biên chế giáo viên, chế độ chính sách hỗ trợ các cơ sở GDMN độc lập. Tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng cơ chế phối hợp trong thực hiện xây dựng “Thiết chế công đoàn” để bảo đảm các thủ tục thống nhất, tạo điều kiện cho địa phương triển khai, thực hiện.

Bình Dương chủ động tháo gỡ khó khăn

Tỉnh Bình Dương hiện có 41 khu công nghiệp, cụm công nghiệp (KCN-CCN), phân bổ dàn trải trên 9/9 huyện, thị xã, thành phố. Tính đến năm học 2021 - 2022, Bình Dương có 1.021 cơ sở GDMN ở KCN - CCN, trong đó 119 trường công lập, 323 trường tư thục, 579 cơ sở độc lập tư thục. Tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi nhà trẻ đạt 27,03% (20.453/75.679 trẻ), trẻ mẫu giáo 69,57% (89.152/128.147 trẻ), trẻ mẫu giáo 5 tuổi đạt 90,40% (32.210/35.629 trẻ).

Các thành viên đoàn kiểm tra và các cháu cơ sở mầm non độc lập An Bình.

Các thành viên đoàn kiểm tra và các cháu cơ sở mầm non độc lập An Bình.

Để giải quyết vấn đề trường, lớp mầm non tại các KCN, những năm qua Bình Dương đã có chính sách thu hút đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non, đặc biệt là trường, lớp mầm non KCN. Cụ thể, căn cứ Đề án “Hỗ trợ phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020” (Đề án 404) của Chính phủ, Bình Dương ban hành quyết định thành lập Ban điều hành Đề án của tỉnh và hàng năm đều ban hành Kế hoạch phân công các sở, ban ngành phối hợp thực hiện.

Chủ động tháo gỡ khó khăn, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương có KCN-CCN tổ chức triển khai thực hiện một số nội dung, giải pháp trong công tác lập quy hoạch, dành quỹ đất, xây dựng danh mục đầu tư xây dựng mới bổ sung hoặc xây dựng thay thế, mở rộng quy mô các trường mầm non. HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết hỗ trợ đồ dùng, thiết bị dạy học đối với cơ sở GDMN độc lập dân lập, tư thục ở địa bàn có KCN-CCN; trợ cấp đối với trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại KCN-CCN; hỗ trợ tiền đối với giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có KCN-CCN…

Phó Vụ trưởng Vụ GDMN, Bộ GD&ĐT phát biểu ý kiến tại buổi làm việc.

Phó Vụ trưởng Vụ GDMN, Bộ GD&ĐT phát biểu ý kiến tại buổi làm việc.

Các địa phương phát triển KCN-CCN chủ động thực hiện công tác dự báo quy mô phát triển giáo dục, quy hoạch đất dành cho giáo dục, đồng thời công khai đất quy hoạch, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng trường lớp mầm non phát triển ổn định, bền vững. Công tác xã hội hóa giáo dục về GDMN đã nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương qua các chính sách cụ thể, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, các ngành Y tế, Lao động, Thương binh và Xã hội… cũng đồng hành với ngành giáo dục tham gia quản lý chặt chẽ các cơ sở GDMN độc lập.

Để tạo sự công bằng trong việc hỗ trợ chính sách phát triển, tỉnh Bình Dương đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu các chế độ, chính sách hỗ trợ trẻ là con công nhân, người lao động trong các nhà máy, xí nghiệp nhỏ lẻ… ngoài KCN-CCN; có chính sách hỗ trợ cơ sở giáo dục loại hình trường tư thục, vì một số trường sau thời gian nghỉ do dịch bệnh Covid-19 khi hoạt động trở lại gặp nhiều khó khăn. Tiếp tục có thêm các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào GDMN tại các KCN-CCN như: Tăng mức vay ưu đãi, vay vốn không lãi suất, miễn, giảm thuế… để đáp ứng nhu cầu gửi con của công nhân, người lao động.

Ghi nhận kiến nghị

Đồng chí Hoàng Thị Dinh, Phó Vụ trưởng Vụ GDMN – Bộ GD&ĐT ghi nhận: "2 tỉnh Đồng Nai và Bình Dương đã có nhiều nỗ lực trong việc phát triển mạnh GDMN ngoài công lập, đặc biệt KCN-CCC. Tuy nhiên, cần tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát của các cấp để bảo đảm an toàn, nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến từ địa phương và Đoàn giám sát, sẽ kịp thời báo cáo, tham mưu để Bộ GD&ĐT bổ sung hướng dẫn kịp thời về những vướng mắc, khó khăn trong thực hiện Nghị định 105".

Phó Vụ trưởng Hoàng Thị Dinh đưa ra dẫn chứng như: Quy định giáo viên hưởng chính sách phải có trình độ chuẩn đào tạo chức danh giáo viên mầm non theo quy định, tuy nhiên hiện nay đang thực hiện lộ trình nâng chuẩn trình độ đào tạo GVMN theo Nghị định 71, Bộ đã có Kế hoạch 681 về nâng chuẩn trình độ đào tạo nhà giáo giai đoạn 1 (2020 - 2025); Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành Thông tư 29 về việc ngưng hiệu lực về quy định chuẩn trình độ đào tạo tại một số Thông tư do Bộ GDĐT ban hành. Đề nghị Sở GDĐT tham mưu UBND tỉnh thực hiện theo quy định tại NĐ 71, KH 681, Thông tư 29 để GVMN được nâng chuẩn trình độ đào tạo theo lộ trình, bảo đảm cho GVMN được hưởng chính sách theo NĐ 105 theo quy định.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa đã ghi nhận và chia sẻ với những khó khăn của các tỉnh khi áp lực gia tăng dân số cơ học, kéo theo đó là một loạt thách thức về chỗ ở, chỗ học tập, chăm sóc sức khỏe... Tình trạng thiếu lớp học, thiếu giáo viên, tỷ lệ trẻ em/lớp cao. Vì thế, cần có giải pháp cả trước mắt và lâu dài để giữ chân các cô giáo, duy trì các điểm nhóm trông trẻ, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, để công nhân yên tâm gắn bó với doanh nghiệp, với địa phương...

"Tạo điều kiện để người lao động có chỗ gửi con là câu chuyện mà Biên Hoà và Đồng Nai phải tính. Bởi khi thu hút lao động từ các địa phương khác, lực lượng này giúp chúng ta phát triển. Nếu chúng ta quan tâm giáo dục tốt thì chúng ta giữ chân được nguồn lực lao động có chất lượng, được đào tạo và ổn định lâu dài" - bà Mai Hoa nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.