Tìm giải pháp gỡ khó cho cơ sở giáo dục mầm non độc lập

GD&TĐ - Chiều ngày 17/12, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh, Tiểu ban GD Mầm non, Hội đồng Quốc gia GD và phát triển nguồn nhân lực -đã họp bàn giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động ở các cơ sở GDMN.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu tại hội thảo.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu tại hội thảo.

Tham dự có đại diện các Sở GD&ĐT, các trường ĐH, CĐ có đào tạo Giáo dục Mầm non (GDMN) trên cả nước. Từ thực tế hoạt động tại địa phương, các đại biểu đã góp ý về giải pháp nâng cao chất lượng tổ chức hoạt động của cơ sở GDMN, quan tâm đến cơ sở GDMN độc lập tư thục.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho biết: Hiện nay toàn quốc có 16.013 cơ sở GDMN độc lập dân lập và tư thục. Các cơ sở GDMN được thành lập theo nhu cầu của người dân, đặc biệt ở các vùng đông dân cư, phát triển nóng về khu công nghiệp, khu chế xuất. Các cơ sở GDMN độc lập đã góp phần giảm bớt gánh nặng và tình trạng quá tải cho cơ sở GDMN công lập ở nhiều địa phương, đóng góp vai trò rất lớn cho cấp học mầm non cũng như hỗ trợ rất lớn cho lực lượng lao động cống hiến cho xã hội. Do đó, việc tồn tại các cơ sở GDMN độc lập là tất yếu.

Tham luận của TS Nguyễn Ngọc Hiền, thành viên tiểu ban GD Mầm non.
Tham luận của TS Nguyễn Ngọc Hiền, thành viên tiểu ban GD Mầm non.

Tuy nhiên, các cơ sở GDMN độc lập thường nằm trong khu vực nhà dân rất khó quản lý. Các điều kiện đảm bảo chất lượng như điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ còn rất hạn chế, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, không đảm bảo về công bằng và quyền lợi cho trẻ em. Tình hình thiên tai, dịch bệnh kéo dài đặc, biệt là dịch Covid 19 ảnh hưởng tới nguồn thu của cơ sở GDMN độc lập, gây mất ổn định trong tổ chức hoạt động, đặc biệt vấn đề duy trì nguồn giáo viên để nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em đảm bảo chất lượng. Chính vì vậy, việc nâng cao chất lượng của các cơ sở GDMN độc lập cần được quan tâm.

Bộ GD&ĐT mong muốn qua Hội thảo với chủ đề “Giải pháp nâng cao chất lượng tổ chức, quản lý hoạt động các cơ sở GDMN độc lập”, từ thực tế hoạt động tại các địa phương, các đại biểu trao đổi  hết sức thẳng thắn và tích cực để có được những giải pháp hữu ích cho việc nâng cao chất lượng nuôi dạy ở các cơ sở GDMN độc lập, góp phần khắc phục những hạn chế, đảm bảo quyền lợi cho trẻ em, giúp cha mẹ trẻ em yên tâm công tác cống hiến cho xã hội. - Thứ trưởng Ngô Thị Minh đặc biệt nhấn mạnh: 

Theo Vụ GD Mầm non, hoạt động của những cơ sở GDMN độc lập đã bộc lộ những khó khăn hạn chế trong quản lý tổ chức. Việc phát triển hệ thống cơ sở GDMN độc lập chưa được quan tâm sâu sát, tính toán việc phát triển trong tổng thể quy mô phát triển của GDMN từng địa phương.

Cơ sở GDMN độc lập ở nhiều địa phương được thành lập với quy mô nhỏ không đảm bảo các điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ. Ở một số địa phương, cơ sở GDMN độc lập hoạt động không ổn định, thường xuyên có sự thay đổi về địa điểm, cơ sở vật chất và đội ngũ nên ảnh hưởng đến công tác quản lý và chất lượng hoạt động.

Tham luận tại Hội nghị, các đại biểu đều ghi nhận những năm qua, Bộ GD&ĐT đã tham mưu Chính phủ, phối hợp với các bộ, ban, ngành ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ công tác quản lý và đảm bảo chất lượng cơ sở GDMN độc lập, quy định cụ thể tổ chức và hoạt động cơ sở GDMN độc lập để phù hợp hơn với thực tế; cải cách thủ tục hành chính; quan tâm đến việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non, nâng cao chất lượng nuôi dưỡng chăm sóc giáo dục trẻ.  

Các ý kiến kiến nghị với Bộ GD&ĐT kịp thời xây dựng, ban hành các chính sách hỗ trợ các cơ sở GDMN độc lập gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch covid-19 để duy trì hoạt động và đảm bảo đời sống cho người lao động, giảm áp lực bỏ nghề của giáo viên mầm non, đảm bảo các điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ khi cơ sở hoạt động trở lại (hỗ trợ tín dụng, thuê mặt bằng, hỗ trợ cơ sở vật chất, hỗ trợ lương cơ bản cho giáo viên mầm non…).

Các đại biểu phát biểu ý kiến tại các điểm cầu địa phương
Các đại biểu phát biểu ý kiến tại các điểm cầu địa phương

Xây dựng, ban hành các chính sách đặc thù về loại hình cơ sở GDMN độc lập, đảm bảo công bằng về quyền lợi đối với các cơ sở GDMN độc lập trong các chính sách về xã hội hóa như ưu đãi đất, cho thuê đất và tài sản công; xem xét bổ sung phạm vi áp dụng bao gồm cả cơ sở GDMN độc lập trong Nghị định số 69/2008/NĐ-CP (về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường);

Quan tâm tới các chính sách về giáo viên, người chăm sóc trẻ em tại các cơ sở GDMN độc lập để hỗ trợ các điều kiện đảm bảo chất lượng của cơ sở GDMN độc lập tại một số vùng đặc thù; Khuyến khích một số tỉnh, thành phố (nơi có nhiều Khu công nghiệp, Khu chế xuất, đông dân cư, vùng khó kinh tế đặc biệt khó khăn, nơi mà mạng lưới cơ sở GDMN công lập không đáp ứng đủ) thí điểm triển khai cấp ngân sách hỗ trợ hoạt động chi thường xuyên cho cơ sở GDMN độc lập.

Hiện toàn quốc có 16.013 cơ sở GDMN độc lập dân lập và tư thục, trong đó có khoảng hơn 1200 nhóm trẻ độc lập có tối đa 7 trẻ. Cơ sở GDMN độc lập chủ yếu tập trung ở vùng Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Đông Nam Bộ, nơi có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX. Các cơ sở GDMN độc lập đã góp phần giảm bớt gánh nặng và tình trạng quá tải cho cơ sở GDMN công lập ở nhiều địa phương, đóng góp vai trò rất lớn cho cấp học mầm non để huy động trẻ em ra lớp, mang lại những tác động tích cực cho sự phát triển GDMN.  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.