Tháo gỡ khó khăn cho nông dân tiếp cận tín dụng
Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Thị Thanh Hương, Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang về tốc độ luật hóa sau khi triển khai Nghị quyết 42 kéo dài, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngay từ khi tổng kết, đánh giá Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cũng đã tiến hành tham khảo kinh nghiệm các nước đánh giá những quy định của pháp luật về tiền tệ, ngân hàng.
Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với các bộ, ngành để đánh giá những quy định của pháp luật có liên quan xử lý nợ xấu. Đồng thời tham mưu đề xuất cách thức luật hóa như thế nào để ban hành luật riêng hay quy định tại các luật hoặc quy định tại Luật các tổ chức tín dụng.
Về giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho nông dân tiếp cận tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, trên thực tế, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải thực hiện rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ, thời gian cấp tín dụng. Đồng thời tổ chức nhiều hội nghị kết nối giữa ngân hàng, doanh nghiệp và người dân ở các địa phương, qua đó nắm bắt thực tiễn,có sự tham gia của các ngân hàng trên địa bàn để xử lý những khó khăn, vướng mắc cho người dân.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang về các giải pháp ngăn chặn tín dụng đen, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, "tín dụng đen" là vấn đề được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 12 giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành để thực hiện các giải pháp hạn chế tín dụng đen.
Ngân hàng Nhà nước được giao nhiệm vụ tăng cường các kênh tiếp cận tín dụng chính thức. Thời gian vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã ban hành thông tư cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng, trong đó có một phần quy định về cho vay phục vụ nhu cầu của đời sống.
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang rà soát, sửa đổi cho áp dụng công nghệ vào hoạt động cho vay bằng việc cấp, lưu giữ hồ sơ để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Đồng thời ban hành thông tư riêng về tín dụng của công ty tài chính, trong đó quy định rất rõ về các quy định về đòi nợ, lãi suất.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng đa dạng hóa sản phẩm, triển khai các chính sách cho vay ở vùng sâu, vùng xa. Ngân hàng Nhà nước cũng chủ trì xây dựng chiến lược về tài chính toàn diện quốc gia, theo đó thì tất cả những đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc, cũng như những người yếu thế sẽ được quan tâm triển khai. Ngân hàng Nhà nước cũng phối hợp tích cực với Bộ Công an tổ chức các hội nghị về phòng, chống tín dụng đen tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Một điểm quan trọng nữa, Ngân hàng Nhà nước rất chú trọng truyền thông để bà con vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn hiểu được các chính sách tín dụng của Nhà nước, tín dụng cho hộ nghèo, đối tượng chính sách…
Ngân hàng Nhà nước đã triển khai một số chương trình trên truyền hình như Chương trình tiền khéo, tiền khôn; Chương trình tay hòm chìa khóa…, Trong đó nhiều những hướng dẫn để bà con có thể biết được những sản phẩm, dịch vụ ngân hàng.
Đối với câu hỏi của đại biểu Vũ Thị Hương, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang về tình trạng các tổ chức tín dụng báo cáo nợ xấu không đúng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quy định về pháp lý về phân loại các nhóm nợ và khi nào thì chuyển thành nợ xấu.
Đối với các tổ chức tín dụng phân loại nợ sai hoặc báo cáo không đúng với tình trạng của phần nợ, qua thanh tra phát hiện sẽ xử lý. Bên cạnh đó, Ngành ngân hàng có hệ thống thông tin tín dụng - là một công cụ rất là tốt để các tổ chức tín dụng có thể kiểm tra xem khách hàng có khoản nợ tổ chức tín dụng khác hay không, trên cơ sở đó phân loại nợ chuẩn xác.
Các khái niệm tiền ảo, tài sản ảo cần phải làm rõ
Trả lời chất vấn đại biểu Nguyễn Thành Công, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình về triển khai của đồng tiền kỹ thuật số, phân biệt giữa tiền ảo, tài sản ảo, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian qua trên phương tiện thông tin đại chúng cũng như dư luận rất quan tâm. Các khái niệm tiền ảo, tài sản ảo cần phải làm rõ.
Cụ thể, về tiền điện tử là đồng tiền pháp định, tức là đồng tiền của Ngân hàng trung ương phát hành dưới dạng tiền giấy, tiền xu. Thế nhưng khi một người có tiền giấy, tiền xu nhưng không cầm tiền giấy, tiền xu mà lưu giữ dưới dạng điện tử, các thiết bị điện tử như điện thoại di động hay mạng máy tính… Tiền điện tử có tỷ lệ 1-1 giữa tiền pháp định với tiền điện tử và được thanh toán tiền này.
Trên thực tế Ngân hàng Nhà nước đã có thông tư quy định là có ví điện tử, thực ra chính là tiền điện tử. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước cũng đang dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 101 thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó sẽ làm rõ khái niệm này.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, trên thực tế còn có khái niệm tiền ảo mà chúng ta vẫn hay nghe nhắc đến như đồng Bitcoin. Đây không phải là đồng tiền pháp định do ngân hàng trung ương của các nước phát hành mà là do các tổ chức trong khu vực tư nhân tạo ra bằng các thuật toán trên hệ thống mạng máy tính. Đối với đồng tiền này chỉ được thừa nhận trong một cộng đồng nhất định thôi. Ví dụ như cộng đồng game hay sàn công nghệ. Ở mỗi một quốc gia có cách thức quản lý khác nhau đối với loại tiền này.
Tại Việt Nam, Chính phủ cũng đã giao cho các bộ, ngành chức năng chủ trì nghiên cứu xây dựng hành lang pháp lý và Ngân hàng Nhà nước được giao vai trò phối hợp với các cơ quan chức năng. Về đồng tiền kỹ thuật số là đồng tiền pháp định do Ngân hàng trung ương phát hành nhưng dưới dang tiền điện tử chứ không phải là tiền giấy, tiền xu. Đồng tiền kỹ thuật số hiện nay các nước trên thế giới đang trong quá trình nghiên cứu và nhiều nước thì thử nghiệm.
Đối với Việt Nam, Chính phủ cũng giao cho Ngân hàng Nhà nước thành lập bộ phận nghiên cứu về đồng tiền kỹ thuật số này.
Đối với mobile money, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian qua thì các bộ, ngành cùng với Ngân hàng Nhà nước đã tham mưu trình Chính phủ để tổ chức triển khai mobile money. Hiện, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận cho 3 doanh nghiệp viễn thông triển khai, tính đến cuối tháng 3 năm nay có khoảng 1 triệu tài khoản được mở tại các doanh nghiệp thí điểm, số lượng giao dịch đã đạt 8,5 triệu giao dịch.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng thông tin về tình hình phát triển điểm kinh doanh tiền mobile money và phát triển đơn vị chấp nhận thanh toán. Ngân hàng Nhà nước cùng với các bộ, ngành cũng theo dõi, đánh giá trị của đồng tiền này và sẽ tổng kết thí điểm để có thể tham mưu, đề xuất trong thời gian tới.