Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung – đoàn ĐBQH Hải Dương đề cập, theo quy định về luật giá và các văn bản hướng dẫn về giá sách giáo khoa do doanh nghiệp tự xây dựng và quyết định giá bán, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, phù hợp với phương án giá bán của sách giáo khoa và thực hiện kê khai với cơ quan có thẩm quyền là Bộ Tài chính trước khi đưa ra thị trường.
Như vậy, giá sách giáo khoa là do Bộ Tài chính chứ không phải từ Bộ GD&ĐT quy định, nhưng thời gian qua, trong dư luận, Bộ GD&ĐT phải hứng chịu nhiều than phiền. Do đó xảy ra thực tế là: Bộ này chịu trách nhiệm chất lượng sách giáo khoa, Bộ kia thẩm định giá, gây ra những vấn đề liên quan đến quản lý và trách nhiệm. Đại biểu đặt câu hỏi, Bộ trưởng có chia sẻ hay giải pháp gì về vấn đề giá sách giáo khoa mà nhân dân cả nước quan tâm.
Ngay sau phần chất vấn của đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung, đại biểu Châu Quỳnh Dao – đoàn ĐBQH Kiên Giang phản ánh: Hơn 2 năm trước, Uỷ ban Văn hoá Giáo dục, Bộ GD&ĐT có kiến nghị Bộ Tài chính tiến hành đánh giá, rà soát tổng thể tình hình triển khai Luật Giá để trình cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung sách giáo khoa vào danh mục Nhà nước định giá, nhưng đến nay Bộ chưa hoàn thành. Đại biểu đề nghị, Bộ trưởng cho biết nguyên nhân, trách nhiệm của Bộ và đến khi nào Bộ hoàn thành kiến nghị này để người dân yên tâm vì còn 2 tháng nữa học sinh bước vào năm học mới.
Trả lời về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay: Sách giáo khoa thuộc danh mục kê khai giá, nên quyền quyết định về giá là các nhà nhà xuất bản. Tinh thần là minh bạch, công khai Phụ huynh sẽ lựa chọn cơ sở nào chất lượng nhất, giá tốt nhất để mua. Nhà nước chỉ có thẩm định gía với sách giáo khoa hoặc sản phẩm được mua bằng ngân sách Nhà nước.
Cũng theo Bộ trưởng, việc đưa sách giáo khoa vào danh mục Nhà nước định giá thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan sẽ tham mưu với Chính Phủ. Chính phủ sẽ tham mưu với Quốc hội và Quốc hội quyết định có đưa vào Luật Giá hay không.