Phiên họp do Tiểu ban Giáo dục thể chất - Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực tổ chức dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi. Cùng dự có ủy viên Hội đồng, thành viên Tiểu ban và đại diện một số vụ/cục trực thuộc Bộ, các vị khách mời, chuyên gia, nhà khoa học.
Nhiều kết quả quan trọng
Ông Nguyễn Nho Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất cho biết, năm 2020, Bộ GD&ĐT đã phối hợp cùng các chuyên gia về dinh dưỡng và thể lực đã xây dựng mô hình điểm bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh và sinh viên Việt Nam.
Mục tiêu của mô hình điểm là nâng cao hiểu biết và thực hành dinh dưỡng hợp lý, tăng cường hoạt động thể lực phù hợp nhằm nâng cao sức khỏe, phát triển tầm vóc đối với trẻ mẫu giáo và học sinh Tiểu học.
Bộ GD&ĐT đã chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế cùng các bộ, ngành khác ban hành nhiều văn bản, kế hoạch liên ngành về bảo đảm dinh dưỡng cho trẻ em, học sinh, sinh viên. Phối hợp với ngành Y tế thực hiện tốt các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, phòng chống suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì cho trẻ em.
Cũng theo ông Nguyễn Nho Huy, Bộ GD&ĐT đã tăng cường chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, giáo dục về bảo đảm dinh dưỡng hợp lý cho trẻ em, học sinh, sinh viên để nâng cao nhận thức về tính cấp bách và tầm quan trọng của công tác này. Công tác truyền thông được tổ chức thông qua các hoạt động chuyên môn dưới nhiều hình thức phong phú.
Bộ GD&ĐT luôn quán triệt các cơ sở giáo dục đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục về bảo đảm dinh dưỡng hợp lý nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của CBQL, GVNV và học sinh trong việc thực hành dinh dưỡng hợp lý kết hợp với tăng cường hoạt động thể lực để nâng cao sức khỏe cho trẻ em, dự phòng các bệnh lý liên quan.
"Giáo dục dinh dưỡng là một nội dung quan trọng được Bộ GD&ĐT đưa vào dạy ở các nhà trường từ cấp Mầm non tới Đại học thông qua tích hợp, lồng ghép trong các môn học có liên quan và nhiều hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp. Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Y tế, Viện Dinh dưỡng triển khai Chương trình Giáo dục dinh dưỡng học đường tại nhiều địa phương", ông Huy nói thêm.
PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất cho rằng, cần nâng cao nhận thức về giáo dục dinh dưỡng thay vì chỉ chú trọng về giáo dục các môn văn hóa. Khi có đầy đủ sức khỏe và thể lực thì học sinh, trẻ em mới học tập tốt, phát huy được tính sáng tạo. Cần tổ chức các dịch vụ dinh dưỡng học đường và rèn thể lực cho học sinh.
"Chúng ta nên giảm nhẹ thời lượng các môn văn hóa, tăng cường về giáo dục thể chất nhất là vận động thể lực. Các bài học vận động cần được áp dụng cho học sinh trong giờ ra chơi và các môn học khác. Cần cải tiến phương pháp giáo dục thể chất trong nhà trường để tăng tính thực tế, rèn luyện thể lực cho trẻ. Cần có chính sách ưu đãi về thuế với nhà cung cấp thực phẩm cho các trường học...", ông Kỳ Anh đề xuất.
Tiếng nói từ chuyên gia
Trao đổi tại phiên họp, PGS.TS Bùi Thị Nhung - Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) cho hay, theo kết quả điều tra trên 75 trường phổ thông thuộc 25 xã/phường của TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Nghệ An và Sóc Trăng cho thấy:
Học sinh tiểu học ở thành phố có tỉ lệ thừa cân béo phì là 41,9% và nông thôn 17,8%, tỉ lệ thấp còi tương ứng là 3,9% và 10,7%. Như vậy, chiều cao của trẻ em thành phố sẽ cải thiện hơn và trẻ em nông thôn sẽ thấp hơn.
Vị chuyên gia kiến nghị, cần có một chính sách đồng bộ phối hợp các bộ ngành liên quan, có sự chỉ đạo tuyến từ Trung ương đến địa phương để có thể hỗ trợ các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, vật lực, kỹ năng và chuyên môn để thực hiên bữa ăn học đường.
"Việc xây dựng chính sách bữa ăn và hiện thực hóa chính sách, triển khai đúng theo đánh giá chuyên môn là quá trình lâu dài; trong đó không thể thiếu việc đào tạo nhân lực chuyên sâu như cử nhân dinh dưỡng tiết chế (mỗi quận/huyện 1 người). Để những người này có thể làm việc hỗ trợ nhà trường thì cần rất nhiều đào tạo nâng cao năng lực định kỳ, dần dần mới có được đội ngũ có kinh nghiệm", PGS.TS Bùi Thị Nhung nói.
Thầy thuốc nhân dân, PGS.TS Lê Bạch Mai - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, Bộ Y tế khẳng định, dinh dưỡng là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của học sinh, bao gồm cả thể chất và trí tuệ. Mỗi độ tuổi khác nhau, học sinh có nhu cầu dinh dưỡng khác nhau.
Vì vậy, cần cung cấp một chế độ dinh dưỡng đủ về số lượng, cân đối về chất lượng và đa dạng, phù hợp với độ tuổi sẽ giúp học sinh phát triển một cách tối ưu cả về thể lực và năng lực học tập đặc biệt là đối với sức khỏe, tầm vóc và dự phòng một số bệnh không lây nhiễm.
Một số nghiên cứu cho thấy, hoạt động thể lực đầy đủ có tác dụng giảm từ 20 - 40% nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư đại trực tràng và ung thư vú; cải thiện trí nhớ, kiểm soát cân nặng.
Do đó, cần xây dựng và cung cấp thực đơn đặc thù, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý theo vùng miền và thói quen ăn uống. Xây dựng các tiêu chuẩn về dinh dưỡng đối với bữa ăn học đường...
Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi nhấn mạnh, chúng ta phải đánh giá đúng thực trạng ở các cấp học và vùng miền, điều kiện thuận lợi và khó khăn thông qua các số liệu, khảo sát có đánh giá và được kiểm chứng bởi các cơ quan chuyên môn có thẩm quyền dựa trên các căn cứ khoa học.
Từ đó mới đưa ra các tiêu chí, quy chuẩn về chế độ dinh dưỡng và hoạt động thể lực cho học sinh trẻ em. Việc này cần sự vào cuộc của các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Y tế, Bộ Lao động, các trường Sư phạm; sau đó xây dựng mục tiêu, chỉ số mang tính định lượng.
Đặc biệt, chúng ta cần thay đổi về nhận thức từ gia đình, nhà trường và xã hội. Về mặt giải pháp, cần đẩy mạnh công tác truyền thông với nhiều phương pháp đa dạng. Xây dựng các mô hình tuyên truyền ở ngay khu dân cư, từng gia đình và nhà trường. Rèn luyện kỹ năng vận động cho học sinh ngay từ những công việc thường ngày ở gia đình và nhà trường.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi cho rằng, cần xây dựng được bộ công cụ, bộ tiêu chí, quy định về thực đơn, mô hình để mỗi gia đình, nhà trường phải thực hiện. Từ đó mới có căn cứ để kiểm tra, giám sát. Đặc biệt phải có mô hình triển khai phù hợp với vùng miền và lứa tuổi học sinh ở từng cấp Mầm non, Tiểu học, Trung học. Tiếp đó là các giải pháp về quản lý nhà nước trên cơ sở sự phối hợp giữa các bộ/ngành liên quan.