Giáo dục thể chất khó vì thiếu nhân, vật lực

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Giáo dục thể chất là môn bắt buộc giảng dạy từ lớp 1 trong Chương trình GDPT 2018, nhưng nhiều nơi đang gặp khó vì thiếu cả giáo viên lẫn sân bãi.

Học sinh Trường THCS Hải Xuân trong giải thi đấu Bóng bàn. Ảnh: TG
Học sinh Trường THCS Hải Xuân trong giải thi đấu Bóng bàn. Ảnh: TG

Thiếu cơ sở vật chất

Là một trong những trường đông nhất quận Hà Đông (Hà Nội) với 2 nghìn học sinh, Trường Tiểu học Nguyễn Du đang đối diện vấn đề thiếu giáo viên. Theo cô Ngô Thị Hồng Lương, Hiệu trưởng, điểm mới của Chương trình GDPT 2018 ở môn Giáo dục thể chất là học sinh được học 2 tiết/tuần.

Ngoài 3 thầy cô biên chế, nhà trường phải hợp đồng thêm 1 giáo viên Giáo dục thể chất mới tạm đủ nhân lực giảng dạy. Do không có quỹ đất nên điều kiện sân bãi không đảm bảo, việc giảng dạy Giáo dục thể chất còn nhiều khó khăn.

“Ở cấp tiểu học có khoảng 20% số trường có giáo viên chuyên trách môn Giáo dục thể chất. Đa số giờ học Giáo dục thể chất do giáo viên kiêm nhiệm giảng dạy nên chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu. Điều này cho thấy, công tác đào tạo nguồn nhân lực thể dục thể thao hiện nay nói chung và đào tạo giáo viên Giáo dục thể chất nói riêng còn nhiều hạn chế về số lượng, chất lượng.

Cơ cấu ngành nghề, trình độ, xã hội; cơ cấu vùng của nhân lực phục vụ công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học chưa hợp lý, dẫn đến tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ ở các địa phương”, TS Đỗ Xuân Duyệt thông tin.

“Thành phố chưa giao chỉ tiêu biên chế nên chúng tôi buộc phải hợp đồng thêm giáo viên để dạy Giáo dục thể chất, đảm bảo khung chương trình của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, thu nhập của giáo viên bộ môn này khi mới vào nghề chưa đầy 4 triệu đồng/tháng.

Nếu chỉ dựa vào lương, thầy cô không thể đủ sống nên rất khó tuyển, nếu tuyển được cũng khó giữ chân họ. Chúng tôi mong được tăng thêm chỉ tiêu biên chế và cải cách tiền lương để thu hút nhân sự, nếu không, thực trạng thiếu giáo viên còn dai dẳng”, cô Lương nói.

Nhiều năm gắn bó với bộ môn Giáo dục thể chất tại Trường THCS Đông La (Hoài Đức, Hà Nội), thầy Văn Công Thư cho rằng, điểm ưu việt của Chương trình GDPT 2018 chính là đặt vị trí, vai trò của các môn học ngang bằng nhau, không còn khái niệm “môn chính, môn phụ”.

Với môn Giáo dục thể chất, giáo viên được đào tạo bài bản trong trường đại học để có thể đáp ứng yêu cầu chuyên môn, chất lượng giảng dạy. Dù vậy, không phải trường nào cũng có đầy đủ điều kiện về sân bãi, trang thiết bị phục vụ việc dạy và học.

Thầy Thư trao đổi thêm, nếu sử dụng bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, ở môn Giáo dục thể chất, học sinh THCS sẽ được học các động tác vận động cơ bản theo từng chủ đề, trong đó có nội dung ném bóng. Phần thể thao tự chọn có bóng đá, cầu lông, bóng rổ để các em lựa chọn.

Để dạy các nội dung trên cần có sân đạt tiêu chuẩn về kỹ thuật cũng như an toàn cho học sinh. Ví dụ nội dung ném bóng, học sinh cần có đủ dụng cụ, sân đủ rộng để ném nhưng ít trường đáp ứng được điều kiện này, nhất là ở khu vực nội thành; hoặc có trường trang bị được cột bóng rổ nhưng thiếu bóng.

Giáo dục thể chất là môn bắt buộc và có tầm quan trọng đối với các nhà trường. Chia sẻ quan điểm, thầy Nguyễn Hải Sơn – Hiệu trưởng Trường THCS Hải Xuân (Hải Hậu, Nam Định) đồng thời nhìn nhận, đây là môn cần đầu tư lớn. Như nội dung bóng đá giảng dạy bắt buộc đối với lớp 9 năm học tới đòi hỏi phải đáp ứng đủ về số lượng giáo viên đứng lớp, được đào tạo cơ bản chuyên sâu và sân tập.

Tuy nhiên, theo thầy Sơn, đầu tư sân bãi và cơ sở vật chất là vấn đề bất cập hiện nay. Hiện nhiều trường không đủ điều kiện như đường chạy 100m, 600m cho học sinh, sân bóng chưa có. Vì vậy, các cơ sở giáo dục mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ để dạy các bộ môn như: Nhảy xa, nhảy cao, cầu lông, đá cầu, cờ vua... còn các môn điền kinh thì hạn chế không vì không đáp ứng được yêu cầu về cơ sở vật chất.

Học sinh Hà Nội tham gia thi đấu môn Bóng rổ tại một giải thể thao. Ảnh: TG

Học sinh Hà Nội tham gia thi đấu môn Bóng rổ tại một giải thể thao. Ảnh: TG

Bài toán tuyển dụng

Mấy năm nay, Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Manh (Nậm Nhùn, Lai Châu) “trắng” giáo viên Giáo dục thể chất. Do vậy, giáo viên văn hóa của trường phải kiêm nhiệm thêm môn Giáo dục thể chất và Tổng phụ trách Đội. Thầy Hiệu trưởng Phạm Quốc Bảo cho hay, toàn trường có 25 giáo viên giảng dạy cho tổng số 490 học sinh/3 điểm trường. Là trường vùng cao, điều kiện kinh tế khó khăn nên các thầy cô phải linh hoạt khi thực hiện giảng dạy.

“Trường chưa có nhà đa năng, mọi hoạt động của môn Giáo dục thể chất được tổ chức tại sân bóng nền đất rộng hơn 700m2 tại điểm trường chính hoặc sân trường các điểm lẻ. Hôm nào trời mưa, học sinh tập trong lớp.

Về trang thiết bị phục vụ giảng dạy môn Giáo dục thể chất được huyện đầu tư, trang cấp nên cơ bản đủ. Chỉ duy nhất vấn đề thiếu giáo viên đang gặp khó vì chưa tuyển được. Để gỡ khó, trước mắt nhà trường tổ chức cho thầy cô chủ nhiệm hoặc giáo viên dạy buổi 2 sang dạy môn Giáo dục thể chất”, thầy Bảo thông tin.

TS Đỗ Xuân Duyệt – Trưởng khoa Giáo dục thể chất, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh: NVCC

TS Đỗ Xuân Duyệt – Trưởng khoa Giáo dục thể chất, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh: NVCC

Tại Trường THCS Hải Xuân, căn cứ tình hình thực tế, giáo viên chủ động xây dựng kế hoạch giảng dạy từ đầu năm học. “Cốt lõi ở đây vẫn là chất lượng đội ngũ. Đã là giáo viên Giáo dục thể chất thì phải có sức khoẻ, chuyên môn tốt.

Để đáp ứng yêu cầu này, thầy cô cần bồi dưỡng và tập huấn thường xuyên nhưng đội ngũ hiện vẫn thiếu nên khó thực hiện. Chưa kể, để giúp các đơn vị đang thiếu giáo viên, nhà trường cử một số thầy cô đi dạy tăng cường môn Giáo dục thể chất. Do vậy, về lâu dài vẫn cần chiến lược từ các cấp để cải thiện tình trạng thiếu giáo viên và sân bãi”, thầy Sơn bày tỏ.

Trường Tiểu học và THCS Thượng Tiến (Kim Bôi, Hòa Bình) đảm bảo đủ giáo viên giảng dạy, sân chơi bãi tập và các thiết bị phục vụ môn Giáo dục thể chất theo quy định. Giáo viên dạy bộ môn được tham gia chương trình tập huấn chuyên môn hằng năm.

Tuy nhiên, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Hoàng cũng thừa nhận thực trạng tìm giáo viên nhiệt huyết “bám bản” vốn là bài toán khó nên để bổ sung, cân đối số giáo viên ở một số môn học theo Chương trình GDPT mới như Giáo dục thể chất càng khó hơn. Do đó, Nhà nước cần có cơ chế phù hợp nhằm thu hút, giữ chân giáo viên gắn bó dài lâu với nghề để đảm bảo chất lượng giáo dục.

Cô trò Trường THCS Lĩnh Nam (Hoàng Mai, Hà Nội) đang thực hành bộ môn Bơi. Ảnh: TG

Cô trò Trường THCS Lĩnh Nam (Hoàng Mai, Hà Nội) đang thực hành bộ môn Bơi. Ảnh: TG

Khó tuyển sinh

PGS.TS Đặng Văn Dũng – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thể dục thể thao Bắc Ninh cho hay, nhà trường đang gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh ngành Giáo dục thể chất do vướng quy định tại Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.

Nếu yêu cầu Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch phải đặt hàng, phân công việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp là điều rất khó. Thầy Dũng đề xuất, nên dựa theo nhu cầu của người học hoặc các đơn vị muốn đặt hàng để nhà trường thực hiện đào tạo ngành Giáo dục thể chất.

Còn theo TS Đỗ Xuân Duyệt – Trưởng khoa Giáo dục thể chất, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, trong Chương trình GDPT 2018, Giáo dục thể chất là môn học bắt buộc được thực hiện từ lớp 1 đến lớp 12, đảm nhiệm một trong bốn mặt giáo dục đức, trí, thể, mỹ. Cùng với sự đổi mới của hệ thống giáo dục, công tác đào tạo giáo viên dạy Giáo dục thể chất gắn liền với mục tiêu, yêu cầu của người học, cấp học. Vị trí, vai trò của Giáo dục thể chất được xã hội quan tâm nhiều hơn.

Thời gian qua, công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Giáo dục thể chất được nhiều cơ sở triển khai và có bước phát triển với nhiều loại hình, chất lượng đào tạo nâng cao. Giao lưu, hợp tác quốc tế về đào tạo tiếp tục được duy trì và phát triển, góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhiều học sinh, sinh viên, học viên, vận động viên đạt thành tích cao trong học tập, nghiên cứu khoa học.

Tuy nhiên, quy mô, cơ cấu, nhất là chất lượng và hiệu quả đào tạo chưa đáp ứng kịp thời đòi hỏi ngày càng cao về nhân lực phục vụ phát triển thể dục thể thao trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đặc biệt là đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục hiện nay. So với khối ngành đào tạo giáo viên khác của nhà trường, số lượng thí sinh đăng ký dự tuyển vào ngành Giáo dục thể chất chiếm tỷ lệ chưa cao. Năm 2024, theo đề án tuyển sinh của trường được phê duyệt, chỉ tiêu tuyển sinh ngành Giáo dục thể chất là 90 em.

TS Đỗ Xuân Duyệt cho biết thêm, chương trình đào tạo ngành Giáo dục thể chất của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội được xây dựng nhằm đáp ứng các yêu cầu của môn Giáo dục thể chất trong Chương trình GDPT 2018 - dạy học theo hướng phát triển năng lực cho học sinh, tập trung vào việc phát triển tối đa khả năng của người học. Ngoài các lĩnh vực chuyên môn, khối kiến thức cơ sở ngành và chuyên ngành như các trường khác cùng đào tạo Giáo dục thể chất, chương trình còn bao gồm các học phần, mô-đun về khối kiến thức nghiệp vụ sư phạm chuyên sâu.

Theo báo cáo từ Sở GD&ĐT Nam Định, tính đến hết năm 2023, cấp tiểu học toàn tỉnh có 227 trường với 4.772 lớp và 165.235 học sinh. Tổng số giáo viên là 6.315 người. Trong đó, giáo viên Giáo dục thể chất có 285 người. Cả tỉnh có 96/227 trường tiểu học có nhà đa năng.

Các huyện/thành phố tiếp tục đầu tư, kết hợp với nguồn xã hội hóa của nhà trường để tu bổ, xây mới phòng học, nhà vệ sinh, sân chơi bãi tập và trang thiết bị, đồ dùng dạy học nhằm đảm bảo các điều kiện triển khai Chương trình GDPT 2018 năm học 2024 - 2025.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ