Tăng cước 3G: Khi chất lượng đang là nỗi thất vọng

Tăng cước 3G: Khi chất lượng đang là nỗi thất vọng

Có một nghịch lý trên thị trường dịch vụ di động Việt Nam khi người mua chưa thực sự hài lòng về chất lượng thì nhà mạng đã đùng đùng tăng giá cước. Điều ấy khiến người dùng đặt câu hỏi: Liệu chất lượng đã tương xứng với giá tiền mà họ phải trả?

 

Ngày càng thất vọng

Từ khi mạng di động VinaPhone “nổ phát súng” đầu tiên, khai trương mạng 3G vào tháng 10/2009, dịch vụ này ngày càng trở nên hữu dụng với người tiêu dùng.

Cùng với sự bùng nổ của điện thoại thông minh, bên cạnh việc nâng cấp hạ tầng-các nhà mạng đã liên tục đưa ra các dịch vụ, ứng dụng để phục vụ khách hàng. Đến thời điểm hiện tại, Viettel có 57.000 trạm thu phát sóng di động (BTS), trong đó có gần 30.000 trạm 3G. Phía MobiFone hiện có khoảng 31.000 trạm 2G và 2G, còn VinaPhone có gần 11.000 trạm 3G.

Từ trước đến nay, nhà mạng liên tục tuyên bố nâng cấp hạ tầng, thậm chí còn cung cấp tốc độ HSPA+ (nâng tốc độ downlink tối đa lên đến 21Mbps và tốc độ uplink tối đa là 5,76 Mbps) nhưng thực tế tốc độ truy cập mạng 3G tại Việt Nam vẫn ì ạch.

Báo cáo “Khảo sát mức độ hài lòng của người dùng 3G tại 3 thành phố Hà Nội - Đà Nẵng - Thành phố Hồ Chí Minh” do Báo Bưu điện Việt Nam cùng Công ty Nielsen công bố hồi tháng 5/2013 cho biết, chỉ có 55% người dùng cảm thấy hài lòng về tốc độ đường truyền mà mình sử dụng trong năm 2012 (tỷ lệ tương ứng công bố trong năm 2011 là 64%). Đặc biệt, có tới 26% người dùng không hài lòng và 19% người dùng rất không hài lòng về tốc độ đường truyền. Có tới 56% người dùng 3G mong muốn nhà mạng cải thiện hơn nữa tốc độ kết nối và chất lượng mạng.

Một khách hàng nữ của VNPT còn cho biết, khi ở Nhật Bản, chị dùng điện thoại iPhone và bật 3G thường trực, trung bình cả nghe gọi gần hai ngày mới hết pin. Song, vẫn chiếc điện thoại ấy khi về Việt Nam xài 3G thì chỉ một ngày là pin hết nhẵn.

Một chuyên gia viễn thông cho phóng viên Vietnam+ hay, điều này là do chất lượng sóng chập chờn khiến điện thoại liên tục phải dò bắt sóng. Minh chứng rõ nhất là nhiều chiếc điện thoại đang ở chế độ 3G, lại tụt về chế độ E (2,5G) và ngược lại. Điều đáng tiếc hơn chính là việc ngay trong các thành phố lớn, chất lượng mạng lại rất phập phù.

Mạng kém, mà nhà mạng lại tăng giá khiến dư luận không khỏi bức xúc. Cho dù theo lý giải của các cơ quan quản lý và nhà mạng, giá dịch vụ 3G của Việt Nam rẻ hơn nhiều so với thế giới và khu vực Đông Nam Á. Thậm chí, khi tăng giá rồi vẫn chưa bằng mức trung bình trong khu vực.

“Tôi không biết nhà mạng có sang nước ngoài thử dịch vụ 3G của các mạng nước bạn hay không? Nhưng rõ ràng là truyền ảnh hoặc video bằng 3G tại Malaysia hay Singapore nhanh hơn hẳn so với ở Việt Nam,” khách hàng Nguyễn Bích Ngọc (444 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội), quả quyết.

Kiểm chứng độc lập

Về việc chất lượng 3G, nhà mạng cũng lý giải đang bán 3G ở dưới giá thành và về lâu dài nhà mạng không thể tái đầu tư. Như vậy, về lâu dài nếu duy trì mức cước 3G dưới giá thành thì người dùng cũng sẽ bị thiệt do nhà mạng không đủ sức đầu tư nâng chất lượng mạng cũng như mở rộng vùng phủ sóng của 3G.

Viettel cho hay, các gói cước 3G của nhà mạng lần này tăng giá khoảng 20%. Phía MobiFone thì nói, Khoản 4, Điều 38, Nghị định 25/2011/NĐ-CP “doanh nghiệp viễn thông thống lĩnh thị trường không được ban hành giá cước dịch vụ viễn thông thấp hơn giá thành.” Trong khi đó, MobiFone lại là doanh nghiệp viễn thông thống lĩnh thị trường đối với dịch vụ data…

Theo tính toán của MobiFone, giá cước 3G cung cấp cho khách hàng chưa bằng 50% so với giá thành dịch vụ, do đó MobiFone cần từng bước điều chỉnh giá cước cho tiệm cận với giá thành.

Trong đợt tăng giá này, MobiFone vẫn giữ nguyên giá cũ đối với nhiều gói cước như M0, M10, M25, song cũng có gói tăng khá cao như gói MIU (trước kia phải trả 50.000 đồng/tháng để sử dụng 600MB dung lượng tốc độ cao, sau đó sẽ được sử dụng miễn phí tốc độ thấp hơn thì nay thuê bao sẽ phải phải trả 70.000 đồng/tháng để được hưởng 600MB tốc độ cao).

Như vậy, kể cả với gói tăng cao nhất như MIU, thì với tuyên bố đang bán chưa bằng 50% giá thành dịch vụ, nhà mạng cho dù tăng giá vẫn sẽ phải “bán lỗ” dịch vụ 3G. Và theo đó, nếu làm “đúng với quy định” không bán thấp hơn giá thành thì có lẽ sẽ còn những đợt tăng giá kế tiếp.

Rõ ràng, việc tăng giá đã là một con số hữu hình, nhưng với kiểu chất lượng dịch vụ "vô hình", thì người tiêu dùng cũng không thể biết được.

Trên các diễn đàn, người sử dụng dịch vụ đã tỏ thái độ rất bất bình. Anh Hoàng, một khách hàng cho phóng viên Vietnam+ hay, bình thường anh dùng 3G của nhà mạng bởi nó khá thuận lợi cho việc truy cập Internet khi ở ngoài. Nhưng với tình trạng này, anh sẽ dừng dịch vụ bởi ở cơ quan và ở nhà đều có Internet.

“Khi tăng cước 3G, người ta có rất nhiều lý do để biện bạch. Nhưng nếu đem so sánh với các quốc gia khác thì cũng nên so sánh về chất lượng dịch vụ, thu nhập bình quân đầu người của họ… Bên cạnh đó, thời điểm nhà mạng thông báo tăng giá cước cũng rất bất hợp lý,” anh Hoàng nói.

"Thượng đế" này cho rằng, đã đến lúc cần thiết phải có một cơ quan độc lập để kiểm tra tốc độ của dịch vụ 3G của các nhà mạng. Có như vậy người dùng mới cảm thấy thoải mái khi "móc hầu bao," bởi đã nhận được chất lượng dịch vụ tương xứng với đồng tiền bỏ ra.

Trước những thông tin dư luận về việc cơ quan chức năng trong đó bao gồm cả Bộ Tài chính phải vào cuộc để làm rõ cơ sở việc tăng giá cước 3G, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục quản lý giá, Bộ Tài chính khẳng định: Nếu Bộ Thông tin Truyền thông cần thì có thể trao đổi với Cục quản lý giá để có thêm thông tin.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, Cục quản lý giá chỉ chia sẻ thông tin về tình hình giá cả thị trường trong 15 ngày ra sao, tác động của việc tăng giá cước 3G tới thị trường.

Ông Tuấn cho hay, giá cước dịch vụ 3G không nằm trong danh mục bình ổn giá và thuộc quyền quản lý của Bộ Thông tin Truyền thông. Bởi vậy, theo quy định, các doanh nghiệp viễn thông sẽ thực hiện việc kê khai giá với cơ quan quản lý là Bộ Thông tin Truyền thông. Trong trường hợp Bộ Thông tin Truyền thông thấy mức giá điều chỉnh này là không phù hợp, Bộ có quyền kiểm tra các doanh nghiệp trong ngành.

Theo Vietnam+

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống THAAD của Mỹ.

Kích hoạt vụ phóng Oreshnik mới

GD&TĐ - Theo Reuters, lực lượng tên lửa Nga có thể phóng tiếp tên lửa Oreshnik vào Ukraine, sau khi bị Kiev tập kích lãnh thổ bằng ATACMS.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.