Qua đó cho thấy, nỗi lo cơn ác mộng nạn ấu dâm tăng mạnh tại Nhật Bản là có thật.
Kẻ biến thái luôn tranh thủ cơ hội làm trò xằng bậy tại những nơi công cộng. Ảnh minh họa tàu điện ngầm tại Nhật: Al Jjazeera
Tội ác nhắm vào trẻ em dưới 13 tuổi có dấu hiệu giảm trong giai đoạn 2004-2012, bất ngờ quay trở lại vào năm 2013, với số trường hợp được báo cáo là gần 27.000 vụ.
Theo Cơ quan cảnh sát quốc gia, những cuộc tấn công trẻ đã tăng kỷ lục trong năm 2016. Tổng cộng có 54.227 vụ xâm hại đối tượng dưới 18 tuổi, tăng 46,5% so với năm trước.
Trong đó, số vụ quấy rối tâm lý là 40.000 vụ. Con số thống kê không ai mong đợi cho thấy một thực tế về sự hiện diện của những kẻ bệnh hoạn, biến thái tại quốc gia Đông Á này.
Chuỗi bi kịch với nạn nhân là những em gái nhỏ xuất hiện dồn dập năm 2014.
Đầu năm 2014, một bé gái lớp 3 ở Hokkaido bị một kẻ biến thái 26 tuổi thất nghiệp bắt cóc, hành hạ suốt một tuần liền.
Tháng Chín năm đó, một học sinh lớp 1 ở thành phố Kobe mất tích và vài ngày sau, người ta phát hiện thi thể em bị chặt thành từng phần, bỏ trong túi nhựa. Thủ phạm là một kẻ bệnh hoạn 47 tuổi.
Trong nhiều vụ án khác, nạn nhân là trẻ nhỏ và những kẻ thủ ác phần lớn đều có tâm lý bất thường, thích hành hạ, xâm hại tình dục trẻ.
Khi khám xét nhà thủ phạm, cảnh sát hay thu thập được hình ảnh, đoạn băng khiêu dâm trẻ em.
Nhật Bản có dân số hơn 127 triệu người, là một trong những quốc gia văn minh nhất thế giới. Trộm cướp hoặc gây hấn dẫn đến bạo lực hầu như không có trên đường phố.
Thế nhưng, bóng ma tấn công tình dục trẻ em chính là ung nhọt âm ỉ trong lòng xã hội Nhật Bản. Song song đó là thái độ ngầm chấp nhận hành vi của kẻ biến thái (chikan).
Nhiều nhà xã hội học và chuyên gia tâm lý đã quan sát điều kiện thực tế trong xã hội Nhật Bản và họ nhận ra rằng, rất dễ để bất cứ ai cũng có thể truy cập mạng, tải về xem những hình ảnh khiêu dâm, đặc biệt là ấu dâm.
Tại Nhật có những quán cà phê, quán rượu cung cấp dịch vụ tiếp viên là những cô gái trong trang phục học sinh.
Bà Maud de Boer-Buquicchio, đặc phái viên Liên Hiệp Quốc phụ trách về vấn nạn mua bán, mại dâm trẻ em cho biết, khoảng 13% nữ sinh Nhật Bản có tham gia những dịch vụ trên.
Bộ Ngoại giao Mỹ từng nhiều lần lên tiếng chỉ trích chính quyền Nhật Bản về việc để cho ngành công nghiệp khai thác hình ảnh khiêu dâm, nhất là khiêu dâm trẻ em mặc nhiên tồn tại.
Đó là thái độ gián tiếp chấp nhận hành động làm tổn hại đời sống tinh thần và vô tình khuyến khích khuynh hướng xâm hại tình dục trẻ em. Mãi đến năm 2014 Nhật Bản mới bổ sung điều luật cấm sở hữu nội dung khiêu dâm trẻ em.
Tuy nhiên, luật này lại không xử lý toàn diện gốc rễ vấn đề, không hình sự hóa những hình ảnh khiêu dâm mô tả trong truyện tranh manga và anime - hai sản phẩm đặc trưng trong văn hóa Nhật Bản.
Tháng 10/2015, Liên Hiệp Quốc phải lên tiếng yêu cầu Nhật Bản cấm truyện tranh có hình ảnh đồi trụy, mô tả cảnh “người lớn” mà nhân vật chính chỉ ở tuổi vị thành niên.
Một trong những nỗ lực đáng ghi nhận ở Nhật Bản là mới đây đã áp dụng luật phạt tù một năm, phạt tiền đến một triệu Yên (khoảng 9.000 USD) bất cứ ai bị phát hiện có sử dụng hình ảnh khiêu dâm trẻ em với bất kỳ hình thức nào.
Giáo sư Hiroko Goto chuyên về luật hình sự tại Đại học Chiba là người ủng hộ chủ nghĩa nữ quyền đã nhận định về làn sóng ngầm tồn tại trong xã hội Nhật Bản mà nếu không thay đổi, Nhật Bản không thật sự là quốc gia phát triển.
Giáo sư Hiroko Goto nói rằng: “Với số đông trong xã hội, những hành vi nhỏ cho thấy biểu hiện của kẻ bệnh hoạn là điều bình thường. Vì vậy, tiếng nói của các nạn nhân phải mạnh mẽ hơn nữa, phản ứng của cộng đồng phải gay gắt hơn nữa.
Những gì đang tiếp diễn hôm nay chính là hệ quả của tư tưởng bất bình đẳng giới, xem nhẹ phụ nữ”.
Năm ngoái, Bộ Lao động Nhật Bản thực hiện khảo sát với 10.000 đối tượng nữ từ 25-44 tuổi. Gần 1/3 số người được phỏng vấn cho biết họ bị quấy rối ở nơi làm việc.
40% trong số đó chấp nhận chịu đựng vì họ nghĩ, chuyện này bình thường, thậm chí đã từng xảy ra khi họ còn là học sinh. Điều đáng mừng là ngày càng có nhiều phụ nữ sẵn sàng đối đầu với vấn nạn ấy.
Chị Tamaka Ogawa (sống ở Tokyo) còn nhớ lần đầu tiên bị sàm sỡ ở nơi công cộng là lúc 10 tuổi trên chuyến tàu điện ngầm hàng ngày cô đến trường. Trong ký ức của Tamaka, những người lớn chung quanh xem chuyện đó là chuyện “qua rồi thì thôi”.
Giờ đây, chị dành thời gian viết sách cảnh báo về mối quan hệ giữa bất bình đẳng giới và xâm hại tình dục. Tamaka muốn nhiều người nhìn nhận rõ ung nhọt trong chính cách sống, cách nghĩ nhằm sớm ngăn chặn những hành vi tội ác.
Chị Yayoi Matsunaga (51 tuổi, sống ở Osaka) từng chứng kiến những bé gái bị xâm hại mà không thể kêu cứu vì các em bị xã hội mặc định đấy là hành vi “bình thường thôi”.
Cuối năm 2015, chị đã huy động được số tiền tài trợ 19.000 USD để thực hiện dự án cộng đồng giáo dục nhận thức xã hội chống lại các hành vi biến thái.
Dự án này lan truyền những tấm hình dán mô tả hành vi quấy rối trẻ em gái nơi công cộng cùng hình ảnh minh họa phản ứng gay gắt từ nạn nhân, gửi thông điệp mạnh mẽ đến những kẻ biến thái luôn chực chờ thực hiện hành vi đáng lên án.