Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị
Bộ GD&ĐT đã có quyết tâm rất cao trong việc ổn định đời sống HSBT cũng như hoạt động của nhà trường khi xây dựng nên loại hình trường chuyên biệt này.
Điều đó thể hiện qua việc phối hợp với các Bộ, ngành, chủ động tham mưu cho Chính phủ ban hành Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ HSBT và trường PTDTBT, không lâu sau khi Thông tư số 24 của Bộ quy định về Quy chế tổ chức và hoạt động của trường PTDTBT (văn bản “khai sinh” loại hình trường chuyên biệt này).
Thời điểm ra đời Quyết định 85 của Chính phủ lại là lúc kinh tế toàn cầu rơi vào khủng hoảng, kéo theo sự khó khăn của kinh tế trong nước.
Do trượt giá quá lớn, số tiền hỗ trợ ăn bán trú theo QĐ 85 không đủ đáp ứng nhu cầu thực phẩm tối thiểu của HSBT. Bên cạnh đó là những học kỳ đầu, tiền hỗ trợ ăn bán trú chậm được giải ngân nên các nhà trường gặp nhiều khó khăn và bị động trong mua sắm thực phẩm để nấu ăn cho HSBT.
Những khó khăn này đã khiến truyền thông tốn rất nhiều giấy mực để phản ánh thời điểm bấy giờ. Trước tình trạng thiếu đói của HSBT, xuất phát từ tâm tư của người đứng đầu Chính phủ, trong hội nghị của ngành LĐ, TB &?XH hồi năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ ra sự bất cập:
“Bây giờ mình không thiếu gạo, mình cũng viện trợ nơi này nơi khác, vậy tại sao để con cháu mình trong cảnh cháu mang mì, cháu mang ngô, cháu mang khoai đến lớp, rồi phải lợp chòi nấu ăn?”.
Đây thực sự là vấn đề bất cập trong an sinh xã hội được Thủ tướng nêu ra cho các Bộ, ngành Trung ương liên quan đến công tác hoạch định chính sách.
Kết quả là sau hội nghị, các Bộ, ngành đã vào cuộc nghiên cứu, xây dựng và tham mưu cho Thủ tướng ban hành Quyết định số 36/2013/QĐ-TTg ngày 18/6/2013 về hỗ trợ gạo cho học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Theo tinh thần đó, đợt mới đây nhất Bộ Tài chính đã xuất cấp không thu tiền 33.295.350 kg gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho 33 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để hỗ trợ cho học sinh trong thời gian học kỳ I năm học 2013 - 2014. Hiện số gạo này cơ bản đã được phân bổ về các địa phương và đến tay đối tượng được thụ hưởng là các em học sinh.
Những nhà giáo tận tâm
Bốn tỉnh miền núi Tây Bắc là Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình chiếm số trường PTDTBT được thành lập theo Thông tư 24 và số HSBT đông nhất cả nước: 150 trường với 36.636 HS.
Trong đó Điện Biên lại là tỉnh có số trường và HSBT nhiều nhất trong vùng và nhiều thứ hai nếu xét trên cả nước (chỉ sau tỉnh Hà Giang) với 65 trường và 20.617 HS.
Hiện cả nước có 584 trường PTDTBT được thành lập theo Thông tư 24 với 100.761 HS; trong đó có 151 trường tiểu học với 29.389 HS và 433 trường THCS với 71.372 HS.
Như vậy là khó khăn lớn nhất trong bữa ăn của HSBT đã được hỗ trợ, giải quyết kịp thời, không còn cảnh thiếu đói như trước đây.
Khó có thể kể hết niềm vui của các thầy, cô giáo khi tiếp nhận gạo Chính phủ (cách gọi của các thầy về gạo hỗ trợ theo QĐ 36 trên đây) về cho HSBT.
Thầy Phạm Văn Khiêm - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Chung Chải (huyện Mường Nhé, Điện Biên) - đưa ra phép tính:
Hiện nay trường có gần 500 HSBT, mỗi tháng một học sinh được hỗ trợ 15 kg gạo cộng với 460 nghìn hỗ trợ ăn bán trú theo QĐ 85 nên một ngày trường có thể mua được 60 kg thịt, 10 kg xương, 80 kg đậu phụ, rau xanh nấu ăn cho các em.
Số thực phẩm này đảm bảo bữa ăn tươm tất, đủ dinh dưỡng đáp ứng tuổi đang lớn của các em.
“Chính vì vậy sau một thời gian ở bán trú, phần đông học sinh đã béo và trắng do ăn uống đảm bảo dinh dưỡng và chế độ ăn, ngủ nghỉ sinh hoạt có giờ giấc” – Thầy Khiêm phấn khởi chia sẻ.
Kể từ khi TT 24 được ban hành cho đến nay, các địa phương đã chú ý đến các trường PTDTBT và đời sống của học sinh. Lai Châu là tỉnh đã khắc phục nhiều khó khăn để từng bước chăm lo tốt đời sống cho HSBT.
Thầy Nguyễn Văn Hùng - Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Vàng Ma Chải (huyện Phong Thổ) - cho biết: Từ khi thành lập trường bán trú, tuy còn nhiều thiếu thốn song tập thể nhà trường đã chú ý chăm lo nuôi dưỡng học sinh.
Do chưa có định biên cho nhân viên cấp dưỡng nên nhà trường phải bố trí các giáo viên thay nhau nấu ăn cho học sinh. Mùa đông vừa qua ở vùng cao Phong Thổ, nhiệt độ phổ biến là dưới 10oC; khi trời rét dưới 7oC, HSBT nghỉ rét và được ăn, ở tại trường.
Trong cái rét đậm, rét hại học sinh được các thầy, cô tận tình chăm sóc ngày 3 bữa ăn, đảm bảo các em được ăn cơm canh nóng, thức ăn nóng để chống chọi với cái lạnh.
Đồng thời tìm những biện pháp tránh gió lùa, đảm bảo đủ ấm cho học sinh trên lớp và khu nhà ở bán trú. Nhờ chăm lo tốt đời sống nên trong mùa đông vừa qua, tỷ lệ chuyên cần của HSBT tại trường vẫn đạt cao.
Thầy Hùng cho biết thêm: Đa phần học sinh ở đây đều là dân tộc Mông nên trong sinh hoạt bán trú các thầy, cô giáo phải hướng dẫn các em rất tỉ mỉ từ những việc nhỏ nhất như tắm giặt, vệ sinh cá nhân. Phải mất một thời gian tận tình chỉ bảo, nền nếp sinh hoạt bán trú của các em mới đi vào ổn định.
Học sinh bán trú Trường Tiểu học Vàng Ma Chải ăn trưa trên lớp học tạm |
Vẫn còn nhiều khó khăn
Vì mới được thành lập nên cơ sở vật chất của Trường Vàng Ma Chải còn rất nghèo nàn, thiếu thốn. Cả trường chỉ có 6 phòng học là được kiên cố hóa.
Còn lại nhiều phòng học khác và 7 phòng ở bán trú là nhà tạm và phòng tận dụng công năng. Chưa có nhà ăn nên HS phải ăn tại phòng học hoặc phòng ở.
Đồ dùng trong bữa ăn của học sinh cũng thiếu thốn vì nguồn tài chính hạn hẹp. Đặc biệt nhất là học sinh còn rất thiếu chăn bông, áo ấm mặc trong mùa đông...
Thiếu cơ sở vật chất cho việc tổ chức đời sống bán trú, hoạt động giáo dục trong các trường PTDTBT là hiện trạng chung tại các địa phương hiện nay.
Theo ông Lê Văn Quý - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên: Do còn nhiều khó khăn nên ngân sách các địa phương không đủ điều kiện đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường PTDTBT.
Nếu không có sự hỗ trợ đầu tư từ T.Ư, các địa phương khó có thể đầu tư, xây dựng các hạng mục phục vụ cho đời sống và các hoạt động giáo dục trong các trường áp dụng mô hình bán trú hiện nay.