Tân PGS trẻ nhất tìm lối đi riêng giúp trẻ em vùng khó

GD&TĐ - Ở tuổi 33, là một trong hai người đạt tiêu chuẩn chức danh PGS trẻ nhất năm 2014, TS Hoàng Quý Tỉnh (Trường ĐHSP Hà Nội) tìm cho mình lối đi riêng, gắn với trẻ em, đặc biệt là trẻ em ở những vùng khó khăn.

Nhà khoa học trẻ Hoàng Quý Tỉnh (giữa) và gia đình trong ngày vui được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh PGS
Nhà khoa học trẻ Hoàng Quý Tỉnh (giữa) và gia đình trong ngày vui được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh PGS

Tất cả những công trình khoa học tôi đều tâm huyết, không thiên vị cho công trình nào. Đầu năm mới, tôi hy vọng được tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục để đền đáp lại những gì đã nhận được

TS Hoàng Quý Tỉnh

Là giảng viên, sau trở thành quản lý, nhưng nhà khoa học trẻ này vẫn tận dụng thời gian có thể, thường là khi nghỉ hè, rong ruổi khắp các tỉnh khó khăn ở miền núi phía Bắc để tìm hiểu thực tế phục vụ nghiên cứu.

Những chuyến đi khó quên và đầy ám ảnh, vì hình ảnh học trò nghèo miền núi, vì hình ảnh những bản làng chìm ngập trong nước lũ…Nhưng, có lẽ, chính vì thế mà những nghiên cứu của Hoàng Quý Tỉnh cũng mang đậm dấn ấn của những vùng đất đầy gian khó này.

Trong những năm qua, cùng với công việc giảng dạy, việc nghiên cứu khoa học được nhà khoa học trẻ này thực hiện thường xuyên. Trong đó, những đề tài về trẻ em các dân tộc chiếm một vị trí quan trọng.

Có thể nói đến đề tài luận án Tiến sĩ: Nghiên cứu một số đặc điểm hình thái cơ thể trẻ em người dân tộc Thái, Hmông, Dao ở tỉnh Yên Bái và các yếu tố liên quan. Trong đề tài này, Hoàng Quý Tỉnh đã nghiên cứu sự tăng trưởng các kích thước nhân trắc của trẻ em qua các lứa tuổi, đồng thời chỉ ra những bất thường trong quá trình tăng trưởng (thể hiện ở những thiếu hụt về cân nặng, chiều cao, vòng cánh tay trái duỗi ...).

Sau đó, trên tổng thể các yếu tố liên quan đến những thiếu hụt này, đưa ra phương trình hồi quy nhằm dự đoán nguy cơ của những thiếu hụt này ở địa bàn nghiên cứu khi các yếu tố liên quan xuất hiện.

Bên cạnh đó là những nghiên cứu về tập quán dinh dưỡng của các vùng, các dân tộc thiểu số liên quan đến sự phát triển của trẻ em; nghiên cứu về tập quán sinh sống của người dân các vùng sinh thái khác nhau ở Việt Nam liên quan đến bảo vệ sức khoẻ và vệ sinh môi trường; nghiên cứu về kiến thức bản địa của người dân một số dân tộc thiểu số trong việc giữ gìn, sử dụng và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học….

Hoàng Quý Tỉnh cho rằng, trong thời điểm hiện tại, tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ em nói chung và trẻ mầm non nói riêng là vấn đề rất nan giải.

Việt Nam thuộc nhóm các nước đang phát triển và đang phải đối mặt với “gánh nặng kép” về suy dinh dưỡng.

Những nghiên cứu về trẻ em dân tộc thiểu số ở các vùng đặc biệt khó khăn còn rất ít do điều kiện đi lại hạn chế, địa bàn nghiên cứu phức tạp. Vì vậy tập trung vào nghiên cứu theo hướng này là một việc làm rất có ý nghĩa.

“Tất cả những công trình khoa học tôi đều tâm huyết, không thiên vị cho công trình nào. Đầu năm mới, tôi hy vọng được tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục để đền đáp lại những gì đã nhận được.

Cùng với đó, hy vọng sẽ tiến hành được thêm nhiều công trình ở các vùng đồng bào dân tộc khó khăn hơn nữa. Như tiếp tục các công trình ở các huyện khó khăn miền núi phía bắc như Mù Căng Chải -Yên Bái, Quản Bạ - Hà Giang, hay Mường Tè - Lai Châu” - nhà khoa học trẻ chia sẻ.

Chân dung nhà khoa học trẻ

Từ năm 1999 đến năm 2003, theo học và tốt nghiệp hệ Cử nhân Sinh học tại Khoa Sinh học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội).

Từ 2003 đến 2005: Bảo vệ thành công luận văn thạc sỹ Sinh học, chuyên ngành Nhân chủng học với đề tài Tìm hiểu một số kiến thức bản địa trong chăm sóc sức khỏe sinh sản của người Thái và người Dao ở hai xã thuộc tỉnh Yên Bái.

Từ 2006 đến 2010: Bảo vệ thành công Luận án tiến sỹ Sinh học, chuyên ngành Nhân chủng học với đề tài Nghiên cứu một số đặc điểm hình thái cơ thể trẻ em người dân tộc Thái, Hmông, Dao ở tỉnh Yên Bái và các yếu tố liên quan.

Trở thành giảng viên khoa Giáo dục Mầm non, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội sau khi tốt nghiệp thạc sỹ.

Vị trí đảm nhận hiện tại: Phó Chủ nhiệm khoa phụ trách Nghiên cứu Khoa học và Đào tạo sau đại học.

Vị trí khoa học khác: Ủy viên Ban chấp hành Hội Hình thái học Việt Nam, Tổng Hội Y học Việt Nam.

Trực tiếp soạn thảo các Chương trình khung cho một số môn được phân công của ngành Giáo dục mầm non các hệ chính quy, tại chức; đã cùng với Khoa xây dựng và bảo vệ thành công Đề án nhận nhiệm vụ đào tạo tiến sỹ Giáo dục Mầm non.

Trực tiếp soạn thảo một số môn chuyên đề cao học và nghiên cứu sinh thuộc chuyên ngành Giáo dục mầm non.

Đã chủ trì và tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó có 2 đề tài cấp trường đều xếp loại xuất sắc; tham gia nhiều đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ, do các đơn vị chủ trì (như Khoa Sinh học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu Nhân học và Phát triển Trí tuệ - Trường ĐH Giáo dục, ĐHGQHN...).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ