644 tân GS, PGS: Tự hào góp sức vào công cuộc đổi mới GD - ĐT

GD&TĐ - Sáng nay (4/2), dù Lễ trao quyết định và giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS diễn ra trong tiết trời mưa phùn lạnh giá của Hà Nội nhưng dòng người vẫn không ngừng đổ dồn về Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cùng chúc mừng những nỗ lực phấn đấu không ngừng của các nhà giáo. 

644 tân GS, PGS: Tự hào góp sức vào công cuộc đổi mới GD - ĐT

Dự buổi lễ có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận - Chủ tịch Hội đồng giáo sư nhà nước và các GS thành viên Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận phát biểu tại buổi lễ
 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận phát biểu tại buổi lễ

Ghi nhận những đóng góp của các GS, PGS trong sự nghiệp đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT

Năm 2014 có 822 ứng viên nộp hồ sơ đăng ký xét đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư và phó giáo sư tại 89 hội đồng chức danh giáo sư sơ sở, trong đó có 92 ứng viên giáo sư và 730 ứng viên phó giáo sư.

Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước đã xét và quyết định công nhận 59 nhà giáo đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư và 585 nhà giáo đạt tiểu chuẩn chức danh phó giáo sư năm 2014, tổng cộng là 644 người.

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã chia sẻ niềm hạnh phúc lớn lao và chúc mừng những thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học cũng như trong giảng dạy của các tân giáo sư và phó giáo sư.

Bộ trưởng khẳng định: Các nhà giáo, các nhà khoa học được nhận chức danh giáo sư và phó giáo sư lần này là những cá nhân tiêu biểu, có nhiều thành tích xuất sắc trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học, có ảnh hưởng rộng rãi trong ngành Giáo dục và xã hội.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận bày tỏ sự vui mừng khi số giáo sư và phó giáo sư được xét công nhận đạt tiêu chuẩn hàng năm không ngừng được trẻ hóa; ngày càng có nhiều nhà giáo, nhà khoa học là những tác giả có những công trình nghiên cứu khoa học có giá trị đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ quốc phòng an ninh của đất nước… và có uy tín trên trường quốc tế; nhiều kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng một cách có hiệu quả trong thực tế. 

Bộ trưởng trân trọng cảm ơn các tân giáo sư và phó giáo sư về những đóng góp của các đồng chí trong sự nghiệp giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ; đồng thời hy vọng với vinh dự và trách nhiệm mới này, các giáo sư, phó giáo sư sẽ tiếp tục phát huy truyền thống của gia đình, của quê hương, tiếp tục cống hiến, phát huy uy tín, giải thưởng của mình trong cộng đồng và xã hội.

"Mong các GS, PGS tiếp tục đóng góp trong sự nghiệp đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ - với tư cách là hai quốc sách hàng đầu của đất nước - để đưa đất nước ngày càng phát triển" - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chia sẻ.

Tại buổi lễ, tân GS Phan Thanh Sơn Nam cho biết sau khi đạt được chức danh GS, ngoài việc thực hiện những nghiên cứu của riêng cá nhân mình, GS xin được làm một nét gạch nối giữa thế hệ các bạn trẻ hơn với thế hệ cha anh để cùng nhau học hỏi kiến thức và kinh nghiệm và kiến thức từ những thế hệ đi trước, cũng như hỗ trợ lẫn nhau trên con đường đi tới chân trời khoa học.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trao chứng nhận cho các GS, PGS
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trao chứng nhận cho các GS, PGS

Đội ngũ GS, PGS còn khá "mỏng", không ở mức "lạm phát"

Tuy độ tuổi của các phó giáo sư, giáo sư ngày càng được trẻ hóa nhưng đội tuổi này vẫn chưa trẻ được như ở các nước phát triển - GS Trần Văn Nhung

GS Trần Văn Nhung - Tổng Thư ký Hội đồng chức danh Giáo sư cấp Nhà nước - cho hay: Hiện dân số nước ta có khoảng 90 triệu người. Theo thống kê năm 2013 của Bộ GD&ĐT, tổng số SV đại học là 1.730.000, số giảng viên đại học là gần 74.630, trong đó có 4.155 GS,PGS.

Như vậy, chỉ có xấp xỉ 1,2 GS hoặc PGS trên vạn dân (kể cả số GS, PGS đã mất hoặc đã nghỉ hưu), không quá 5,6% giảng viên đại học là GS hoặc PGS và 416 sinh viên/1 GS hoặc PGS.

Đội ngũ GS,PGS ở nước ta, đỉnh cao nhất của nhà giáo, khá “mỏng” về số lượng và cả chất lượng, chứ không phải đến mức “lạm phát” như ai đã nói.

Theo GS Nhung, từ khi Nghị định số 141/2013/NĐ-CP có hiệu lực và Chính phủ giao Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ hướng dẫn thi hành thì con số các TS,PGS,GS trong các trường đại học được tăng lên đáng kể.

Đây là một chủ trương sáng suốt và kịp thời của Đảng và Chính phủ để sử dụng tối đa lực lượng “nguyên khí quốc gia”, hoàn toàn phù hợp với nhu cầu giảng viên đại học và thông lệ quốc tế, để góp phần đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, từ năm 1976 đến hết năm 2014, sau 38 năm, tổng số giáo sư, phó giáo sư đã được công nhận ở nước ta là 11.097 người, gồm có 1.628 giáo sư và 9.469 phó giáo sư.

NHỮNG KỶ LỤC THÚ VỊ 

Phổ tuổi giáo sư rộng nhất

Năm nay, phổ tuổi giáo sư rộng nhất trong lịch sử khi cả giáo sư trẻ nhất và giáo sư cao tuổi nhất đợt này cũng là giáo sư trẻ nhất và cao tuổi nhất trong lịch sử 38 năm qua, tính từ năm 1976.

Giáo sư trẻ nhất năm nay này là Phan Thanh Sơn Nam, 37 tuổi, chuyên ngành Hóa học, giảng viên trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM. 

Cao tuổi nhất là Giáo sư Lê Ngọc Canh - 81 tuổi - chuyên ngành nghệ thuật, nguyên là giảng viên trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.

Hai phó giáo sư trẻ nhất

Chức danh phó giáo sư trẻ nhất năm nay được trao cho hai người cùng sinh năm 1981 là Phó giáo sư Từ Trung Kiên, chuyên ngành chăn nuôi, trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên, và Phó giáo sư Hoàng Quý Tỉnh, chuyên ngành Sinh học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Kỷ lục phó giáo sư trẻ nhất hiện ở ngưỡng 29 tuổi, đó là Tiến sỹ Toán học Phạm Hoàng Hiệp - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đợt năm 2011 và tiến sỹ hóa học Nguyễn Khánh Diệu Hồng, Đại học Bách khoa Hà Nội, đợt năm 2012.

Phó giáo sư cao tuổi nhất

Phó giáo sư cao tuổi nhất là nhà giáo Vũ Tự Lân - 81 tuổi - chuyên ngành nghệ thuật, nguyên là giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Vợ chồng "5 cùng" nắm tay nhau nhận chức danh phó giáo sư

Cặp vợ chồng cùng sinh năm 1962, cùng đi du học năm 1983 ở Cộng hòa Liên bang Nga, cùng ngành Tâm lý học, cùng công tác tại Viện Tâm lý học, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, và cùng được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư ngành tâm lý học đợt này. Đó là tiến sỹ Đỗ Ngọc Khánh và tiến sỹ Lê Văn Hảo.  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

GD&TĐ - Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã vạch kế hoạch chuẩn bị lực lượng gìn giữ hòa bình để cứu chính phủ Ukraine hiện nay.