Dự định lớn năm 2015 của tân PGS trẻ nhất Việt Nam

GD&TĐ - Hỏi PGS Từ Trung Kiên (sinh năm 1981, Trường ĐH Nông lâm Thái Nguyên): Việc trở thành một trong hai PGS trẻ tuổi nhất năm 2014 có phải là bước ngoặt lớn nhất? Bất ngờ vì câu trả lời kèm theo nụ cười hiền: Không hẳn!

Dự định lớn năm 2015 của tân PGS trẻ nhất Việt Nam
PGS Từ Trung Kiên - một trong hai PGS trẻ nhất năm 2014
 PGS Từ Trung Kiên - một trong hai PGS trẻ nhất năm 2014 

Là sinh viên tốt nghiệp loại giỏi Trường ĐH Nông Lâm Thái Nguyên, được giữ lại làm giảng viên khoa Chăn nuôi thú y, phụ trách môn dinh dưỡng cho động vật, vừa giảng dạy vừa học thạc sĩ, tiến sĩ, niềm say mê của chàng trai trẻ dành trọn cho cây cỏ.

“Nếu nói về bước ngoặt lớn nhất, với tôi có lẽ là việc thực hiện thành công đề tài tiến sĩ về “Nghiên cứu năng suất, chất lượng và hiệu quả sử dụng một số giống cỏ hòa thảo nhập nội trong chăn nuôi bò thịt”. Đây là đề tài tôi đã gửi vào đó rất nhiều tình yêu và tâm huyết” - PGS Từ Trung Kiên chia sẻ.

Lý do chọn đề tài này bắt nguồn từ nỗi niềm đau đáu về sản xuất thức ăn cho gia súc, gia cầm theo hướng công nghiệp hiện nay: Nguyên liệu sản xuất chủ yếu là nhập trong khi trên thực tế, nguồn nguyên liệu tự nhiên trong nước vô cùng phong phú, cũng vì nhập nguyên liệu nên giá thành cao, rất khó cạnh tranh.

PGS Từ Trung Kiên tâm sự: Việt Nam là đất nước khí hậu nhiệt đới, thực vật đa dạng. Tôi tự nghĩ, sao mình không tận dụng nguồn nguyên liệu này cho gia súc, gia cầm.

Từ đó, định hướng nghiên cứu thức ăn xanh cho động vật dần thành hình.

Thế là PGS Từ Trung Kiên dồn tâm sức cho đề tài “Nghiên cứu năng suất, chất lượng và hiệu quả sử dụng một số giống cỏ hòa thảo nhập nội trong chăn nuôi bò thịt”. Quá trình thực hiện gặp không ít khó khăn vì việc nghiên cứu thực địa ngoài trời phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên.

Nhiều khi mưa nắng thất thường, bao công sức cắt xén, phơi cỏ nhưng chỉ một trận mưa là “xôi hỏng bỏng không”. Thậm chí, có khi đợt trồng gần đến kỳ thu hoạch, cũng chỉ một trận mưa to là hỏng hết.

“Có lần, phơi cỏ gặp mưa. Tiếc công sức, tôi mượn máy sấy ngồi sấy cỏ, lọ mọ cả tiếng đồng hồ nhưng cũng không ăn thua, đành bỏ. Tuy nhiên, khó khăn nhất vẫn là kinh phí bởi những khó khăn trên có thể dùng công sức để vượt qua.” - PGS Từ Trung Kiên chia sẻ.

Nhưng rồi, sau rất nhiều nỗ lực, cố gắng, PGS Từ Trung Kiên đã bảo vệ đề tài tiến sĩ thành công. Đó chính là tấm vé cho PGS này bước vào sự nghiệp nghiên cứu khoa học. 

Ngoài kết quả nghiên cứu cỏ cho bò thịt thì các kết quả nghiên cứu từ các đề tài khác về cây thức ăn xanh như bột lá sắn, bột lá keo dậu….có ưu việt rõ rệt vì hoàn toàn là sản phẩm sinh học.

“Thường trứng gà công nghiệp, lòng đỏ rất nhạt màu. Để tăng độ đỏ, người ta hay dùng hóa chất; cách làm vàng da gà cũng vậy. 

Tuy nhiên, sản phẩm thức ăn từ bột lá thực vật do có nhiều sắc tố nên có thể làm tăng độ đậm màu lòng đỏ trứng, cũng như khiến da gà vàng rất tự nhiên mà không hề độc hại” - PGS Từ Trung Kiên cho biết.

Việc được tiếp tục phát triển đề tài nghiên cứu này cũng là dự định công việc lớn nhất của PGS Từ Trung Kiên trong năm 2015.

Vị phó giáo sư trẻ tuổi chia sẻ: Đề tài này chỉ là nghiên cứu cơ bản ban đầu. Thời gian tới, tôi đang tiến hành xin một đề tài cấp Bộ để tiếp tục phát triển từ nghiên cứu ban đầu với mong muốn kết quả nghiên cứu sẽ thực sự được áp dụng vào cuộc sống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

GD&TĐ - Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã vạch kế hoạch chuẩn bị lực lượng gìn giữ hòa bình để cứu chính phủ Ukraine hiện nay.