Theo đó, đối với các trung tâm GDTX và các đơn vị tham gia mở lớp GDTX cấp THPT, Sở GD&ĐT yêu cầu tự tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng hoạt động, cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên của đơn vị, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch phát triển đơn vị; tham mưu với cấp có thẩn quyền bố trí, sắp xếp, sử dụng đội ngũ; đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị đảm bảo phục vụ các hoạt động giáo dục.
Tận dụng tối đa cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên sẵn có để tiếp nhận mọi học viên có nhu cầu học chương trình GDTX cấp THCS, THPT. Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp học nâng cao trình độ văn hóa cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, người đi xuất khẩu lao động. Tiếp tục mở các lớp văn hóa kết hợp với học nghề hoặc trung cấp chuyên nghiệp.
Sở GD&ĐT Thái Bình cũng cho biết sẽ tăng cường phối hợp với các ban, ngành, tổ chức và cá nhân liên quan tổ chức các lớp bồi dưỡng ngắn hạn như: giáo dục kỹ năng sống; bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học; phổ biến kiến thức khoa học, kiến thức pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên và người lao động. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình giáo dục thường xuyên đáp ứng nhu cầu người học.
Đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực, nhằm tạo động cơ và hứng thú học tập cho học viên; khuyến khích giáo viên sử dụng các phương pháp dạy học tích cực; đa dạng các hình thức tổ chức dạy học nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo và tự học của học viên.
Đa dạng hóa các hình thức tư vấn hướng nghiệp; đẩy mạnh công tác xây dựng đội ngũ báo cáo viên, đưa nội dung giáo dục khởi nghiệp vào giảng dạy tại trung tâm GDTX nhằm giúp thanh niên, học sinh, sinh viên, người lao động nhận thức đúng đắn về khởi nghiệp, khơi dậy tinh thần tự học, tự tạo việc làm, tự thân lập nghiệp, tự chủ, sáng tạo trong việc lựa chọn nghề nghiệp; đồng thời cung cấp kiến thức và kỹ năng cần có để khởi nghiệp...