Tận dụng thời gian vàng để giáo dục trẻ mầm non

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Hiện nay trẻ mầm non 5 tuổi có bước phát triển nhanh hơn so với trước đây. Do đó, Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi  cần sự tương thích.

Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi là vô cùng cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi là vô cùng cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Cần bộ chuẩn đáp ứng sự phát triển của trẻ

Đến nay, Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi đã được triển khai hơn 10 năm. Theo các cán bộ quản lý và giáo viên, giá trị hiệu quả mà bộ chuẩn đem lại là bước tiến quan trọng đối với trẻ, làm nền tảng vững chắc để trẻ mạnh dạn, tự tin hoàn thành cấp mầm non vào học tiểu học và các cấp học tiếp theo.

Hơn 10 năm thực hiện, cán bộ quản lý và giáo viên mầm non đều đánh giá cao vai trò của Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi, đặc biệt là việc hỗ trợ nhà trường, giáo viên mầm non trong việc xác định mục tiêu, xây dựng kế hoạch, lựa chọn nội dung chăm sóc, giáo dục và đánh giá sự phát triển của trẻ năm tuổi trong thực hiện Chương trình GDMN, góp phần nâng cao chất lượng cho trẻ năm tuổi vào lớp 1.

Tuy nhiên, sau hơn 10 năm triển khai, trẻ em hiện nay có bước phát triển khá nhanh nên bộ chuẩn cần phải cập nhật, điều chỉnh. Công tác tuyên truyền, phối hợp với cha mẹ và cộng đồng trong việc sử dụng Bộ chuẩn phát triển trẻ em trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ năm tuổi hiện nay còn hạn chế. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, sau 10 năm ban hành, Bộ chuẩn đã có một số điểm không còn phù hợp, cần được nghiên cứu và điều chỉnh tương thích với sự phát triển của đất nước và sự phát triển của trẻ trong giai đoạn hiện nay.

Theo cô Lê Thị Bích Dung, Hiệu Trưởng Trường Mầm non Trường Lạc (quận Ô Môn, TP Cần Thơ), so với 10 năm trước, sự phát triển của trẻ mầm non 5 tuổi ngày nay đã rất khác, đặc biệt là khả năng nhận thức, hiểu biết, ngôn ngữ… Do đó cần có sự thay đổi để phù hợp với thực tế phát triển xã hội.

Cô Dung cho biết thêm, Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi theo Thông tư 23/2010 đã không còn phù hợp với năng lực, phẩm chất của trẻ hiện nay. Vì vậy yêu cầu của chuẩn mới cho trẻ mầm non 5 tuổi cần phải phù hợp với sự phát triển của trẻ.

Đặc biệt quan trọng là bộ chuẩn phải phù hợp nhu cầu phát triển hiện nay, yêu cầu tạo cơ hội cho trẻ vận dụng các kiến thức, kỹ năng cơ bản để giải quyết một số vấn đề xảy ra xung quanh (tránh người xa lạ, không lại gần người đang hút thuốc lá, vấn đề bảo vệ môi trường, các tình huống ứng xử trong giao tiếp...)

Lứa tuổi mầm non là giai đoạn quan trọng nhất trong sự phát triển.
Lứa tuổi mầm non là giai đoạn quan trọng nhất trong sự phát triển.

Phát huy “giai đoạn vàng” của trẻ

Lứa tuổi mầm non là giai đoạn quan trọng nhất trong sự phát triển của mỗi con người, là “giai đoạn tuổi vàng”, “cửa sổ của các cơ hội” để có thể giáo dục, khai mở khả năng còn tiềm ẩn của bộ não trẻ.

Việc chăm sóc và giáo dục phù hợp, đầy đủ, toàn diện cho trẻ mầm non là nhiệm vụ cấp thiết để thực hiện các quyền cơ bản của trẻ em, đảm bảo công bằng xã hội, nâng cao chất lượng nòi giống, nguồn nhân lực tương lai của đất nước...

Theo bà Ngô Thúy Anh, Phòng GDMN - TH (Sở GD&ĐT Đồng Tháp), tư vấn, hỗ trợ trẻ trong hoạt động giáo dục và dạy học đóng vai trò rất quan trọng. Môi trường học tập rất mới mẻ, hấp dẫn, chứa đựng nhiều điều lí thú, nhưng cũng ẩn chứa nhiều khó khăn đối với trẻ.

Việc hiểu rõ yêu cầu của hoạt động học tập, đặc biệt trong bối cảnh xã hội hiện nay, cũng như hiểu rõ về đặc điểm tâm lí, khả năng đáp ứng những yêu cầu, khó khăn các em có thể gặp phải... có ý nghĩa quan trọng trong việc phòng ngừa, phát hiện sớm, hỗ trợ để trẻ đạt được sự phát triển cân bằng và ổn định, thực hiện tốt các dạng hoạt động khác nhau.

Về giải pháp, theo bà Thúy Anh, hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ trong nhà trường quyết định trực tiếp sự phát triển tâm lí, nhân cách của trẻ. Đây là hoạt động đặt ra nhiều yêu cầu về nội dung, phương pháp, hình thức lĩnh hội tri thức, kĩ năng, kĩ xảo, rèn luyện đạo đức, nhân cách… nên trẻ sẽ gặp những khó khăn nhất định và cần được hướng dẫn, hỗ trợ để thực hiện những yêu cầu đó.

Để làm được điều này, bên cạnh việc tổ chức, điều khiển hoạt động giáo dục, dạy học, định hướng hoạt động tự học và tự rèn luyện của trẻ, giáo viên cũng cần đồng hành, theo sát và kịp thời phát hiện những khó khăn riêng của từng trẻ khác nhau; từ đó, phối hợp với các lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường nhằm tìm ra biện pháp, cách thức hỗ trợ phù hợp, giúp trẻ thực hiện tốt hoạt động học tập và rèn luyện.

Ngoài giáo dục và dạy học để phát triển tâm lí, nhân cách cho học sinh thì giáo viên có thêm công việc “tư vấn, hỗ trợ” để giúp trẻ đạt được mục đích của giáo dục và dạy học. Mục đích tư vấn, hỗ trợ trẻ trong hoạt động giáo dục và dạy học là nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ và trợ giúp trẻ trong mọi mặt của đời sống, học tập và rèn luyện…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ