Phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi: Khó khăn song hành đổi mới

GD&TĐ - Nhằm nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ 5 tuổi, các trường mầm non không chỉ tăng cường cơ sở vật chất mà còn tích cực vận động, tuyên truyền trẻ ra lớp. Tuy nhiên, việc nâng cao chất lượng phổ cập GDMN, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa, vẫn gặp không ít khó khăn.

Một tiết học ngoài trời của tại Trường Mầm non Trác Văn, tỉnh Hà Nam. Ảnh: NTCC.
Một tiết học ngoài trời của tại Trường Mầm non Trác Văn, tỉnh Hà Nam. Ảnh: NTCC.

Đẩy mạnh các giải pháp đáp ứng nhu cầu mới

Trường Mầm non Trác Văn, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam là trường thuộc địa bàn nông thôn gồm có hai điểm trường, điểm trung tâm Mồng 8-3 và điểm lẻ 19-5. Những năm qua, ngay từ đầu năm học, Trường Mầm non Trác Văn đã tăng cường công tác duy trì sĩ số và phát triển phổ cập giáo dục, đặc biệt chú trọng nâng cao phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi, và ghi nhận kết quả tích cực.

Năm học 2020 – 2021, việc nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục của nhà trường nhìn chung đạt kết quả cao. Riêng, kết quả phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ 5 tuổi huy động 169/169 trẻ 5 tuổi ra lớp, đạt 100% phổ cập độ tuổi.

Nhà giáo Nguyễn Thị Hằng, Hiệu trưởng Trường Mầm non Trác Văn, chia sẻ: Đối với công tác phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi, so với năm học 2019 – 2020, năm học 2020 – 2021, công tác phổ cập của nhà trường đã chủ động hơn và ghi nhận nhiều kết quả tích cực hơn. Chúng tôi phân công cán bộ, giáo viên phụ trách công tác điều tra các hộ gia đình ở từng thôn xóm, đảm bảo sự chính xác và thường xuyên cập nhật hồ sơ của trẻ em trong độ tuổi. Đồng thời, nhà trường phối hợp chặt chẽ với các bậc học để duy trì và nâng cao các tiêu chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

Đầu năm học, nhà trường đảm bảo đủ 2 giáo viên mỗi lớp, chuẩn bị cơ sở vật chất, tài liệu và thiết bị đồ chơi cho lớp 5 tuổi. Năm học vừa qua, 169 trẻ 5 tuổi nhà trường đã hoàn thành chương trình GDMN, đạt tỷ lệ 100%. Tỷ lệ chuyên cần của trẻ cũng đạt 100% còn tỷ lệ trẻ mẫu giáo 5 tuổi bị suy dinh dưỡng còn 0%.

Cần nhiều biện pháp nâng cao chất lượng phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi. Ảnh: NTCC.

Cần nhiều biện pháp nâng cao chất lượng phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi. Ảnh: NTCC.

Để đạt kết quả tích cực trong việc nâng cao chất lượng phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi, theo cô Hằng, nhà trường phải xây dựng và duy trì thực hiện nhiều giải pháp đáp ứng nhu cầu, chương trình mới.

Nhà trường chú trọng công tác tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp ngay từ đầu năm học; đồng thời, quản lý, duy trì sĩ số, duy trì tỷ lệ chuyên cần và coi đó là một chỉ tiêu để xếp loại thi đua.

Đồng thời, tranh thủ sự ủng hộ của cấp uỷ Đảng, chính quyền và các ban ngành đoàn thể của địa phương nhằm củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi trên địa bàn.

Công tác xã hội hóa giáo dục cũng được nhà trường tiếp tục chú trọng nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân và cộng đồng. Qua đó, giúp đỡ học sinh nghèo, tạo điều kiện để các em được đến trường.

Những năm qua, công tác xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh, nhà trường huy động các nguồn lực từ nhân lực, vật lý và trí lực. Các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn xã đã ủng hộ giúp nhà trường hoàn thiện cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng phòng học, môi trường học để trẻ em được vui khỏe tại trường, phụ huynh yên tâm cho con đến trường.

Ngoài ra, nhà trường thực hiện mô hình mới với chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” để trẻ được học, chơi thoả thích tại trường. Tất cả trẻ đều được tạo cơ hội học tập thông qua vui chơi và bằng nhiều cách khác nhau phù hợp với nhu cầu, hứng thú và khả năng của trẻ. Kỹ năng giao tiếp được nâng cao, trẻ mạnh dạn, tự tin cởi mở với bạn bè, với thày cô giáo và những người xung quanh...

“Trong năm học tiếp theo, nhà trường sẽ tiếp tục duy trì tốt công tác phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi và xây dựng đề án phát triển phổ cập giáo dục cho trẻ 4 tuổi”, cô Hằng cho biết.

Đầu tư nâng cao chất lượng phổ cập GDMN được các nhà trường chú trọng. Ảnh minh họa.

Đầu tư nâng cao chất lượng phổ cập GDMN được các nhà trường chú trọng. Ảnh minh họa.

Cần sự quan tâm kịp thời

Đồng tình với quan điểm của nhà giáo Nguyễn Thị Hằng, cô Nguyễn Thị Huỳnh Mai, thị trấn Tiểu Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh, cho biết những năm qua, công tác phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi của nhà trường diễn ra tương đối thuận lợi, suôn sẻ.

Để nâng cao công tác phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi, bên cạnh quan tâm, đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, nhà trường luôn theo dõi sát sao số lượng trẻ mầm non tại địa phương và nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục mầm non với trẻ.

Hàng năm, trước đầu năm học, nhà trường tiến hành rà soát số lượng trẻ mầm non 5 tuổi tại địa phương và vận động phụ huynh cho trẻ đến trường. Giáo viên chủ động quan tâm hỏi han tình hình của gia đình, phân tích cho phụ huynh hiểu những lợi thế khi trẻ được đến trường như xây dựng kỹ năng, chuẩn bị tâm thế vào lớp 1...

Bên cạnh những thuận lợi, việc nâng cao chất lượng phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi còn nhiều khó khăn, đặc biệt tại các vùng nông thôn, miền núi.

Tại Trường Mầm non xã Đắk Ang, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, 100% trẻ em nhà trường là người dân tộc thiểu số, nhiều phụ huynh không có việc làm, đời sống còn bấp bênh. Do đó, việc quan tâm cho trẻ đến trường chưa cao.

Theo cô giáo Y Lót, cơ sở vật chất nhà trường còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt có một điểm trường còn thiếu nước sạch để dùng. Giáo viên phải thường xuyên đến từng nhà vận động phụ huynh cho trẻ ra lớp và đẩy mạnh tuyên truyền về tầm quan trọng của chương trình mẫu giáo lớp 5 đối với trẻ và học phổ thông sau này.

“Những năm qua, được sự quan tâm của địa phương, việc phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi của trường dần khởi sắc. Tuy nhiên, các trường mầm non vùng nông thôn, miền núi còn nhiều khó khăn, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời và chính sách đặc biệt để nâng cao chất lượng GDMN nói chung và cho trẻ em 5 tuổi”, cô Y Lót bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.