Làm chủ công nghệ số
Sau lớp tập huấn chuyên đề Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong trường học vào đầu kỳ nghỉ hè của năm 2025, Ban giám hiệu Trường THCS Nguyễn Huệ (Hải Châu, Đà Nẵng) đã tổ chức cuộc thi thiết kế bài giảng ứng dụng AI trong dạy học năm học 2025 - 2026. Đợt tập huấn do chuyên gia - giảng viên chuyên của Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng đứng lớp, hướng dẫn giáo viên nhà trường cách sử dụng các ứng dụng liên quan đến AI, phần mềm trong thiết kế bài giảng, hỗ trợ việc dạy và học.
Ông Võ Thanh Phước - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ cho biết: “Nếu giáo viên chưa sử dụng nhiều các ứng dụng liên quan đến AI, các phần mềm trong thiết kế bài giảng, hỗ trợ việc dạy và học thì lúng túng trong vận dụng vào công việc thực tế. Vì vậy, sau đợt tập huấn, việc phát động cuộc thi này trong hội đồng sư phạm nhà trường là cách để thầy cô chủ động tìm hiểu, thử nghiệm các ứng dụng AI trong dịp hè. Giáo viên sẽ nộp sản phẩm trước ngày 10/8”.
Cuộc thi của Trường THCS Nguyễn Huệ tập trung vào việc thiết kế các bài giảng theo Chương trình GDPT 2018, trong đó giáo viên ứng dụng AI một cách hiệu quả vào ít nhất một trong các khâu: Soạn bài và xây dựng học liệu, sử dụng AI để tạo nội dung, hình ảnh, video, sơ đồ tư duy, câu hỏi trắc nghiệm...; Tổ chức hoạt động học tập, AI hỗ trợ cá nhân hóa, phân nhóm, gợi ý nhiệm vụ học tập phù hợp năng lực học sinh; Đánh giá và phản hồi, dùng AI để thiết kế công cụ kiểm tra, phân tích kết quả học tập, cung cấp phản hồi tự động.
Theo ông Võ Thanh Phước, đây sẽ là kho học liệu dùng chung trong nhà trường với mục tiêu nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo cho đội ngũ giáo viên; thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Đồng thời tạo sân chơi tích cực giúp thầy cô nhà trường giao lưu chia sẻ kinh nghiệm hình thành cộng đồng giáo viên tiên phong trong chuyển đổi số.
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Trà Nam (Trà Linh, Đà Nẵng) xây dựng kế hoạch trong tháng 8 sẽ tổ chức các chuyên đề tập huấn để nâng cao năng lực số cho giáo viên.
Ông Võ Đăng Chín - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, giáo viên sẽ thực hành các thao tác liên quan đến học bạ số như nhập dữ liệu, cập nhật mã định danh của học sinh, lưu trữ trên hệ thống, sử dụng chữ ký số, cách nhận xét học sinh ở các môn học khi làm học bạ số...
Với những giáo viên hợp đồng mới của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Trà Nam sẽ được hướng dẫn thêm về công nghệ thông tin để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của nhà trường.
Thầy cô buộc phải sử dụng thành thạo các phần mềm trên hệ thống Vnedu như quản lý điểm, báo giảng, kế hoạch dạy học, thiết lập các theo dõi quản lý học sinh, mượn sách, thiết bị thư viện… Tài khoản trên Vnedu đã được nhà trường tạo và giao cho giáo viên để có thể làm quen trước với số hóa trong công tác dạy học.

Tiếp sức cho giáo viên đổi mới
Bên cạnh việc đảm bảo thời gian nghỉ ngơi trong kỳ nghỉ hè, Trường Mầm non Cẩm Vịnh (Cẩm Bình, Hà Tĩnh) đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên. Theo dự kiến, vào đầu tháng 8, nhà trường sẽ phối hợp với chính quyền địa phương để tổ chức một đợt tập huấn chuyên sâu, một phần trong chuỗi 4 chuyên đề tập huấn thường niên của nhà trường.
Trong đợt tập huấn này, giáo viên sẽ được phổ biến những văn bản mới của ngành Giáo dục - từ hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, đến các chỉ thị và quy định của Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, cùng quy trình hoạt động của chính quyền địa phương sau khi sáp nhập. Việc này nhằm giúp giáo viên hiểu rõ cơ chế quản lý mới, phục vụ hiệu quả cho công tác xây dựng kế hoạch giảng dạy, đánh giá và báo cáo chuyên môn.
Hiệu trưởng Trường Mầm non Cẩm Vịnh, bà Biện Thị Diên cho biết, trước đây khi còn trực thuộc huyện Cẩm Xuyên, nhà trường vận hành theo mô hình truyền thống, với khung chương trình ít thay đổi. Tuy nhiên, sau sáp nhập, Ban giám hiệu quyết tâm đổi mới toàn diện. Trường Mầm non Cẩm Vịnh đã mời các chuyên gia về phương pháp Montessori, STEM… hướng dẫn giáo viên xây dựng lớp học lấy trẻ làm trung tâm, sử dụng linh hoạt giáo cụ và phát triển các hoạt động giúp trẻ rèn luyện tư duy và kỹ năng xã hội.
Bước vào năm học mới, Trường Mầm non Cẩm Vịnh sẽ tổ chức cho giáo viên đi tham quan thực tế tại các cơ sở mầm non tiêu biểu để học hỏi mô hình lớp học hiện đại và kinh nghiệm tổ chức hoạt động hiệu quả. Kinh phí cho các hoạt động này được trích từ ngân sách chuyên môn hàng năm do địa phương cấp.
Không chỉ tham gia tập huấn tại trường, nhiều giáo viên còn chủ động tận dụng kỳ nghỉ hè để tự học và nâng cao trình độ. Cô Nguyễn Thị Loan - Trường Mầm non Bắc Hà (Thành Sen, Hà Tĩnh), cho biết trong ba năm liên tiếp, cô đã dành kỳ nghỉ hè để theo học chuyên sâu về phương pháp Montessori tại Hà Nội.
Nhờ những buổi thực hành trực tiếp, cô đã làm chủ cách thiết kế góc học tập “lấy trẻ làm trung tâm” và biến các ý tưởng đó thành hoạt động hấp dẫn, phù hợp với trẻ mầm non. Nhờ đó, lớp của cô luôn duy trì thành tích tiên tiến và là hình mẫu cho đồng nghiệp trong trường noi theo.
Trong khi đó, cô Đinh Thị Thu Hiền - Trường Tiểu học Nam Hà (Thành Sen, Hà Tĩnh) lại chọn nâng cao kỹ năng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Cô tham gia nhiều khóa học ngắn hạn như “5 ngày cùng Canva”, “5 ngày bứt phá năng lực giáo viên bằng AI”…
Từ những kiến thức tích lũy, cô Hiền đã tự tay thiết kế các bài giảng điện tử và tài liệu tương tác, giúp tiết học sinh động và hiệu quả hơn. Không dừng lại ở đó, cô còn quản lý và điều hành Câu lạc bộ Sunday Teacher - nơi cô chia sẻ miễn phí tài liệu và kinh nghiệm giảng dạy qua các buổi học trực tuyến vào Chủ nhật hàng tuần. Câu lạc bộ đã thu hút hàng trăm giáo viên từ khắp nơi trên cả nước tham gia.
“Mỗi kỳ nghỉ hè là cơ hội quý báu để giáo viên bồi dưỡng, nâng cao năng lực cá nhân. Việc ứng dụng công nghệ không chỉ giúp cải thiện chất lượng bài giảng, mà còn tạo cảm hứng học tập cho học sinh. Quan trọng hơn, việc tự học giúp giáo viên thêm tự tin khi bước vào năm học mới”, giáo viên Trường Tiểu học Nam Hà chia sẻ.

Giáo viên làm chủ công nghệ
Thầy Nguyễn Văn Tuấn, Tổ trưởng Tổ Lịch sử - Địa lí, Trường THCS Nguyễn Huệ chia sẻ: “Qua các lớp tập huấn do nhà trường tổ chức, chúng tôi có thêm nền tảng để tìm hiểu sâu hơn trong sử dụng các phần mềm trí tuệ nhân tạo AI vào dạy học, kiểm tra, đánh giá, quản lý hồ sơ... Phần lớn giáo viên có sự thích ứng nhanh trong sử dụng các công cụ hỗ trợ giảng dạy hiện đại cũng như ứng dụng AI trong quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”.
Tuy nhiên, theo thầy Tuấn, AI là công cụ mới và có nhiều phần mềm trí tuệ nhân tạo phái sinh nên lựa chọn ứng dụng nào để sử dụng cho phù hợp với khả năng của từng thầy cô, đặc thù môn học cũng như điều kiện cơ sở vật chất của bản thân giáo viên và nhà trường là một trở ngại. Việc khám phá các tính năng của từng công cụ cần phải có nhiều thời gian.
“Qua thảo luận với các tổ chuyên môn, chúng tôi ghi nhận nhiều thầy cô có nguyện vọng được chuyên gia hỗ trợ, giới thiệu ứng dụng nào phù hợp với hoạt động giáo dục nào, môn học nào để bớt đi thời gian dùng thử nghiệm. Như với môn Lịch sử, giáo viên có thể sử dụng ứng dụng tham quan thực tế ảo với các bảo tàng đã số hóa các hiện vật. Hay với môn Địa lí, thầy cô có thể ‘đưa’ học sinh ‘đến’ với bất kỳ địa điểm nào trên thế giới chỉ với ứng dụng Google Earth” - thầy Tuấn chia sẻ.
Trong khi đó, cô Mai Thị Thu Hà - Trường THPT Duy Tân (Quảng Phú, Đà Nẵng) cho rằng, hiện nay, một bộ phận lớn thầy, cô giáo đang sử dụng các ứng dụng phái sinh AI miễn phí. Vì vậy, thời gian và tính năng sử dụng công cụ đều sẽ bị giới hạn. Thế nhưng, để mua phần mềm có bản quyền thì không phải thầy cô nào cũng có khả năng.
Thầy Nguyễn Văn Tuấn cho biết, tổ chuyên môn Lịch sử - Địa lí Trường THCS Nguyễn Huệ đang thảo luận hướng tới thống nhất chọn một phần mềm để có thể mua và sử dụng chung một tài khoản nhằm sử dụng các tính năng nâng cao phục vụ cho hoạt động dạy học.
“Với xu hướng hiện nay, thầy, cô giáo không thể không sử dụng các sản phẩm AI để soạn giảng, tổ chức hoạt động dạy học, kiểm tra - đánh giá. Tuy nhiên, dùng công cụ nào thì thầy cô cần phải có thời gian nhất định để chọn lọc. Giáo viên phải làm chủ công nghệ thì mới có thể định hướng được năng lực số cho học sinh cũng như trang bị cho các em khả năng tự học, sử dụng AI như một công cụ để hỗ trợ cho việc học tập chứ không phụ thuộc hoàn toàn vào nó” - thầy Tuấn nhận xét.
Ông Phạm Tấn Ngọc Thụy - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng, cho biết, để nâng cao năng lực đội ngũ đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, các trường học chủ động tổ chức chương trình tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu về chuyển đổi số, công nghệ mới AI, IoT, dữ liệu lớn (Big Data) cho cán bộ giáo viên; hỗ trợ giáo viên sử dụng hiệu quả các công cụ công nghệ phục vụ dạy học hiện đại.
Mỗi trường đều có 1 - 2 giáo viên “hạt nhân” công nghệ làm đầu mối hỗ trợ chuyên môn và tập huấn nội bộ; gắn công tác đánh giá, thi đua khen thưởng với mức độ ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới trong giảng dạy.
TS Trần Văn Hưng - Khoa Toán - Tin, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), cho rằng: Nếu am hiểu và biết cách sử dụng AI hiệu quả có thể giúp giáo viên đổi mới, sáng tạo, sử dụng công cụ trí tuệ nhân tạo hỗ trợ trong thiết kế bài giảng, video phù hợp với học sinh các cấp hoặc môi trường đại học… Tuy nhiên, khi sử dụng AI cũng cần lưu ý các vấn đề về đạo đức, bảo mật. Người dùng không nên phụ thuộc vào AI mà hãy làm chủ AI và sử dụng AI một cách có trách nhiệm.