Giáo dục trẻ mầm non 5 tuổi: Sẵn sàng tâm thế cho trẻ vào lớp 1

Giáo dục trẻ mầm non 5 tuổi: Sẵn sàng tâm thế cho trẻ vào lớp 1

An toàn và chất lượng

Ông Vũ Đức Thọ, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định cho biết: Học sinh các trường mầm non đi học trở lại, những yêu cầu chúng tôi đặt ra cho các trường là dinh dưỡng, an toàn thực phẩm, phòng chống dịch và bảo đảm chất lượng dạy học. Đến thời điểm này các trường MN trên địa bàn tỉnh đều nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Sở GD&ĐT. Việc nuôi dạy trở lại nếp cũ, có chăng là nhà trường khắt khe hơn với yêu cầu về vệ sinh trường lớp, thực phẩm. Còn đối với lớp trẻ MN 5 tuổi, lứa tuổi tiền học đường có ý nghĩa rất quan trọng, nhà trường đều lên kế hoạch dạy bù, đủ để các cháu có đủ kiến thức vào lớp 1 theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Ba Chẽ - huyện vùng cao của tỉnh Quảng Ninh, với 463 trẻ 5 tuổi đến lớp là cố gắng lớn của ngành bởi người sống phân tán khắp các khe thôn bản, giao thông đi lại cách trở. Việc đón học sinh đi học trở lại bảo đảm an toàn và chất lượng là ưu tiên hàng đầu của các trường. Bà Hoàng Thị Oanh, Trưởng phòng GD&ĐT Ba Chẽ cho biết: Các trường đều yêu cầu về an toàn bữa ăn cho các con. Không chỉ là đủ khẩu phần mà vấn đề dinh dưỡng và vệ sinh phải bảo đảm. Về chất lượng GD, đối với trẻ 5 tuổi, các biện pháp dạy bù, dạy đủ đều được nhà trường triển khai. Với xã vùng dân tộc, tăng cường ôn và bổ sung kiến thức về ngôn ngữ tiếng Việt được đội ngũ chú trọng.

Tại Vĩnh Phúc, bà Vũ Thị Bích Ngọc, Trưởng phòng GDMN (Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc) chia sẻ: Toàn tỉnh có 25.149 trẻ mẫu giáo 5 tuổi ra nhóm, lớp đạt 100%. Đón trẻ đi học trở lại, việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm và nuôi dạy được các trường thực hiện nghiêm túc. Thực hiện chỉ đạo của Sở GD&ĐT, 100% trường MN đều chú trọng dạy trẻ nhận biết 29 chữ cái, chữ số từ 1 đến 10 và các kiến thức, kĩ năng cần thiết, bảo đảm 100% trẻ 5 tuổi đạt chuẩn 5 tuổi và hoàn thành chương trình GDMN trước khi bước vào lớp 1.

Giáo dục trẻ mầm non 5 tuổi: Sẵn sàng tâm thế cho trẻ vào lớp 1 ảnh 1
Ảnh minh họa/ INT

Sẵn sàng vào lớp 1

Năm học 2019 - 2020, Trường MN Hải Lý, huyện Hải Hậu (Nam Định) có 17 nhóm lớp với 697 học sinh, trong đó học sinh 5 tuổi là 210 cháu. Cô Nguyễn Kim Anh, Hiệu trưởng Trường MN Hải Lý cho hay: Trong thời gian nghỉ dịch, để các con, đặc biệt là học sinh 5 tuổi không đến trường mà vẫn tiếp thu đầy đủ kĩ năng, kiến thức, GV tự tìm hiểu, sáng tạo nhiều nội dung hấp dẫn, thú vị và có ích để lên giáo án, dàn dựng, thiết kế và quay video hướng dẫn trẻ ôn tập. Khi HS đi học trở lại, các cô dạy bổ sung nội dung cơ bản thuộc 5 lĩnh vực: Phát triển thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm, kĩ năng xã hội, thẩm mỹ… bảo đảm đủ kiến thức vào lớp 1.

Cô Hoàng Thị Vân, Hiệu trưởng Trường MN Hà Lầm, TP Hạ Long (Quảng Ninh) thông tin: Trong những ngày nghỉ, GV vẫn duy trì việc dạy học theo nhiều hình thức tương tác với trẻ trong lớp thông qua cha mẹ. Các con được làm quen với chữ cái, mặt số, tìm hiểu về môi trường xã hội, cây cối, con vật gần gũi với trẻ, chơi trò chơi... HS đi học trở lại, nhà trường yêu cầu GV không dạy trước chương trình lớp 1 cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi; Tăng cường hoạt động giáo dục kĩ năng sống, phát triển vận động cho trẻ; linh hoạt trong việc lồng ghép, tích hợp nội dung vệ sinh, biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong các hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ, bảo đảm cung cấp đủ kiến thức theo quy định.

Còn theo Hiệu trưởng Trường MN thực hành Hoa Sen, trực thuộc Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương (Hà Nội) - cô Nguyễn Thị Thanh, là trường MN thực hành nên yêu cầu về chất lượng lại càng khắt khe. Đặc biệt đối với trẻ 5 tuổi, các cô giáo đều thực hiện vừa dạy vừa bổ sung những chuyên đề cần thiết mang tính cốt lõi bảo đảm kiến thức theo quy định. Đồng thời lưu ý biện pháp chăm sóc trẻ trong mùa nắng nóng thông qua chế độ dinh dưỡng, bài tập và môi trường sinh hoạt sạch sẽ. 

Theo PGS.TS Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ GDMN (Bộ GD&ĐT), để bảo đảm yêu cầu chất lượng, nhất là với trẻ mẫu giáo 5 tuổi chuẩn bị vào lớp 1, các cơ sở GDMN cần thống nhất, hướng dẫn GV lựa chọn nội dung giáo dục cốt lõi, cần thiết, ưu tiên tổ chức hoạt động giáo dục giúp trẻ đạt những kiến thức, kỹ năng cần thiết, có tâm thế tốt để vào học lớp 1.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thực phẩm đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển não bộ ở trẻ. Ảnh minh họa: INT

Thực phẩm ảnh hưởng tới trí nhớ

GD&TĐ - Chế độ ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ và chiên rán, nhiều đường làm giảm khả năng học tập và trí nhớ, cũng như tăng nguy cơ viêm nhiễm.