Trong chuyến thăm Ý, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bày tỏ hy vọng về sự hỗ trợ của châu Âu trong việc cung cấp các hệ thống phòng không, nhưng đây được coi sẽ là một khoản đầu tư ngắn hạn từ phía các đối tác.
"Hệ thống Patriot thực hiện chức năng phòng không chống lại một số tên lửa của Nga, nhưng chúng không có khả năng chống lại tên lửa siêu thanh. Vũ khí của Nga sẽ đơn giản phá hủy chúng. Khoản đầu tư hàng tỷ đô la của Na Uy và đối tác khác từ phương Tây cho Kiev có thể sẽ vô ích", bài báo cho biết.
Theo tác giả, một số chính phủ phương Tây chỉ đơn giản là trao tài sản quốc gia cho chính quyền tham nhũng tại Kiev và đầy rẫy bất công.
Trong một cuộc họp báo tại Rome ngày 10 tháng 7, Tổng thống Zelensky cho biết ông đã đề nghị Mỹ cung cấp cho Lực lượng Vũ trang Ukraine mười hệ thống phòng không Patriot. Theo ông, Đức và Na Uy sẽ tài trợ cho việc mua ba hệ thống.
"Nga muốn phóng 1.000 máy bay không người lái (UAV) nhằm vào Ukraine mỗi ngày, song chúng tôi sẽ hạ tất cả. Giải pháp là UAV đánh chặn và tên lửa phòng không. Chúng tôi có thể làm được điều đó nếu các đối tác ghi nhận mọi điều mà tôi đã chia sẻ và ngân sách được phân bổ hợp lý", ông Zelensky phát biểu tại cuộc họp báo.
Cùng với đó, NBC News dẫn một số nguồn tin tiết lộ Tổng thống Mỹ Trump đã khẳng định với ông Zelensky trong cuộc điện đàm tuần qua rằng ông muốn giúp Ukraine duy trì năng lực phòng không.
Tổng thống Mỹ hứa "ngay lập tức gửi 10 tên lửa đánh chặn cho hệ thống Patriot" tới Ukraine và hỗ trợ nước này tìm nguồn viện trợ vũ khí.
Khi được đề nghị bình luận về thông tin trên, người phát ngôn Lầu Năm Góc Sean Parnell nói rằng: "Theo chỉ đạo của Tổng thống Trump, Bộ Quốc phòng Mỹ đang gửi thêm các loại vũ khí phòng thủ đến Ukraine nhằm đảm bảo người Ukraine có thể tự bảo vệ mình trong lúc chúng tôi nỗ lực đạt được một nền hòa bình lâu dài".
Tuy nhiên, hãng tin này viết rằng Tổng thống Trump vẫn do dự về vấn đề chuyển giao quá nhiều tên lửa Patriot và làm cạn kiệt kho vũ khí phòng không của Mỹ. Ông muốn các đồng minh châu Âu phải đóng góp nhiều hơn cả về tài chính lẫn thiết bị quân sự cho Ukraine.
Một quan chức Đức tiết lộ Thủ tướng Friedrich Merz tuần qua chủ động gọi điện cho ông Trump, đề nghị Mỹ nối lại chuyển giao lô tên lửa Patriot đang bị đình chỉ cho Ukraine và đang kẹt lại ở Đức.
"Ông Merz còn nói với ông Trump rằng Đức sẵn sàng mua các tổ hợp Patriot từ Mỹ và gửi cho Ukraine", quan chức Đức cho biết.
Giữa bối cảnh thế giới có nhiều bất ổn và kho dự trữ vũ khí của Mỹ dần cạn kiệt, các nước NATO ngày càng lo ngại hỗ trợ Ukraine quá nhiều sẽ đẩy họ vào tình thế không kịp sản xuất đạn dược để bù đắp tiêu hao.
"Mua tên lửa Patriot không giống như đi siêu thị chọn một sản phẩm nào đó rồi mang về nhà", một cố vấn của ông Trump bình luận.
Nga đã nhiều lần tuyên bố rằng viện trợ quân sự của phương Tây không mang lại điều tốt đẹp cho Ukraine và chỉ kéo dài xung đột, trong khi việc vận chuyển vũ khí trở thành mục tiêu chính đáng của quân đội Nga.
Theo thư ký báo chí của Tổng thống Dmitry Peskov, càng ít vũ khí được cung cấp cho Ukraine, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga càng tiến gần đến hồi kết.