Tâm thế cho trẻ bước vào năm học mới

Tâm thế cho trẻ bước vào năm học mới

(GD&TĐ) - Để chuẩn bị cho con bước vào các lớp học đầu cấp, nhiều cha mẹ chỉ chú trọng đến việc tìm trường chuyên lớp chọn, hoặc cho trẻ luyện chữ, làm toán trước… Tuy nhiên, việc chuẩn bị tâm thế để trẻ có sự chuyển tiếp thành công cũng vô cùng quan trọng thì lại bị xem nhẹ hoặc bỏ qua. 

Chuẩn bị tâm thế - Đòi hỏi tất yếu

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, việc chuẩn bị tâm thế cho trẻ trong giai đoạn chuyển cấp là điều vô cùng cần thiết. 

Ở trẻ mầm non lên lớp 1, các bé sẽ có sự chuyển biến lớn từ mặt tâm lý đến thể chất. Các bé bắt đầu bước từ môi trường nhỏ, nhóm sang môi trường lớn. Bước vào bậc Tiểu học các bé sẽ thoát khỏi sự theo dõi từng li từng tí của cô, bố mẹ và được hành động tự lập theo điều mình mong muốn. Phần lớn những phản ứng của trẻ khi bước vào lớp 1 là do thay đổi môi trường, cô giáo mới, cách học mới, bạn bè mới. Các bé thường có phản ứng tâm lý bỡ ngỡ, rụt rè. Cũng vì bước từ chơi sang học nên việc ngồi im lặng, lắng nghe cô giảng bài đối với trẻ không hề dễ. Sự tiếp thu trong lớp học cũng khác nhau, em đã biết chữ có em chưa biết chữ, cùng đó các môn học cũng khiến trẻ cảm thấy bỡ ngỡ trước việc học bài; chưa ghi nhớ được những lời cô giáo giảng…

Với những đặc điểm này, người lớn cần giúp trẻ rèn luyện cho mình khả năng nắm bắt kiến thức từ thầy cô rồi tự làm tự học, đồng thời phải có được thời gian ngồi học ít nhất là 30 phút/ ngày… Khi trẻ mầm non bước vào bậc Tiểu học, người lớn (cha mẹ, cô giáo) cần có sự quan tâm xem trẻ có thích nghi kịp hay không? Tránh tạo ra những áp lực không cần thiết. Trong trường hợp trẻ bị ức chế, không thích nghi kịp sự chuyển biến cần có giải pháp phù hợp giúp trẻ. 

Tâm thế cho trẻ bước vào năm học mới ảnh 1
Em yêu trường em

Đối với trẻ ở bậc học Tiểu học lên THCS. Ở lứa tuổi này học sinh đã có sự chuyển biến nhiều mặt đặc biệt là mặt cơ thể vì vậy cần có sự chuẩn bị kỹ càng về mặt tâm lý và sức khỏe. Không những thế, bước vào bậc THCS cũng đồng nghĩa học sinh phải học nhiều môn học hơn, mức độ làm việc cao hơn, tự học nhiều hơn vì vậy cần có sự khích lệ và tạo điều kiện phù hợp để trẻ phát triển theo mong muốn. Ở lứa tuổi này, cha mẹ cũng tối kỵ việc coi trẻ là bé bỏng. Cần giúp trẻ mạnh dạn, tự tin để hòa nhập và dám làm những điều trong suy nghĩ của trẻ tưởng như mình không thể làm được. 

Khi trẻ bước vào bậc THPT. Đây là giai đoạn cần chuẩn bị tốt nhất cả về tâm lý lẫn kiến thức. Nếu không theo kịp kiến thức, cùng với tâm lý chán chường trẻ sẽ không theo kịp chương trình, chán nản, bỏ học. Ở bậc THPT, nhà trường và gia đình cần đẩy mạnh tính tự giác của học trò, thậm chí cần tạo ra những áp lực nhất định để trẻ phải phát huy hết công năng và học tập nghiêm túc. 

Giúp con vững bước

Theo TS. Lâm, ở từng lứa tuổi, mỗi bậc chuyển cấp thì học sinh có những đặc điểm tâm sinh lý khác nhau đòi hỏi cha mẹ cần quan sát và có sự chuẩn bị cho phù hợp. Cách làm của mỗi gia đình, cha mẹ không nhất thiết phải giống nhau, tùy từng đòi hỏi yêu cầu của trẻ để có mô thức phù hợp nhất. 

Chị Thanh Hà (Thanh Xuân) cho biết, rút kinh nghiệm từ những người bạn chỉ lo cho con học đọc, viết trước chương trình song khi vào năm học đầu cấp các bé vẫn loay hoay, thiếu tự tin hòa nhập. Chị Hà chú trọng dạy kỹ năng sống cho cậu con trai năm nay vào lớp 1. Theo chị, nếu không thông thạo những kỹ năng sống cơ bản như tự đi vệ sinh, rửa tay trước khi ăn, tự chăm sóc bản thân, tự bảo vệ mình, tự lập trong suy nghĩ và hành động… thì trẻ em sẽ khó mà hòa đồng, thân thiện với môi trường học tập mới. Bên cạnh việc tự dạy kỹ năng sống cho con, chị cũng cho cậu bé tham gia các khóa học kỹ năng sống tại các trung tâm. Con chị tỏ ra rất hứng thú vì cháu được vui chơi, trò chuyện với các bạn cùng độ tuổi. Trải nghiệm và học hỏi thông qua các tình huống thực tế, các chương trình dã ngoại, hoạt động ngoại khóa. Khóa học kỹ năng sống chỉ kéo dài trong vòng 2 – 3 tháng nhưng cũng đủ giúp con chị vững vàng hơn, đây cũng là hành trang cần thiết để bé tự tin bước vào chặng đường mới. 

Một lời khuyên với từ những nhà tâm lý giáo dục với các bậc phụ huynh, để tạo sự hứng khởi cho con bước vào học tập bên cạnh rèn luyện cho con những kỹ năng cần thiết nhất như hòa đồng thân thiện với bạn bè, tự giác học tập, tự lập thời gian biểu cá nhân; kỹ năng tập trung, tự tin trước đám đông… cha mẹ có thể kỳ công hơn đó là dẫn con đến làm quen những ngôi trường mà các con sẽ vào học. Ở lứa tuổi mầm non và tiểu học rất cần điều này. Khi các con thấy thân quen, gần gũi, hòa đồng sẽ tránh khỏi tâm lý ngại ngùng, rụt rè và mong muốn được tới trường.  

Đặc biệt, trong ngày khai giảng đầu tiên của thời đi học, hãy dắt tay con tới trường, hãy đưa con vào tận cửa lớp. Tối về cố gắng hỏi và lắng nghe những gì đã diễn ra vào buổi học đầu tiên của con. Cùng con chia sẻ những lo lắng và trấn an ngay những suy nghĩ, bộc bạch lo lắng nếu có. Làm sao để trẻ cảm thấy yên tâm nhất ngay từ những ngày đầu tiên chuyển sang môi trường học tập mới. 

Còn gia đình chị Hồng, anh Cường (Âu Cơ - Hà Nội) có con gái năm nay bước vào lớp 6 lại có những lo lắng khác, ở lứa tuổi này các cháu bắt đầu dậy thì, tâm lý đầy phức tạp. Lứa tuổi này đòi hỏi sự quan tâm đến tâm hồn tình cảm. Thông qua những trải nghiệm về cảm xúc, cha mẹ cần giúp con cái mạnh dạn và biết yêu thương, sẻ chia và đoàn kết trong các mối quan hệ với thầy cô, bạn bè, gia đình. 

Cô Phạm Hồng Hải - Giáo viên Trường THPT Phạm Hồng Thái cũng chia sẻ kinh nghiệm, lứa tuổi bước vào cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông cha mẹ càng gần gũi càng nói chuyện được với con nhiều càng tốt. Cha mẹ cần lắng nghe để hiểu biết càng nhiều càng tốt về nhà trường và kết quả học tập cũng như những khó khăn mà con gặp ở trường, lớp. Hãy sẵn sàng giúp khi con có những vướng mắc trong học tập hoặc trong quan hệ với thầy cô bạn bè. Có những điều không như ý, cha mẹ cần bình tĩnh, tránh mắng mỏ để giúp con hiểu được sai trái… 

Đứng trước mỗi ngưỡng cửa cuộc đời trẻ lại có sự biến chuyển về tâm sinh lý, lại có những thắc mắc, mong muốn, đòi hỏi khác. Và hơn thế, trẻ em không chỉ cần sữa mẹ để lớn mà còn cần cả tình yêu thương. Trong học tập cũng vậy, trẻ không chỉ cần sách vở, đồ dùng học tập, các bài giảng của thầy cô ở trường mà còn cần cả sự săn sóc, quan tâm thấu hiểu về tinh thần từ cha mẹ thầy cô.

Ba điều khuyên với cha mẹ: “Với các cháu trong giai đoạn chuyển cấp, cha mẹ cần biết chấp nhận những gì đạt được. Đừng áp đặt những kỳ vọng vào con cái để chê bai, thất vọng. Điều đó là vô cùng nguy hiểm, hãy kỳ công với con nhiều hơn kỳ vọng.

Cha mẹ cần chia sẻ với con cái, đừng để con bước một mình, làm sao để trẻ nếu thắng lợi thì không kiêu ngạo, nếu thất bại không quá khổ đau và âm thầm chịu đựng một mình. 

Cha mẹ nên tạo một tâm lý và suy nghĩ làm thế nào dám vượt qua chặng đường khó khăn nhất để đạt mục đích của mình, luôn phải tạo ra niềm tin chiến thắng. Thời gian để đạt được chiến thắng là bao lâu cần biết chấp nhận cho phù hợp với khả năng từng cá nhân”. 

TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội

Mai Hoàng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ