Tam nguyên ngũ kiệt. Kỳ 5: Vị Tam nguyên cuối cùng của nền khoa cử phong kiến Việt Nam

GD&TĐ - Vũ Phạm Hàm (1864 – 1906) tự Mộng Hải, hiệu Thư Trì, người làng Đôn Thư, huyện Thanh Oai (Hà Nội). Ông là vị Thám hoa cuối cùng của triều Nguyễn và của nền khoa cử phong kiến Việt Nam.

Trước cửa đền Kiếp Bạc, còn đôi câu đối do Vũ Phạm Hàm thủ bút: Vạn Kiếp hữu sơn giai kiếm khí/Lục Đầu vô thủy bất thu thanh.
Trước cửa đền Kiếp Bạc, còn đôi câu đối do Vũ Phạm Hàm thủ bút: Vạn Kiếp hữu sơn giai kiếm khí/Lục Đầu vô thủy bất thu thanh.

Xuất thân trong một gia đình truyền thống Nho học, Vũ Phạm Hàm lúc nhỏ đã sớm bộc lộ trí thông minh, nổi tiếng thần đồng. 20 tuổi thi hương đã đỗ thủ khoa năm Giáp Thân (1884).

8 năm sau đi thi hội và thi đình, ông đỗ đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ đệ tam danh, tức Thám hoa vào năm Nhâm Thìn (1892) nên thường được gọi là Thám Hàm.

Gò Đầm Sen sinh Thần đồng

Vũ Phạm Hàm cả đời gắn bó với giáo dục.

Vũ Phạm Hàm cả đời gắn bó với giáo dục.

Theo ghi chép của “Mộng Hồ gia tập”, thì tổ tiên của họ Vũ nguyên là họ Phạm. Đến đời tổ thứ 2, được người họ Vũ nuôi dưỡng nhận làm con nuôi nên từ đó đổi ra họ Vũ, hoặc kiêm dùng cả chữ “Phạm” để lấy họ là “Vũ Phạm”, thế nên gia phả ghi là “Phạm Vũ thị phả” có ý không quên gốc.

Vũ Phạm Hàm vốn gốc họ Phạm ở làng Chuông ngay phía dưới Đôn Thư, từ nhiều đời trước lên đây, làm con nuôi họ Vũ (thuộc dòng Vũ Công Trấn, nguyên Đông các đại học sĩ, Đô ngự sử, Tả thị lang Bộ binh đời chúa Trịnh Doanh).

Đến thời Nguyễn, dòng họ Vũ (Phạm) ở Đôn Thư đã có một số vị hiển đạt, như Phạm Quyền, tuy chỉ đỗ hương cống nhưng dạy học trò có nhiều người đỗ đại khoa, rồi được mời vào Huế dạy cho các Thế tử, Hoàng tôn tới 26 năm. Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức và cả Tôn Thất Thuyết, đều là học trò của cụ.

Cha của Vũ Phạm Hàm là một thầy đồ hay chữ nhưng nhà nghèo, còn bà mẹ làm ruộng và làm thêm cả nghề nón, vốn là nghề truyền thống của dân hai làng Chuông, Đôn Thư. Vũ Phạm Hàm nổi tiếng thông minh, hiếu học từ thuở nhỏ - và để lý giải cho tài năng bẩm sinh, người làng còn lưu truyền một giai thoại về sự sinh thành của Vũ Phạm Hàm.

Tương truyền từ thời Lê Sơ, đất học trong vùng là thuộc làng Tràng Cát, cách Đôn Thư khoảng 5 cây số, nhưng dân làng không biết, cho là “đất ma” nên làm lễ xua đuổi. “Ma” từ Tràng Cát dạt về khu Đầm Sen trước cửa làng Đôn Thư và ẩn vào trong một cái gò ven đường.

Từ đấy, đêm đêm người làng đều nghe có tiếng trẻ học bài từ khu Đầm Sen vọng lại. Về sau, dân Đôn Thư mới gọi gò này là gò “Thần đồng”.

Sáng sớm nào mẹ Vũ Phạm Hàm cũng phải đi qua Đầm Sen vào phiên chợ Chuông bán nón. Thế rồi một hôm, khi đi qua cái gò cạnh đầm, bà nghe có tiếng gọi: “Mẹ ơi, đi chợ về nhớ mua quà cho con”. Bà không để ý, do đang vội đi, nhưng trong bụng thì đã có phần hồ nghi. Đến phiên chợ sau, qua đây bà lại nghe có tiếng gọi như thế.

Lần này thì bà dừng hẳn lại, lắng nghe thêm nhưng không thấy gì bèn đi tiếp. Lần thứ ba, cũng vẫn tiếng gọi ấy, nhưng do đã quen và bạo dạn hơn, nên bà dừng lại hỏi: “Thế con ở đâu, để mẹ mua bánh về cho?”.

Lập tức có tiếng trả lời: “Mẹ cứ để ở gần chỗ mẹ đang đứng”. Từ đấy trở đi, lần nào đi chợ về bà cũng mua quà, đem đặt ở cạnh gò ven đường. Về sau bà nhớ lại, được bốn mươi ba lần như vậy.

Sau đó ít lâu thì bà có mang. Cũng từ đấy, đêm đêm ở phía Đầm Sen không còn tiếng trẻ học bài vọng về làng nữa. Chín tháng mười ngày sau thì bà sinh hạ một bé trai khôi ngô tuấn tú – vị Thám hoa tương lai.

Chiếc áo vua ban cho Tam nguyên Vũ Phạm Hàm.

Chiếc áo vua ban cho Tam nguyên Vũ Phạm Hàm.

Thám hoa cuối cùng

Cho đến nay, ở Đôn Thư vẫn còn lưu truyền câu chuyện Vũ Phạm Hàm, khi mới 3 tuổi, nghe cha giảng bài cho các học trò mà đã hiểu và nhớ mặt chữ. Năm lên 4 tuổi, cậu bé nói với mẹ đến chợ Chuông mua gà trống và chai rượu, để lên xin học thầy ở làng Kim Bài.

Bố mẹ ngạc nhiên, nói lớn lên mới đi học được, nhưng cậu bé bảo “chữ bố dạy cho các anh, con đều thuộc cả rồi”. Ông bố gọi con đến bên bàn, giở sách ra khảo hạch lại, thấy đúng như vậy thì đồng ý cho đi học.

Đêm trước ngày hai mẹ con mang lễ vật lên làng Kim Bài, thần làng này đến báo mộng cho các nhà chức sắc cho người quét tước sửa sang đường sá, để đón thần đồng nhập trường.

Sáng hôm sau, khi dân làng Kim Bài theo lời quét đường, thì thấy hai mẹ con Vũ Phạm Hàm mang lễ vật đến, hỏi thăm vào nhà thầy đồ. Đến nơi, ông thầy nhìn mặt Vũ Phạm Hàm thấy sáng láng lại lễ phép ứng đáp trôi chảy, bèn cho làm lễ nhập trường ngay. Năm lên 6 tuổi, học hành đã rất giỏi, lại có tài ứng đối, nên thầy rất yêu quý, đi đâu cũng cho theo hầu.

Khi ấy có quan Ngự sử Lê Văn Xuân người làng Kim Lâm, là chỗ bạn bẽ cũ của thầy đồ làng Kim Bài, từ kinh đô Huế về thăm nhà. Ông thầy dẫn Vũ Phạm Hàm sang chơi, cũng là có ý giới thiệu rồi gửi gắm cho quan, để Vũ có cơ hội được theo học ở trường Quốc tử giám Huế.

Lúc hai thầy trò đang còn đứng ở sân, quan Ngự sử từ trong nhà ra đón, nhìn thấy Vũ Phạm Hàm, đoán là học trò cưng, bèn chỉ vào hàng rào trước vườn mà đọc: Phên đan mắt cáo, mèo chui lọt. Vũ Phạm Hàm chắp tay, cúi đầu đọc luôn: Đó dóc lòng tôm, tép nhảy qua.

Vũ Phạm Hàm sau đó được học tại Quốc tử giám Huế, do sự bảo trợ của quan Ngự sử Lê Văn Xuân. Năm 13 tuổi ông đã dự thi hương, nhưng vì ít tuổi quá, nên không được lấy đỗ. Mấy năm sau, ông có việc nhà, phải về quê. Đến năm 1884 khi 20 tuổi, mới lại đi thi và đỗ đầu thi hương.

Năm 26 tuổi dự kỳ thi hội, nhưng năm ấy do có chuyện các sĩ tử phá trường thi, nên kết quả thi bị triều đình bác bỏ. Ba năm sau, mở thi hội lại, ông dự thi và đỗ hội nguyên. Tiếp đó thi đình, ông lại đỗ đình nguyên và được xếp ở bậc Thám hoa năm 29 tuổi.

Và cũng không ai có thể ngờ rằng, Vũ Phạm Hàm không chỉ là Tam nguyên cuối cùng, mà còn là Thám hoa cuối cùng của nền khoa cử phong kiến.

Lăng mộ Vũ Phạm Hàm tại Đôn Thư (Thanh Oai).

Lăng mộ Vũ Phạm Hàm tại Đôn Thư (Thanh Oai).

Trọn đời làm giáo dục

Sau khi thi đỗ, cũng như mọi Nho sinh cùng thời, Vũ Phạm Hàm ra làm quan. Đầu tiên, ông giữ chức Giáo thụ phủ Kiến Thụy (Thái Bình), rồi lần lượt lãnh chức Đốc học Hà Đông, Ninh Bình, Hà Nội, rồi làm Án sát Sơn Tây vào năm Tân Sửu (1901). Đương thời, ông nổi tiếng là một nhà giáo thanh bạch, một vị quan thanh liêm, được các môn sinh và giới trí thức cùng thời rất hâm mộ tài hoa và đức độ.

Là một nhà văn hóa tiêu biểu, ông có nhiều tác phẩm được nhiều người tìm đọc và đánh giá cao. Như thơ có: Kinh sử thi tập, Tập Đường thuật hoài, Mộng Hồ gia tập, Thư trì thi tập… Văn có: Thám hoa văn tập, Cầu Đơ tỉnh nhân phú, Hà kiều thành phú, Nhị Kiều khán binh thư phú.

Thơ văn của ông chủ yếu viết chữ Hán, được truyền tụng rộng rãi vì nội dung sâu sắc và nghệ thuật điêu luyện, giàu hình tượng được nhiều người thán phục. Văn Nôm ông ít làm, nhưng riêng bài “Hương Sơn phong cảnh” theo thể hát nói, dài 75 câu được nhiều người yêu thích so sánh với bài “Hương Sơn nhật trình ca” của Chu Mạnh Trinh.

Về thời đại Vũ Phạm Hàm sống và hoạt động, đó là một giai đoạn đầy biến động, vào lúc chế độ phong kiến Việt Nam đang khủng hoảng suy vong trầm trọng. Lúc này phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp đang suy yếu trước sức tấn công ác liệt của quân thù có súng ống hiện đại, lại được triều đình phong kiến giúp sức.

Trong tình hình đó, Vũ Phạm Hàm chủ yếu là hoạt động trong ngành giáo dục, hết đảm nhiệm chức Giáo thụ đến chức Đốc học nhiều nơi, trong đó có Hà Nội là trung tâm văn hóa – giáo dục cả nước.

Tài liệu để lại cho biết, khi lãnh chức Đốc học Hà Nội, ông còn kiêm sung “quán Đồng Văn” là một tờ báo ra đời trong thời điểm bắt đầu phong trào Duy Tân và Đông Kinh Nghĩa Thục.

Tất nhiên, trong hoàn cảnh lúc đó, mặc dù Vũ Phạm Hàm đã có những biến đổi bên trong. Và trong thực tế đã có một số hoạt động cụ thể, nhưng cũng chưa bộc lộ rõ rệt, dứt khoát, mà còn ở mức độ tình cảm, xu hướng.

Dù sao căn cứ vào đôi câu đối của ông đề ở đền Trung Liệt - Thái Hà (Đống Đa – Hà Nội), chúng ta vẫn nhận thấy tinh thần yêu nước kín đáo của ông:

“Thử thành quách, thử giang sơn, bách chiến phong trần dư xích địa/Vi nhật tinh, vi hà nhạc, thập niên tâm sự cộng thanh thiên”. Dịch: Này thành quách, này giang sơn, trăm trận phong trần còn dư thước đất/Làm trăng sao, làm sông núi, mười năm tâm sự chung một bầu trời.

“Dõi theo cuộc đời của Vũ Phạm Hàm – một cuộc đời không dài, trước sau chỉ có 43 năm. Thời gian trực tiếp hoạt động cũng chỉ có trên dưới 14 năm từ khi đỗ Thám hoa (1892) đến khi mất (1906). Tiếc rằng ông mất sớm nên chưa có điều kiện đi trọn con đường của một số sĩ phu yêu nước thức tỉnh cùng thời, như Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Đào Nguyên Phổ, và người gần gũi thân cận nhất với ông là Nguyễn Thượng Hiền”. GS. NGND Đinh Xuân Lâm

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ