Tam nguyên ngũ kiệt - Kỳ 4: Đốt lá để đọc sách

GD&TĐ - Nguyễn Khuyến (1835 - 1909) tên thật Nguyễn Thắng, hiệu là Quế Sơn, tự Miễn Chi. Ông sinh tại quê ngoại ở làng Văn Khế, xã Hoàng Xá, huyện Ý Yên, nay là huyện Bình Lục (Hà Nam).

Khu đền thờ từ đường nhà thơ Nguyễn Khuyến tại Hà Nam.
Khu đền thờ từ đường nhà thơ Nguyễn Khuyến tại Hà Nam.

Ham học và nổi tiếng chữ nghĩa

Chân dung nhà thơ Nguyễn Khuyến do ông Dương Lâm - em trai Tiến sĩ Dương Khuê vẽ.

Chân dung nhà thơ Nguyễn Khuyến do ông Dương Lâm - em trai Tiến sĩ Dương Khuê vẽ.

Nguyễn Thắng rất hiếu học. Có lần, thấy con vừa nhảy lò cò bên chõng tre, vừa thỏ thẻ đọc một bài trong Kinh Thi, ông đồ Huy (Nguyễn Tông Khởi) ngạc nhiên lắm, gọi lại hỏi: “Con đọc cái gì thế? Giảng nghĩa cha xem nào?”. Nguyễn Thắng thưa: “Đấy là bài học trong Kinh Thi, cha dạy mấy anh học mà”.

Thầy đồ Huy thích thú bảo con: “Con học lỏm mà nhớ như vậy là tốt. Từ mai, cha cho con một tập giấy, một cái bút mà viết, không phải viết bằng gạch non nữa”.

Từ đó, Thắng cặm cụi tập viết. Cậu bé học đến quên ăn, quên mọi việc diễn ra xung quanh. Một ngày, Thắng có thể đọc thuộc mấy chục trang. Ông đồ mừng lắm, cho cậu bé vào học cùng các anh trong lớp.

Do cảnh nhà thanh bần, chẳng có nổi dầu đèn để học, Thắng phải noi theo gương người xưa là đọc sách dưới ánh trăng tỏ. Những đêm không trăng, cậu bé đốt lá làm đèn.

Thấy con chăm chỉ chịu khó khác thường, còn nhỏ mà chữ nghĩa thông tuệ nên người cha bèn gửi cho người bạn dạy, xem thử trí tuệ con trai thực sự ra sao.

Tương truyền khi mới vào học, thấy Thắng nhỏ tuổi, nhiều bạn trong lớp tỏ vẻ coi thường. Nhưng cậu bé đã khiến các bạn phải kiêng nể.

Năm Quý Sửu (1853), biến cố bất ngờ ập xuống gia đình Nguyễn Thắng khi cha bị bệnh qua đời. Cảnh nhà vốn khó khăn, nay lại thêm tiêu điều, xơ xác. Nguyễn Thắng bấy giờ đã trưởng thành, phiêu bạt nay đây mai đó. Ông vừa đèn sách tự học, vừa đi dạy để đỡ đần gia đình.

Sau khi thi hội lần đầu không đỗ, Nguyễn Thắng ngồi nghĩ về cảnh buồn phiền của cuộc đời mình. Do cảnh nhà túng quẫn, ông phải chạy vạy, lo toan cuộc sống qua ngày nên không có thời gian học tập.

Nghĩ vậy, Nguyễn Thắng viết đi viết lại tên mình và nhận ra chữ Thắng tên mình có chữ “lực”. Chữ “lực nhỏ” gọi là “tiểu lực”. Nỗ lực không cao thì làm sao đỗ đạt?

Nguyễn Thắng soát lại trong đầu xem chữ nào có lực lớn và cuối cùng dừng lại ở chữ “Khuyến” và thầm nghĩ đổi tên thành Nguyễn Khuyến, với tinh thần quyết tâm phải nỗ lực học tập cho đến khi đỗ đạt cao mới thôi.

Ba lần đỗ đầu

Ở quê hương Bình Lục, người dân rất tin yêu và tôn Nguyễn Khuyến là “Thánh Nho”.

Ở quê hương Bình Lục, người dân rất tin yêu và tôn Nguyễn Khuyến là “Thánh Nho”.

Học không ngừng, năm 1864 Nguyễn Khuyến thi hương đỗ giải nguyên; năm 1871 thi hội đỗ hội nguyên và thi đình đỗ đình nguyên. Cả 3 lần đi thi, ông đỗ đầu, được gọi là “Tam nguyên Yên Đổ”.

Hiện nay, ở Bình Lục (Hà Nam) vẫn lưu truyền câu chuyện cảm động kể rằng, khi nghe tin Nguyễn Khuyến đỗ cao, bạn bè bàn nhau buộc ông phải khao to. Tất cả cùng đi tìm Nguyễn Khuyến. Họ đến những nhà trọ đắt tiền nhưng chẳng thấy bạn đâu.

Mãi sau, khi đến quán trọ bình dân ở xa trường thi, mọi người rất bất ngờ khi thấy Nguyễn Khuyến đang gối đầu lên ống quyển, mình trùm một chiếc áo dài nâu bạc, nằm trên chõng tre, ngủ ngon lành gần bếp nhà trọ.

Người bạn thân Dương Khuê vừa lay, vừa dựng Nguyễn Khuyến dậy và hỏi đỗ thủ khoa rồi, sao lại nằm đây? Nguyễn Khuyến nở nụ cười hiền lành, thật thà nói rằng, ít tiền quá không dám thuê chỗ ngủ, chỉ dám xin chủ nhà cho nằm ngủ nhờ dưới bếp. Bạn bè nghe xong, ai cũng xót thương, không còn ý bắt Nguyễn Khuyến khao nữa.

Sau khi đỗ đạt, năm 1873 Nguyễn Khuyến được triều đình nhà Nguyễn bổ làm Đốc học, rồi thăng Án sát tại tỉnh Thanh Hoá. Năm 1877, thăng ông làm Bố chính tỉnh Quảng Ngãi. Sang năm sau, Nguyễn Khuyến bị giáng chức và điều về Huế giữ một chức quan nhỏ với nhiệm vụ toản tu Quốc sử quán.

Nguyễn Khuyến là người có phẩm chất tốt đẹp và xem trọng sự trong sạch, cuộc đời làm quan dù ngắn ngủi nhưng nổi tiếng là thanh liêm, chính trực, một lòng gắn bó với nhân dân.

Là người nuôi chí học hành để giúp dân giúp nước và đã đạt đến vinh dự cao nhất trong nghiệp thi cử. Tuy nhiên đỗ đạt rồi ra làm quan, Nguyễn Khuyến mới thấy chán ngán thế sự khi thực dân Pháp thì đang lấn chiếm dần đất nước, còn triều đình Huế thì hèn nhát cam chịu.

Nguyễn Khuyến cáo quan về Yên Đổ vào mùa thu năm 1884 sau 10 năm làm quan. Ông trở về quê nhà dạy học, ngâm thơ, vui vầy giữa xóm làng, trở lại đúng nghĩa một nhà nho vùng chiêm trũng.

“Thánh sống” vẽ bùa, cho chữ

Cổng vào với 3 chữ nho “Môn tử Môn”.

Cổng vào với 3 chữ nho “Môn tử Môn”.

Trong sách “Nguyễn Khuyến và giai thoại” do Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nam Ninh ấn hành năm 1987 biên soạn, kể rằng: Một làng nọ bị hỏa hoạn cháy mất cả đình làng. Khi dựng lại đình, kỳ mục làng đến xin cụ Tam Nguyên mấy chữ về treo để trấn thần hỏa. Người ta tin rằng Nguyễn Khuyến là một vị thần sống, do vậy chữ của cụ có thể cảm động được cả thần linh.

Nghe những người đến xin chữ nói rõ sự tình, Nguyễn Khuyến liền lấy cây bút đại tự viết lên lụa điều một chữ “Nhất” rất lớn có hai đầu phình ra, giữa thót lại. Cụ dặn đem về treo ngược lên giữa cửa đình. Chẳng ai hiểu ý nghĩa ra sao nhưng người ta không dám hỏi mà cứ y lời đem về treo lên.

Lâu sau, không thấy xảy ra hỏa hoạn nữa, người ta tin là do sự mầu nhiệm của đạo bùa của “Tam nguyên Yên Đổ” nên làng bèn biện lễ và cử quan viên đến tạ ơn. Hôm ấy có người đánh bạo hỏi cụ ý nghĩa của chữ “Nhất” trên đạo bùa.

Nguyễn Khuyến hỏi lại: “Các ông thấy chữ “Nhất” ấy có giống cái chày không?”. Đám người kia bảo giống. Lúc ấy Nguyễn Khuyến cười nói: “Cái chày mà treo đứng là “chày đứng”. Chày đứng là đừng cháy. Có thế thôi”.

Từ khi cụ Tam nguyên cáo lão về quê, dân quanh vùng vì kính ngưỡng học vấn, chữ nghĩa nên thường đến xin câu đối. Trong những người xin chữ, có người thành thực nhưng cũng không ít kẻ vì thói hãnh tiến.

Giai thoại còn lưu truyền, Nguyễn Khuyến dùng phép chiết tự để mắng tên tri huyện Thanh Liêm khi y đến xin bức hoành phi. Vốn dĩ viên quan này vừa tham vừa kiệt nhưng lại thích làm sang. Để tỏ ra mình cũng là tay biết chơi chữ nghĩa, nhân một lần có việc quan qua làng, vào nhà cụ Tam nguyên xin cụ viết cho mấy chữ để về treo nơi công đường.

Đã biết rõ bản chất, Nguyễn Khuyến không úp mở nói ngay: “Chữ thì có nhưng đắt đấy, mỗi chữ mười quan. Thầy cần mấy chữ, cứ việc tính tiền ra mà lấy”. Viên tri huyện nghe thì giật mình nhưng chót ngỏ lời không thể chạy làng, mà hoành phi thì không thể xin một chữ. Cuối cùng y đành cay đắng xin bốn chữ.

Dù rất xót của nhưng viên quan cũng được nở nang mày mặt vì cụ cho bốn chữ rất hay là “Thiên lý lương nhân” tạm dịch là “nghìn dặm người tốt”. Nghĩ đến thân phận làm quan phụ mẫu, hoành phi như thế nghĩa là có tiếng tốt được người ta đồn xa đến nghìn dặm nên vợ chồng tri huyện rất mừng, bèn chọn gỗ tốt thuê thợ khắc ngay.

Ít lâu sau có một anh học trò bị quan sai lính nọc ra đánh giữa công đường. Anh học trò bị đánh xong hậm hực lẩm bẩm: “Hèn gì mà cụ Tam Nguyên chửi cho”. Thì ra “Thiên lý lương nhân” có thâm ý là “trọng thực” tức là tham ăn. Bởi vì chữ Thiên đặt trên chữ Lý thành chữ Trọng, chữ Nhân đặt trên chữ Lương là chữ Thực.

Lại có anh làm nghề coi chợ vừa mua được chức phó lý, lại dựng được ngôi nhà mới vừa gần chợ vừa gần sông. Sắp đến ngày tân gia, anh này xin cụ Tam nguyên đôi câu đối bằng chữ Hán.

Nhưng khi về khoe, chị vợ lại thích xin câu đối Nôm. Thấy chuyện ngộ nghĩnh, cụ Tam nguyên vẫn cho câu đối cả Hán cả Nôm: Nhất cận thị, nhị cận giang, thử địa tịch tằng xưng tị ốc/ Giàu ở làng, sang ở nước, nhờ trời nay đã vểnh râu tôm.

Cái hay của câu đối là ở đầu mỗi câu có một câu tục ngữ, và dù là một vế chữ Hán một vế chữ Nôm nhưng lại đối nhau: Làng với Thị, Giang với Nước. Hay nhất là mấy chữ cuối của hai vế: Xưng tị ốc (nghĩa là xưa từng thịnh vượng) với “vểnh râu tôm” vừa nói được nỗi mừng lại vừa tả được sự hãnh diện của vợ chồng anh coi chợ.

Tài danh và đức độ của Nguyễn Khuyến, cho đến ngày nay vẫn khiến người thôn Vị Hạ (Bình Lục) lấy làm tự hào. Ông Nguyễn Thanh Tùng, hậu duệ đời thứ 5 của Nguyễn Khuyến cho biết, khu nhà tế đường trong khu lưu niệm hiện nay, chính là nơi Nguyễn Khuyến đã sống 20 năm cuối đời.

Ngôi từ đường có kiến trúc và điêu khắc mang đậm phong cách cổ truyền. Gian giữa đặt bàn thờ “Tam nguyên Yên Đổ”. Bên cạnh lưu giữ một số kỷ vật gắn bó mật thiết với cuộc đời nhà thơ: 2 hòm sách, 2 ống quyển, 2 biển “Ân tứ vinh quy” vua ban, tấm ảnh chụp lúc sinh thời, câu đối của Tổng đốc Thái Bùi Ước, bài thơ của Tiến sĩ Dương Khuê tặng năm 1871…

Ông Nguyễn Thanh Tùng, hậu duệ đời thứ 5 của Nguyễn Khuyến cho biết, khi Nguyễn Khuyến cáo quan về quê năm 1884, thủ lĩnh khởi nghĩa Hương Khê Phan Đình Phùng từng đến mời cụ tham gia nghĩa quân. Cụ trả lời “ông có cách của ông, tôi có cách của tôi”. Kể từ đó, giữa khu vườn bên trong cổng “Môn tử Môn”, cụ đã dạy chữ cho biết bao môn sinh về tình yêu thiên nhiên mà cũng chính là hun đúc tình yêu dân tộc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.