Tam nguyên ngũ kiệt - Kỳ 3: Vì quốc thể, không ngại tử tiết

GD&TĐ - Sau 113 năm kể từ khi Lê Quý Đôn – người thứ 2 trong nền khoa cử đỗ đầu cả ba kỳ thi hương – hội – đình, thì Trần Bích San cũng giành danh hiệu Tam nguyên vào năm 1865 với học vị Hoàng giáp.

Ngôi nhà số 7 Bến Ngự (Nam Định) – nơi Trần Bích San sinh ra và lớn lên.
Ngôi nhà số 7 Bến Ngự (Nam Định) – nơi Trần Bích San sinh ra và lớn lên.

Trần Bích San là một người tài giỏi, được người đời sánh ngang hàng với Vương Tăng, một danh sĩ đời Tống ở Trung Hoa. Ông được vua Tự Đức trọng dụng, đổi tên là Trần Hy Tăng.

Trần Bích San từng được bổ nhiệm làm Tuần phủ Hà Nội. Năm 1870, giữ chức Lễ Bộ sự vụ, được cử đi sứ sang Trung Quốc lo việc mở thương cục.

Liên trúng Tam nguyên

Ảnh thờ vẽ chân dung Trần Bích San.

Ảnh thờ vẽ chân dung Trần Bích San.

Trần Bích San sinh năm 1940, hiệu Mai Nham, tự Vọng Nghi, người làng Vị Xuyên, tổng Đông Triều (nay là Vị Hoàng - TP Nam Định). Ông là con Phó bảng Trần Đình Khanh. Trước, khi theo học Hoàng giáp Phạm Văn Nghị, tên ông là Trần Tằng Tiễu, vì thấy ông văn hay hạnh tốt nên thầy dạy đổi tên cho là Trần Bích San.

Trần Bích San đỗ giải nguyên thi hương Nam Định khoa Giáp Tý (1864), đỗ hội nguyên, và đình nguyên, đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Ất Sửu niên hiệu Tự Đức thứ 18 (1865). Ông trúng liên Tam nguyên nên được người đời xưng tụng là Tam nguyên Vị Xuyên.

Kỳ phúc thí quyển của ông được châu phê của vua Tự Đức: “Người tuổi còn trẻ mà đỗ liên Tam nguyên cũng là hiếm có. Sau này nếu có tài kinh bang tế thế là điều may mắn cho nước nhà, cũng không phụ lòng mong mỏi của trẫm.

Nay ban cho người đổi tên là Trần Hy Tăng (ví như Vương Tăng đời Tống cũng đỗ Tam nguyên), để tỏ ý mong chờ. Làm bề tôi mà được như thế quả là không xấu hổ”.

Khi vinh quy, vua Tự Đức ban cho ông lá cờ thêu bốn chữ “Liên trúng Tam nguyên”.

Trần Bích San sinh ra trong một gia đình nề nếp, thuở nhỏ đã nổi tiếng thông minh, có suy nghĩ sâu sắc, độc đáo. Khi học Tam tự kinh, để thử trí đối đáp của con, người cha là Trần Đình Khanh ra một vế đối ngắn. Người đọc: Thiên thượng. Nghĩa là: Trời ở trên. Tưởng con sẽ đối: Địa hạ. Nghĩa là: Đất ở dưới. Nhưng Trần Bích San lại ứng khẩu: Nhân trung. Nghĩa là: Người ở giữa.

Vế đối rất hay và sâu sắc. Cậu nói: Nếu đối là: Địa hạ thì thường quá, trò nào cũng đối được. Để răn dạy con có đức tính tự trọng và có ý chí từ nhỏ, cha ông - một nhà giáo có uy tín và đức độ, đã uốn nắn Trần Bích San từng nét chữ, từng bước đi.

Tại lớp học của ông có dán câu đối lớn: Trí thân trực dục cao thiên nhận/Xử thế tu đương hạ nhất tằng. Nghĩa là: Lập thân những muốn cao nghìn trượng/Xử thế mình nên hạ một tầng.

Năm 1860 khi giặc Pháp đánh vào Đà Nẵng, thầy dạy học của ông phải dẫn đầu đoàn nghĩa sĩ hơn 300 người vào Nam đánh giặc, từ đó ông quyết tâm học tập đỗ đạt để giúp nước.

Coi trọng giáo chức, đổi mới giáo dục

Bên trong khu lưu niệm gia đình Trần Bích San tại Nam Định.

Bên trong khu lưu niệm gia đình Trần Bích San tại Nam Định.

Tin Trần Bích San trẻ tuổi Liên trúng Tam nguyên, bà con láng giềng, thân thích kéo tới chúc mừng cụ Trần Doãn Đạt (Trần Đinh Khanh). Tuy nhiên, vẻ mặt của cụ lại rầu rầu, không vui, như có điều gì lo lắng.

Mãi sau mọi người mới rõ, cụ sợ con đỗ cao nảy sinh kiêu ngạo, liền gửi thư cho con, trong đó có hai câu răn: Có kiến thức không khó, khó là phải hiểu biết đến nơi/Không danh vọng không đáng lo, chỉ lo tiếng tăm phù phiếm.

Nhớ lời răn dạy, suốt những năm làm quan, Trần Bích San lúc nào cũng trau dồi kiến thức, sát dân, không háo danh, luôn làm tròn bổn phận của người làm quan. Ông không ngần ngại vạch trần tình trạng tệ hại trong quan trường, mạnh dạn kiến nghị với triều đình coi trọng việc “lấy lòng thành đối với dân chúng làm căn bản”, kiểm tra kỹ lưỡng hàng ngũ quan lại, biểu dương khuyến khích người tốt, bãi bỏ kẻ thiếu đức hạnh.

Lập hệ thống Thái phỏng sứ (như thanh tra) để giữ vững kỷ cương trong hàng ngũ quan lại. Để có được nhiều hiền tài, ông kiến nghị ba giải pháp căn bản: Thứ nhất, coi trọng giáo chức, chọn lựa những người tài đức song toàn, cấp lương bổng thỏa đáng để họ khỏi có tâm lý bỏ nghề.

Thứ hai, tuyển chọn người tài không nên chỉ đơn thuần dựa vào kết quả thi cử văn từ suông mà phải kết hợp với việc thường xuyên tiến cử từ cơ sở lên theo tiêu chuẩn và cách thức thống nhất. Thứ nữa, định ra phép “thuyên tuyển” và cử những người thật có phẩm cách và công tâm đảm nhiệm.

Sau này, triều đình bổ nhiệm Trần Bích San làm Tri phủ Thăng Bình, rồi đổi đi Điện Bàn. Mấy tháng sau được thăng Án Sát tỉnh Bình Định. Năm Tự Đức thứ 22 (1868) thăng hàm Hồng lô tự thiếu khanh, Tuần phủ Trị Bình.

Cũng năm này, ông làm Phó chủ khảo trường thi Hương Thừa Thiên, ra đề thi gợi ý sĩ tử nói trái ý của Tự Đức nên bị giáng chức xuống làm Tri phủ.

Năm 1869 ông lại được vời về triều, rồi sau giữ quyền Lễ Bộ sự vụ. Năm 1870, thấy dân miền Trung cơ cực, ông đã tấu trình xin mở doanh điền ở miền Tây Tuy Viễn để làm kinh tế và giữ yên bờ cõi biên thùy.

Năm 1872, ông được triều đình phái sang Trung Quốc với danh nghĩa hộ tống đoàn thuyền của Trung Quốc bị bão dạt vào bờ biển Việt Nam.

Chuyến đi này thực chất là để Trần Bích San tìm hiểu tình hình Trung Quốc để đối phó với phương Tây và mở cửa thông thương. Về nước, ông có trình lên một bản điều trần đề nghị mở mang công nghiệp, mở cửa biển, đổi mới giáo dục, cử người đi du học… nhưng không được chấp nhận. 

Tử tiết vì quốc thể

Hải Vân Quan – danh thắng nơi Trần Bích San từng đi qua và đề bài thơ nổi tiếng “Tam quá Hải Vân”.

Hải Vân Quan – danh thắng nơi Trần Bích San từng đi qua và đề bài thơ nổi tiếng “Tam quá Hải Vân”.

Năm 1872, ông cáo quan về quê chịu tang cha. Hết 3 năm tang, ông trở lại kinh, và sau này được triều đình bổ đi làm Tuần phủ Hà Nội. Trong chức vụ này, ông thường xuyên có dịp giao thiệp với người Pháp. Có lần Phó thủy sư Đô đốc Dupré ở Sài Gòn ra ghé thăm xã giao.

Dupré dắt theo một con chó. Chủ khách vừa an tọa thì con chó cũng nhảy lên nằm trên ghế đối diện. Ông cho đó là dụng ý của Dupré muốn bỉ mặt mình nên nổi giận phủi áo đứng dậy không tiếp Dupré nữa và sai lính đánh chết con chó.

Năm 1877 có cuộc đấu xảo ở Paris, ngoài việc cử Nguyễn Thành Ý, lãnh sự ở Sài Gòn đem sản vật sang Pháp trưng bày, vua Tự Đức còn ngỏ ý muốn cử một phái đoàn ngoại giao sang Pháp để tỏ tình hữu nghị. Dupré ưng thuận nhưng yêu cầu Nam Triều cử Tuần phủ Hà Nội là Trần Bích San làm chánh sứ.

Vua Tự Đức triệu ông vào kinh để trao sứ mạng. Khi biết hành trình phải ghé Sài Gòn nhờ phương tiện đường thủy của Dupré để sang Pháp, e rằng Dupré sẽ trả thù làm nhục lây đến quốc thể mà lệnh vua không thể trái, ông ngán ngẩm sự đời nuốt giấy bản tự vẫn. Thi hài Trần Bích San được đưa về làng Vị Xuyên mai táng, lúc đó ông mới 39 tuổi.

Trần Bích San mất sớm lại thiên nhiều về văn thơ chữ Hán nên để lại các tác phẩm: Mai Nham thi cảo, Nhân sự kim giám (biên tập), Thanh tâm tài nhân quốc âm thi, Gia huấn ca và tập Tam nguyên Vị Xuyên Thi tập gồm hơn 100 bài thơ bằng Hán Văn, không thấy có văn hoặc thi phẩm bằng chữ Nôm.

Đương thời, Trần Bích San là niềm hi vọng của nhà vua, của triều đình. Ông mất đi để lại niềm thương tiếc vô hạn cho mọi người. Vua Tự Đức đã thương tiếc và thốt lên: Vừa ở Thăng Long về tới nơi/Sao khanh vĩnh biệt chửa đôi lời.

Trần Bích San là người con chí hiếu, khi làm Tri phủ An Nhơn ở miền Trung thấy địa phương có lụa nổi tiếng, ông lấy một tấm rồi sai người đưa về Bắc biếu mẹ. Mẹ ông chiêu đãi người mang lụa chu tất rồi gửi lại cho ông một gói đồ.

Giở gói ra ông thấy còn nguyên tấm lụa và một cái roi mây. Ông hiểu ý thân mẫu mắng mình là đi xa làm công sai mà dĩ công vi tư. Ông nằm xuống tự đánh mình đủ ba roi rồi hướng về quê Vị Xuyên lạy tạ mẹ.

Nguyễn Khuyến và Trần Bích San là hai học trò xuất sắc của Hoàng giáp Tam Đăng Phạm Văn Nghị. Khoa thi Hương năm 1864, Tam Đăng họp các môn sinh vào dặn dò trước khi thi. Ông dặn Nguyễn Khuyến lấy thủ khoa trường Hà Nội, còn Trần Bích San lấy thủ khoa trường Nam Định rồi khi vào kinh thi hội cố giật cho được Tam nguyên.

Nguyễn Khuyến buồn bực than với bạn, Trần Bích San trấn an là thường ngày tài mình vẫn kém bạn, sở dĩ thầy nói như vậy là có dụng ý khuyến khích mình mà thôi.

Khoa thi hương năm ấy, quả nhiên Nguyễn Khuyến đỗ giải nguyên trường Hà Nội, Trần Bích San đỗ giải nguyên trường Nam Định.

Năm sau vào kinh thi hội, Trần Bích San đỗ luôn Tam Nguyên còn Nguyễn Khuyến thì trượt. Khi Nguyễn Khuyến về thăm thầy, Tam Đăng hội các môn sinh lại và giải thích cho biết văn thơ của Trần Bích San hàm xúc nghiêm mật, còn của Nguyễn Khuyến thì tài hoa phóng túng. Mỗi người một vẻ không ai hơn ai, nhưng văn cử nghiệp cần nghiêm mật, vì thế mà Vị Xuyên đỗ sớm hơn Yên Đổ.

Sau này khi có dịp qua Vị Xuyên - quê hương của Trần Bích San, Phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết đã làm câu đối viếng Tam nguyên Vị Xuyên, thương tiếc một con người tài hoa, trung hiếu: Lân quân độc thủ cô thành, quốc trung thần, gia hiếu tử/Sử ngã kinh qua thử địa, giang bán dạ, nguyệt trung thu. Nghĩa là: Thương ông riêng tấm lòng thành, con hiếu của nhà, tôi trung của nước/Khiến tôi qua nơi đất cũ, dòng sông đêm vắng, vầng trăng giữa thu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ