Tam nguyên ngũ kiệt - Kỳ 2: Từ “thần đồng” trở thành nhà bác học uyên bác

GD&TĐ - 18 tuổi, Lê Quý Đôn đỗ giải nguyên kỳ thi hương. 24 tuổi, ông đỗ đầu thi hội. 27 tuổi, ông đỗ đầu thi đình với danh vị Bảng nhãn, khoa thi này không lấy Trạng nguyên, nên kể như cả ba lần đi thi ông đều đỗ đầu.

Đền thờ Lê Quý Đôn tại xã Độc Lập (Hưng Hà – Thái Bình).
Đền thờ Lê Quý Đôn tại xã Độc Lập (Hưng Hà – Thái Bình).

Nổi tiếng “thần đồng”

Lê Quý Đôn (1726 - 1784), tên thuở nhỏ là Lê Danh Phương, tự Doãn Hậu, hiệu Quế Đường. Thuở nhỏ, Lê Quý Đôn đã nổi tiếng “thần đồng” thông minh khác thường. Khi mới 2 tuổi đã nhận biết được 2 chữ “hữu, vô”.

Lên 5 tuổi bắt đầu học Kinh Thư, học đâu nhớ đấy chỉ một lần là thuộc, lên 6 tuổi biết làm thơ văn. Sau này, ông làm quan thời Lê trung hưng, cũng là nhà thơ, và được mệnh danh là “nhà bác học lớn của Việt Nam trong thời phong kiến”.

Phan Huy Chú trong “Văn tịch chí” đánh giá Lê Quý Đôn: Có tư chất khác đời, thông minh hơn người, tính nết thuần hậu, chăm học không biết mỏi. Tuy đỗ đạt vinh hiển, tay vẫn không rời quyển sách. Bàn về kinh sử thì sâu sắc, rộng rãi, mà nói về điển cố thì đầy đủ rõ ràng. Cái sở trường của ông vượt hơn cả, nổi tiếng trên đời.

Lê Quý Đôn quê ở làng Diên Hà, huyện Diên Hà, trấn Sơn Nam - nay là thôn Phú Hiếu, xã Độc Lập (Hưng Hà - Thái Bình). Mẹ ông là con gái một vị tiến sĩ tên là Trương Minh Lượng, trải nhiều chức quan, được ban tước Hoằng Phái Hầu.

Cha của Lê Quý Đôn là Tiến sĩ Lê Trọng Thứ - danh sĩ thời cuối Lê. Chính vì được sự bồi đắp từ gia đình học thức danh gia, nên ngay từ nhỏ Lê Quý Đôn đã nổi tiếng xa gần.

Năm 12 tuổi, Lê Quý Đôn đã thuộc hiểu sâu sắc kinh, truyện, các sử, sách của bách gia chư tử. 14 tuổi, Lê Quý Đôn theo cha lên học ở kinh thành Thăng Long. Lúc ấy, cậu bé quê Thái Bình đã thông thuộc toàn bộ sách kinh, sử của Nho gia.

Hiện nay, tại thôn Phú Hiếu còn truyền miệng câu chuyện năm Lê Quý Đôn 7, 8 tuổi, có quan Thượng tìm đến thăm cha ông là Lê Phú Thứ, nhân gặp một đứa trẻ nên hỏi thăm đường. Lúc đó, Lê Quý Đôn đang tắm truồng bèn dang hai tay, hai chân ra đố quan Thượng nếu biết được là chữ gì thì sẽ dẫn đường.

Quan Thượng thấy đứa trẻ hỗn xược không thèm trả lời. Lê Quý Đôn cười ầm lên chê là chữ “Thái” dễ thế mà không biết. Quan Thượng lúc vào nhà mới biết thằng nhỏ là con bạn mình, muốn thử tài bèn gọi ông lên mắng cho một trận rồi bắt phải làm một bài thơ tự trách mình trong đó mỗi câu đều phải có tên một thứ rắn, nếu không làm được sẽ bị đánh đòn vì tội hỗn láo. Ông ứng khẩu làm bài thơ nôm “Rắn đầu biếng học”.

Một hôm Lê Quý Đôn đến chơi nhà Lý trưởng, thấy trên bàn có quyển sổ biên tên những người thiếu thuế. Cậu bé mở ra xem thấy người thì thiếu năm bảy đấu thóc, người thì vài quan tiền. Ít lâu sau nhà Lý trưởng bị cháy, quyển sổ thiếu thuế cũng bị thiêu hủy.

Khi gặp Lê Quý Đôn, Lý trưởng than không biết tra cứu vào đâu để đòi tiền. Ông bèn đọc lại từ đầu đến cuối cho chép lại. Lý trưởng không dám chắc chắn, nhưng đến khi đi thu các khoản nợ thì đúng cả, không ai than phiền khiếu nại gì.

“Kiến Văn Tiểu Lục” do Lê Quý Đôn viết từ năm 1762 - 1778, gồm 9 mục với 12 quyển rất có giá trị về văn học, địa lý, lịch sử.

“Kiến Văn Tiểu Lục” do Lê Quý Đôn viết từ năm 1762 - 1778, gồm 9 mục với 12 quyển rất có giá trị về văn học, địa lý, lịch sử.

Giấc mộng sinh quý tử

Tượng nhà bác học Lê Quý Đôn tại Thái Bình.

Tượng nhà bác học Lê Quý Đôn tại Thái Bình.

Cho đến nay, dù đã 237 năm kể từ năm Lê Quý Đôn từ giã cõi đời, nhưng tại thôn Phú Hiếu vẫn lưu truyền nhiều câu chuyện vừa thực vừa mang màu sắc huyền bí. Trong đó phần lớn thể hiện sự thán phục, ngưỡng mộ của những người đương thời đối với ông.

Tương truyền, khi quan Hữu thị lang bộ Hộ Lê Trọng Thứ và phu nhân Trương Thị Ích lấy nhau đã hai năm mà chưa có con, nên nhân một chuyến đi về miền Sơn Nam Hạ, đã đến cầu tự ở miếu Soi ven sông Hồng, thuộc làng Khả Duy (Hà Nam).

Đêm ấy sau buổi đi cầu tự về, bà Ích đang còn ngồi ở trên ghế (trong nhà trọ) thì thiếp ngủ, và mơ màng thấy có tiếng trẻ học bài ở ngay cạnh miếu, bà lắng tai nghe nhưng mở mắt nhìn thì không thấy ánh đèn. Một lát sau, khi tiếng học vừa dứt, trước mắt bà hiện ra một đứa trẻ tóc còn để chỏm, hai tay chắp lại lễ phép xin bà nhận làm con.

Bà vô cùng mừng rỡ, vội dang hai tay ra đón lấy, nhưng đúng lúc ấy thì giật mình tỉnh giấc. Sau đó mấy ngày bà có mang. Khi bà mẹ sắp sinh ra thì ông bố lại nằm mơ, thấy có đứa trẻ đến gõ cửa mà nói: “Xin cho tôi được vào nhà để làm con nối dõi”.

Ông Thứ (tức ông bố) hỏi họ tên, đứa trẻ trả lời: “Họ Đặng, tên Xuân”. Ông Thứ lại hỏi: “Xin ở mấy năm?”. Trả lời: “Mười năm”. Ông Thứ lắc đầu. Đứa trẻ lại trả lời: “Hai mươi năm”. Ông Thứ vẫn cứ lắc đầu: “Không được”.

Cứ như thế, đứa trẻ tăng dần thời gian: 30, 40, rồi 50 năm, nhưng ông Thứ đều một mực lắc đầu không nhận, và không mở cánh cửa.

Đến khi đứa trẻ nói: “Sáu mươi năm”, thì ông Thứ tuy hãy còn đôi chút bần thần, nhưng đã gật đầu và rút chốt cánh cửa. Đứa trẻ bước vào, rồi thoắt một cái đã thấy biến mất. Ông Thứ bàng hoàng, đang còn tiếc nuối vì chưa nhìn rõ mặt mũi thằng bé thế nào, thì bỗng đâu nghe tiếng trẻ con khóc vọng ra từ buồng vợ. Ông giật mình, tỉnh hẳn giấc mộng.

Đến sáng ngày hôm sau, ông Thứ đã đi vào buồng vợ để nhìn mặt đứa con. Ông vô cùng mừng rỡ khi thấy gương mặt đầy đặn, sáng sủa, nhưng sau đó cũng lại chạnh nghĩ: “Nó chẳng thể qua được tuổi lục tuần”. Ông Thứ đặc biệt giấu kín chuyện mộng mị của mình với vợ, mặc dù trước đó, khi bắt đầu mang thai, bà Ích đã từng nói với ông về giấc mộng sau lần đi cầu tự ấy.

Chỉ đến khi cụ Thứ lúc đã ngoại bát tuần, sắp qua đời mới kể chuyện này cho con cháu. Và có lẽ, do biết trước được “số trời” của Lê Quý Đôn, nên người cha đã “chạy đua với thời gian”, bằng cách để hết tâm trí vào việc dạy dỗ cho con mau chóng nên người và hiển đạt. Quả nhiên, Lê Quý Đôn đã không phụ lòng mong đợi của người cha.

Nhà bác học lỗi lạc

Từ năm 1986, Nhà nước đã công nhận khu lưu niệm Lê Quý Đôn là di tích văn hoá – lịch sử.

Từ năm 1986, Nhà nước đã công nhận khu lưu niệm Lê Quý Đôn là di tích văn hoá – lịch sử. 

Năm Kỷ Mùi, Lê Quý Đôn theo cha lên học ở kinh đô Thăng Long. Năm Quý Hợi 1743, đời vua Lê Hiển Tông, ông dự thi hương và đỗ đầu lúc 18 tuổi. Sau khi đỗ giải nguyên năm 1743, vì không muốn trùng tên với Nguyễn Danh Phương - một thủ lĩnh nông dân đang nổi lên chống triều đình, nên ông đã đổi tên là Lê Quý Đôn. Sau đó, ông cưới bà Lê Thị Trang ở phường Bích Câu làm vợ. Bà là con gái thứ 7 của Tiến sĩ Lê Hữu Kiều.

Tuy đỗ đầu khoa thi hương, nhưng thi hội mấy lần ông đều không đỗ. Lê Quý Đôn ở nhà dạy học và viết sách trong khoảng 10 năm. Sách “Đại Việt thông sử” được Lê Quý Đôn làm trong giai đoạn này.

Năm 27 tuổi (Nhâm Thân 1752), ông lại dự thi hội, và lần này thì đỗ hội nguyên. Vào thi đình, ông đỗ luôn Bảng nhãn. Vì kỳ thi này không lấy đỗ Trạng nguyên nên kể như cả ba lần thi, Lê Quý Đôn đều đỗ đầu, trở thành Tam nguyên thứ hai của nền khoa cử Việt Nam thời phong kiến.

Sau khi đỗ đạt, Lê Quý Đôn được giao nhiều chức vụ quan trọng của triều đình Lê - Trịnh. Ông từng khiến quan nhà Thanh phải tôn trọng, đổi cách xưng hô từ “di quan di mục” (tức quan lại mọi rợ) thành “An Nam cống sứ” với các sứ thần Đại Việt.

Đoàn sứ của Triều Tiên cũng phải nể phục, ca ngợi tài văn thơ của ông. Theo sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, năm 1762 Lê Quý Đôn được thăng chức Thừa chỉ Viện Hàn lâm, rồi làm Học sĩ ở Bí thư các để duyệt kỷ sách vở.

Lê Quý Đôn là tác giả của nhiều tác phẩm khảo cứu về lịch sử, địa chí, văn hóa Việt Nam. Về lịch sử - địa lý, ông có các tác phẩm: “Đại Việt thông sử” với 30 quyển ghi chép về hơn 100 năm của triều nhà Lê, bắt đầu từ Lê Thái Tổ đến Lê Cung Hoàng. “Phủ biên tạp lục” (6 quyển), viết xong năm 1776, ghi chép về tình hình xã hội Đàng Trong từ thế kỷ thứ 18 trở về trước.

Cuốn “Vân đài loại ngữ” (9 quyển) được Lê Quý Đôn hoàn thành vào năm 1773, được coi là “bách khoa thư” đồ sộ nhất thời phong kiến Việt Nam. Tác phẩm tập hợp các tri thức về triết học, khoa học, văn học... sắp xếp theo thứ tự: Vũ trụ luận, địa lý, điển lệ, chế độ, văn nghệ, ngôn ngữ, văn tự, sản vật tự nhiên, xã hội...

“Vân đài loại ngữ” là tác phẩm được các học giả đánh giá là bộ sách đạt tới trình độ phân loại, hệ thống hóa, khái quát hóa khá cao, đánh dấu một bước tiến bộ vượt bậc đối với nền khoa học Việt Nam thời phong kiến.

Nghe con bạn là Lê Quý Đôn còn nhỏ mà đã hay chữ nên Tiến sĩ Vũ Công Trấn đến chơi, lấy đầu đề “Rắn đầu biếng học” để thử tài. Ít phút sau, Lê Quý Đôn đã làm xong bài thơ đúng vần, đúng luật, hợp đầu đề, ý tứ lại cao kỳ. Đặc biệt, mỗi câu có tên một loài rắn: Chẳng phải liu điu vẫn giống nhà!/ Rắn đầu biếng học lẽ không tha/Thẹn đèn hổ lửa đau lòng mẹ/Nay thét mai gầm rát cổ cha/Ráo mép chỉ quen tuồng lếu láo/Lằn lưng cam chịu vết roi da/Từ nay Trâu Lỗ xin siêng học/Kẻo hổ mang danh tiếng thế gia!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.