Trong các trận bóng đá, rất nhiều người hâm mộ thắc mắc khi thấy các cầu thủ mỗi khi nghỉ ngơi chỉ dùng nước súc miệng mà không uống. Và các nhà khoa học đã giải thích điều này.
Trên thực tế, loại nước các cầu thủ súc miệng không phải bình thường mà là dung dịch carbohydrate hoặc maltodextrin và chúng chứa rất nhiều năng lượng.
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh khi súc miệng bằng carbohydrate trong vòng 5 - 10s sau đó nhổ ra sẽ chuyển hóa thành các chất có khả năng làm tăng hiệu suất vận động của vận động viên.
Đây là một mẹo thường được các vận động viên áp dụng để làm tăng hiệu suất, đặc biệt là trong các môn thể thao đòi hỏi đòi hỏi sự bền bỉ.
Thủ thuật này được biết đến từ năm 2004, nhà nghiên cứu dinh dưỡng sinh lý và thể thao Asker Jeukendrup tại Đại học Loughborough, Anh đã phát hiện ra rằng nước súc miệng có carbohydrate đã giúp nâng cao thành tích của những vận động viên đạp xe hơn hẳn khi súc miệng bằng nước thông thường.
Từ đó đến nay, phương pháp này được rất nhiều vận động viên trên thế giới áp dụng.
Về cơ bản, súc miệng bằng carbohydrate là một thủ thuật đánh lừa não bộ. Khi được giữ trong miệng dù trong thời gian ngắn, chúng sẽ gửi tín hiệu đến não thông báo chuẩn bị có một lượng lớn năng lượng được nạp vào, điều này giúp cơ thể giải phóng các cơ bắp tốt hơn, làm tăng từ 2 - 3% hiệu suất vận động.
Vì carbohydrate chứa nhiều đường dễ gây ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa, vì vậy các cầu thủ chỉ dùng súc miệng chứ không nuốt. Tuy nhiên các bác sĩ cũng khuyến cáo rằng phương pháp này chỉ phù hợp với những môn thể thao kéo dài 1 - 2 tiếng. Nếu thời gian nhiều hơn thì không nên áp dụng.