Vai trò của học liệu mở
Với sự ra đời Khóa học trực tuyến “mở” ở hầu hết các quốc gia đã đánh dấu bước phát triển quan trọng. Tại Việt Nam, một số công ty, cá nhân cung cấp các khóa học trực tuyến và đưa ra học liệu dưới dạng thương mại, mọi người dân không thể tiếp cận nếu không bỏ ra chi phí.
Thế nên, không phải người dân nào cũng đủ tài chính để theo học vì những khó khăn hoặc không muốn chi trả tài chính. Tuy nhiên, cũng có nơi cung cấp miễn phí học liệu, nhưng chỉ là các bài viết, học liệu hình, học liệu tiếng trên các trang mạng xã hội như YouTube, Facebook... Và vấn đề đặt ra ở đây là không có cơ quan nào kiểm soát được nội dung, đặc biệt là những nội dung độc hại, gây nguy hiểm cho xã hội.
Ở mức cao hơn, TNGDM góp phần tạo sự bình đẳng trong giáo dục. Bất kỳ ai, ở bất cứ nơi đâu trên thế giới cũng có thể chia sẻ, sử dụng và tái sử dụng tri thức. Ông Tùng cũng cho rằng, nơi có thể xây dựng, cung cấp kho tàng này chính là các trường đại học, với kho tư liệu, hệ thống công nghệ thông tin phục vụ đào tạo có sẵn.
Để tiến tới xây dựng xã hội học tập, người dân có thể tự học, học suốt đời, rất cần nguồn học liệu trên cả phương diện số lượng và chất lượng, sự cần thiết phải có kho TNGDM được đặt ra. Việc xây dựng kho tàng học liệu mở sẽ góp phần bổ sung những thiếu hụt học liệu trên cả nước, vì học liệu mở sẽ giúp người học tiếp cận thuận lợi hơn các nguồn tài nguyên khác. Thêm nữa học liệu mở nếu được triển khai rộng khắp sẽ có tác động tốt đến chất lượng đào tạo và nghiên cứu ở bậc đại học Việt Nam.
Theo TS Trương Tiến Tùng – Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội, TNGDM được xem là nguồn tài nguyên thông tin khoa học hữu hiệu để hỗ trợ cho việc phổ cập giáo dục. Đặc biệt, TNGDM tạo ra sự bình đẳng cho người học và người dạy trong việc tiếp cận nguồn học liệu giáo dục chất lượng cao và miễn phí với giấy phép mở.
Ảnh minh họa |
Xây dựng hệ sinh thái mở
Ở một số trường đại học, các khóa học trực tuyến và học liệu được cung cấp dưới dạng các khoá học của chương trình đào tạo có cấp bằng là chính, chưa cung cấp rộng rãi tới cộng đồng theo đúng với định nghĩa “mở” của Tài nguyên giáo dục mở. Nhiều trường vẫn cho rằng học liệu này do mình làm ra và chỉ sử dụng phục vụ mục đích đào tạo cho riêng mình.
Chính quan điểm đó đã khiến cho kho TNGDM là hệ thống học liệu “đóng”. Nguyên nhân có thể do mỗi trường có bí quyết riêng trong việc tổ chức đào tạo, nhưng cũng không ngoại trừ việc không muốn chia sẻ vì cho rằng ai đó không làm gì cả cũng được hưởng lợi.
Từ thực tế triển khai xây dựng kho học liệu mở ở Trường Đại học Mở Hà Nội, TS Trương Tiến Tùng chia sẻ: Trong mô hình đào tạo từ xa của nhà trường, người học được tiếp cận kiến thức, ngành học theo nhu cầu của cá nhân. Ai muốn học ngành nào, môn học nào trong chương trình đào tạo cũng được đáp ứng, miễn là đạt được điều kiện tiên quyết để vào học. Trường Đại học Mở Hà Nội đã thực hiện cá nhân hóa học tập từ rất sớm. Việc học tập, bồi dưỡng của người học trở nên thường xuyên, liên tục, suốt đời, góp phần xây dựng một xã hội học tập.
Có thể nói với tính “mở” của TNGDM, cần thiết có sự chung tay của các trường đại học để tạo nên một hệ sinh thái xây dựng và khai thác có hiệu quả nguồn TNGDM. Ở tầm quốc gia, Việt Nam đang phát triển hệ tri thức Việt số hoá, song, mới đang ở giai đoạn tập hợp các nội dung thông tin từ nhiều cá nhân, ngành nghề, lĩnh vực dưới dạng tài liệu số thuần túy, chưa có sự tương tác, chưa đưa vào đó tính sư phạm để biến các nội dung này thành các khoá học dễ dàng tiếp cận cho mọi người.
Một hệ sinh thái mở với nguồn TNGDM trong các trường đại học cần sớm được xây dựng và sẻ chia để mọi người cùng thụ hưởng là vô cùng cần thiết. Và càng cần thiết hơn nữa khi Việt Nam đã và đang nỗ lực xây dựng cả nước thành một xã hội học tập.